Sữa chua mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của trẻ, vì vậy, đây là món ăn vặt hay tráng miệng không-thể-thiếu hàng ngày. Và việc cho trẻ ăn sữa chua tưởng chừng đơn giản, nhưng thực tế lại khá phức tạp và có nhiều 'vấn đề' mà một trong số đó là hiểu lầm của mẹ về lợi ích của sữa chua và cách cho ăn.
Để chăm con khỏe mạnh hơn, dưới đây là nguyên tắc '3 không, 2 có' khi cho trẻ ăn sữa chua mà mẹ phải 'cập nhật' và cẩm nang của mình.
Nguyên tắc '3 không'
Không cho trẻ ăn lúc đói
Khi đói, tính axit trong dạ dày dễ tiêu diệt các vi khuẩn axit lactic trong sữa chua, do đó, tác dụng của sữa chua sẽ bị giảm đi rất nhiều. Hơn nữa, ăn sữa chua khi đang đói khiến dạ dày trẻ co bóp mạnh, dịch vị tiết ra sẽ đào thải nhanh calci xuống ruột và bài tiết ra ngoài, bé sẽ cảm thấy cơ thể mệt mỏi, chân tay bủn rủn. Thậm chí là đau bụng, đau dạ dày.
Không cho trẻ ăn quá nhiều
Nhiều phụ huynh tin rằng, sữa chua là ‘thần dược’ cho hệ tiêu hóa nên ‘thả cửa’ cho trẻ ăn bất kể khi nào chúng muốn. Sự thật, đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Nếu cho trẻ ăn quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến sự bài tiết của các dung môi trong dạ dày, làm giảm sự thèm ăn và lạnh bụng. Trẻ bị tiêu chảy cũng nên “kiêng” sữa chua cho đến khi bụng được ổn định.
Lượng sữa chua/ ngày hợp lý theo độ tuổi của trẻ là:
- Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi ăn từ 50 – 100ml
- Trẻ 2 – 3 tuổi: 100 – 200ml
- Từ 3 tuổi trở lên: 200 – 300ml
Lưu ý: Nếu trẻ ăn nhiều sữa chua thì giảm bớt sữa nước.
Cho trẻ ăn sữa chua sai cách có thể gây họa (Ảnh minh họa).
Không cho trẻ ăn sữa chua quá lạnh/nóng
Đây là nguyên tắc quan trọng nhất các bậc cha mẹ cần nhớ khi cho trẻ ăn sữa chua. Nếu làm nóng, các vi khuẩn có lợi trong sữa chua sẽ mất khả năng hoạt động, lúc này sữa chua đã bị mất đi các chất dinh dưỡng và khả năng kích thích tiêu hoá cũng giảm đi đáng kể. Còn nếu dùng lạnh quá (để ngăn đá), các chất dinh dưỡng cũng bị mất đi phần nào, thêm nữa, bé rất dễ bị viêm họng.
Để tránh lạnh, buốt, các mẹ có thể lấy sữa chua ra để ở nhiệt độ thường khoảng 10-15 phút hoặc có thể ngâm vào nước ấm theo công thức 2 sôi 1 lạnh, rồi trộn để nhiệt độ sữa chua đồng đều trước khi cho bé ăn.
Nguyên tắc '2 có'
Ăn sữa chua buổi tối
Cho trẻ ăn sữa chua buổi tối sẽ chẳng hấp thụ được gì lại phí tiền? Nếu bà mẹ nào có suy nghĩ như thế thì nên xem xét lại. Theo các bác sĩ dinh dưỡng, không cho trẻ ăn sữa chua buổi tối là mẹ đã bỏ qua thời điểm vàng giúp con tận dụng tối đa lượng canxi có trong sữa chua.
Sữa chua cũng giàu canxi như sữa, nhưng nhờ có chứa acid lactic và giữ lại canxi nên sữa chua tốt hơn hẳn sữa thường về vai trò thúc đẩy sự hấp thụ canxi. Nói chung, sau khi ăn tối khoảng 30 phút đến 2 tiếng là thời điểm ăn sữa chua tốt nhất. Tuy nhiên, theo các bác sỹ thì để tối đa hóa hiệu quả của canxi trong sữa chua, tốt nhất là mẹ nên cho bé ăn sữa chua vào bữa tối trước khi đi ngủ.
Ăn sau bữa điểm tâm
Thành phần vi sinh hữu ích trong khung ruột có chung một nhược điểm là rất 'mong manh'. Các thành phần này rất dễ thất thoát nếu trẻ phải dùng thuốc kháng sinh lâu ngày. Chúng thậm chí hao hụt rất nhanh trong trường hợp ngộ độc thực phẩm, khi trẻ bị căng thẳng (chẳng hạn trong giai đoạn mới vào nhà trẻ, vào trường học), hay thường khi chỉ vì thay đổi cách ăn uống. Chính vì thế mà trẻ nên ăn sữa chua sau bữa điểm tâm, vì đó là thời điểm tốt nhất để tăng cường sức kháng bệnh.