Vải là loại quả đặc trưng của mùa hè có hương vị thơm ngon, ngọt ngào khiến nhiều người rất thích. Vải không chỉ để ăn trực tiếp mà còn có thể đem sấy khô, làm sinh tố, nước ép, làm kem, nấu chè... mỗi món đều đem lại hương vị hấp dẫn riêng làm ai cũng khó lòng chối từ được.
Vải đang bắt đầu vào mùa, được bày bán nhiều tuy nhiên không phải quả nào cũng ngon nếu bạn không biết cách chọn. Do đó, bạn có thể tham khảo những tuyệt chiêu chọn vải ngon, ngọt, mọng, cùi dày và không bị sâu đầu như dưới đây nhé:
Quan sát vỏ vải
Khi chọn vải, trước tiên phải chọn quả có vỏ thật tươi, sờ cảm nhận được độ mỏng của vỏ, càng mỏng càng ngon. Phần gai sần ở trên vỏ vải nhẵn chứng tỏ vải đã chín tới sẽ ngọt hơn. Nếu gai càng nhiều và dầy, sần thì chứng tỏ quả còn xanh chưa chín, ăn kém ngọt mà còn rất chua.
Cành của quả vải dẻo và nhỏ. Đặc biệt, tránh chọn những quả vải cành đã khô, vỏ có đốm, nhất là có đốm nâu và có những vết thâm ở cuống vì quả như vậy dễ bị sâu đầu.
Quan sát màu sắc quả
Thông thường những quả vải chín tới, ngon ngọt sẽ có màu hồng tươi, thỉnh thoảng có chỗ pha màu vàng sáng, kích thước quả đều nhau.
Hình thức
Để chọn được vải thiều ngon ngọt, lưu ý, vải thiều có hình thức không đẹp bằng vải lai. Quả vải thiều nhỏ hơn, chỉ bằng 70% vai lai. Quả tròn, hơi đều, trong khi giống vải lai quả vải to mọng, thân thuôn dài, hạt to.
Hương vị
Nói chung, quả vải nhỏ cho nên lúc mua bạn có thể dễ dàng nếm thử. Khi ăn, thấy vải có vị ngọt, có hương thơm đặc trưng là vải ngon rồi. Còn nếm 1-2 quả đều thấy vải bị chua thì không nên mua nữa.
Hạt
Những quả vải có hạt nhỏ là vải ngon. Hạt dễ tách, róc cùi, đen nhánh là vải vừa chín tới, nên mua. Còn hạt có màu hồng, khó bóc thịt vải chứng tỏ quả còn xanh, ăn sẽ chua.
Thịt quả
Quan sát thịt quả cũng rất quan trọng. Những quả vải có thịt quả dày, trắng trong, mềm, căng nước. Nếu thịt quả biến sắc, khô, là vải đã để lâu ngày, chất lượng kém. Nếu thịt quả có mùi rượu, màu khác lạ thì tuyệt đối không nên sử dụng vì những quả này đã bị chín quá, đang bị lên men hoặc bị hỏng, ăn vào sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe.
Nói chung, vải ngon nhất khi vừa chín tới. Nếu sờ thấy vải mềm mà không có tính đàn hồi là quả đã quá chín, ăn không ngon.
Tham khảo thêm cách làm các món ngon từ vải:
TRÀ THẠCH VẢI
Nguyên liệu pha cho cốc trà 400ml:
- 3gram hồng trà (hoặc 2 trà túi lọc cosy hương vải)
- 100ml nước vải ngâm
- 100ml nước nóng để hãm trà
- 5 quả vải ngâm
- 1-1,5 thìa canh đường
Nguyên liệu làm thạch vải
- 3gram thạch rau câu dẻo
- 200ml nước vải ngâm
- 100ml sữa tươi
- 200ml nước lọc
Cách làm:
Phần thạch vải:
- Cho 200ml nước, 200ml nước vải ngâm vào nồi đặt lên bếp bật lửa nhỏ, vừa khuấy vừa cho bột rau câu dẻo vào từng chút 1 đến khi bột thạch tan hoàn toàn. Tăng nhiệt độ cao đến khi thạch sôi thì hạ lửa, cho 100ml sữa vào khuấy đều, rồi tắt bếp.
- Đổ ra hộp chờ thạch nguội, cho vào tủ lạnh đến khi thạch đông thì cắt miếng tuỳ thích.
Phần trà vải:
- Hãm hồng trà với 100ml nước nóng tầm 5 phút. Bỏ bã trà, lấy phần cốt trà cho vào cốc, hoà thêm đường cho tan rồi thêm phần nước cốt vải vào khuấy đều.
- Cho thêm nhiều đá, sau đó cho phần thạch và vải ngâm lên trên mặt cốc. Trang trí thêm chút lá bạc hà.
Vậy là đã có 1 cốc trà thạch vải mát lạnh rồi.
Những lưu ý khi làm trà thạch vải:
- Sử dụng đường phèn sẽ thanh hơn nhưng nếu không có cũng không sao.
- Vải càng tươi thì ngâm càng ngon và quả cũng sẽ cứng dễ làm hơn.
- Vải luộc xong ngâm đá rất dễ lấy hạt (mình đã thử không luộc và tách hạt thì khó hơn và quả không được đẹp)
- Lọ đựng vải cần tiệt trùng sạch sẽ như tráng nước đun sôi sau đó phơi nắng hoặc hong khô) mới bảo quả được vải lâu mà không bị lên men.
- Phần thạch vải nếu muốn ăn mềm mềm hơn có thể cho thêm 50ml sữa tươi không đường và 50ml nước. Mà muốn hút được bằng ống hút luôn thì cho thêm mỗi loại 100ml.
VẢI PHƠI KHÔ
Chuẩn bị:
- Vải thiều, loại hạt nhỏ, thịt dày
Cách làm:
- Đem vải về cắt từng quả ra khỏi cành, cho ra mẹt.
- Sáng trời nắng mang ra sân, chiều tắt nắng mang vào.
Lưu ý: phơi khá lâu, khoảng 15-20 nắng. Còn nếu ngày nắng quá to thì chỉ cần 10 nắng.
Đang phơi nắng dở mà mưa, mọi người không phải lo nhé! Cứ để chỗ thoáng gió, rồi nắng lại mang ra phơi là được.
Nên xem dự báo thời tiết, tuần nào nắng cả tuần thì phơi. Phơi đến khi nào lắc được quả là khi đó đạt! Sau đó mình đem cho vào túi hút chân không để dành được đến Tết nhâm nhi rồi.
Mẹo hay nhà bếp