Khóc đêm, ngủ ít là tình trạng chung mà nhiều mẹ gặp phải trong quá trình nuôi con sơ sinh và con nhỏ. Tình trạng này không những khiến cho mẹ đau đầu tìm hướng giải quyết mà còn ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ cũng như sức khỏe và sự phát triển những năm tháng đầu đời của bé.
Mỗi đứa trẻ sẽ có một thể trạng khác nhau, vì thế mỗi mẹ sẽ có những phương pháp khác nhau để giảm tình trạng khóc đêm cho bé, giúp con ngủ ngon giấc hơn.
Dưới đây là một số mẹo giúp trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ có được giấc ngủ ngon hằng đêm được các mẹ bỉm sữa chia sẻ:
Phương pháp rèn con ngủ xuyên đêm của ca sĩ Phạm Quỳnh Anh - chuyển từ 3 cữ bú/ đêm xuống chỉ còn 1 cữ/ đêm
Đêm đầu tiên: Cho bé An (con Phạm Quỳnh Anh - PV) bú lúc 21:00 với lượng sữa là 120ml.
Đêm thứ hai: Quỳnh Anh cho bé An bú bữa cuối ngày lúc 23:00, đến 5:00 sáng An mới dậy ăn tiếp.
Cứ như thế, những ngày sau đó, Quỳnh Anh căn chỉnh đến khi bữa cuối ngày là 12h đêm đến sáng.
Sau khoảng 10 ngày rèn ngủ xuyên đêm cho con gái, Quỳnh Anh vui mừng khi bé An bỏ bú đêm thành công nhờ phương pháp căn chỉnh giờ ăn để bữa cuối cùng rơi vào 12h đêm và ngủ liền mạch đến 5 - 6h sáng mới thức dậy bú tiếp.
Tuy nhiên, để đi đến bước con tự ngủ ngon ban đêm những thói quen sinh hoạt ban ngày cũng quyết định khá lớn. Tham khảo chi tiết tại đây.
Phương pháp rèn con vận động ban ngày, dễ ngủ ban đêm của mẹ Việt tại Nhật
Mẹ Thỏ (hiện đang sinh sống tại Nhật Bản) cho rằng việc cho bé vận động thường xuyên vào ban ngày chính là cách giúp con ngủ ngon giấc vào ban đêm.
Theo đó, ban ngày mẹ hãy cho bé vận động thật nhiều. Mẹ chọn các vận động chân tay thích hợp theo từng độ tuổi cho bé. Hãy để bé vận động bận rộn cả một ngày.
Mẹ tập dần cho bé ngủ theo cữ vào ban ngày, vừa cho con ti mẹ trực tiếp, vừa vắt ra bình để con ti bình nữa. Mẹ tập cho bé dậy vào giờ cố định buổi sáng, tắm nắng.
Ban ngày bé dậy vào lúc 7h sáng, sau khi cho con vận động cho bé ti mẹ, thường ti mẹ thì bé sẽ ti vặt chứ không được no bụng. Chính vì vậy mà bé hay ngủ nhưng cũng hay thức dậy đòi ti.
Ở cữ buổi trưa, mẹ muốn bé ngủ sâu nên mình vắt sữa đủ ra bình và cho con uống hết. Nếu đang uống mà con lăn ra ngủ, nên cho bé ợ hơi, trêu bé để bé dậy bú tiếp, cứ vậy cho đến khi bú đủ cữ trong bình thì con sẽ ngủ sâu.
Buổi chiều tương tự như vậy, mẹ cho bé vận động thật nhiều, cho ti mẹ trực tiếp. Ở cữ từ 5h chiều cho con ti bình, 7h tối bé sẽ ngủ, 10h mẹ đánh thức con dậy cho ti no cữ cuối. Bé có thể sẽ ngủ thẳng tới 6,7h sáng hôm sau luôn. Mẹ nào tầm 3, 4h đánh thức con dậy cho ti lần nữa cũng được, còn không thì có thể để con ngủ xuyên đêm luôn. Nếu bé khóc, mẹ có thể kiểm tra xem là bé đói, hay bỉm ướt, hay bé bị mẩn ngứa ở đâu không, có bị tắc mũi không...
Nếu con hoàn toàn bình thường mà vẫn gào khóc vô cớ thì mẹ cứ để cho bé khóc, khóc là một cách xả stress hiệu quả của các con. Khi bé nguôi nguôi mẹ hãy bế nựng, ôm ấp, xoa đầu hay massage tay chân cho bé nhưng tuyệt đối không nên rong rẩy bé. Ban ngày vận động mệt, đã khóc xả hết stress trong người, đêm được bú đủ no, bé sẽ ngủ ngon.
Các mẹ Nhật cho rằng khóc cũng là một công việc của bé giống như ăn, ngủ, tiểu tiện, đại tiện. Nghe thì có vẻ vô lý nhưng trẻ em cũng bị stress và khóc là cách xả stress hiệu quả của các bé. Quan trọng nhất là sau khi bé nguôi khóc, mẹ hãy ôm nựng, xoa đầu hoặc massage chân tay cho con, nói chuyện hoặc hát cho bé nghe để bé cảm nhận được tình yêu thương của mẹ.
Tuyệt đối tránh việc rong rẩy hoặc tập cho bé những thói quen không tốt như là phải rong rẩy thì mới ngủ hoặc phải bế suốt thì mới ngủ... mẹ hãy kiên nhẫn tập cho bé thói quen tự chìm vào giấc ngủ.
Dạy con phân biệt ngày và đêm để ngủ ngon giấc - mẹ Ting Ting
10 ngày đầu: Dạy con biết ngày - đêm
Ban ngày sáng đèn, thực hiện tắt đèn tối từ 19h đến hết sáng hôm sau.
Như vậy cứ 6-7h tối mẹ đều để đèn ngủ chỉ đủ mẹ nhìn pha sữa và canh chừng con. Đóng cửa và hạn chế tất cả các hoạt động khác, không chơi cùng con. Tuyệt đối không tạo tiếng ồn, không dỗ... Có thể tạo âm thanh "xuỳ xuỳ" giống xi tè bên tai để trấn an con.
Ban đầu để tạo thói quen ngủ vào 1 giờ nhất định buổi tối, những ngày đầu mẹ nên dùng mọi cách: ru, ti giả, đung đưa... để con ngủ đúng giờ, hình thành thói quen ngủ và nhịp sinh học. Đừng lo vì em bé sơ sinh chưa bị làm hư bởi những thứ đó.
10 ngày sau đó: Giúp con ngủ liền mạch giấc đêm
- Gọi dậy để đêm buồn ngủ: Giấc ngủ cuối trước giờ đi ngủ đêm (giấc chiều muộn), mẹ nên cho bé ngủ 30-40 phút là đủ.
Ví dụ: Bữa chiều của con là 17h, ăn xong 45 phút đến 1 tiếng sẽ đi ngủ (lịch trình bé 3 tháng, bé sơ sinh chỉ 15-20 phút cần đi ngủ luôn). Như vậy giấc ngủ ngày cuối cùng của bé vào khoảng 18h. Sau 3 tiếng tức 20h tối bé sẽ ăn bữa đêm cuối cùng.
Như vậy mẹ sẽ cho ngủ 30 phút đến 18:30 là gọi dậy, tắm táp hoặc chơi cùng bé để bạn tỉnh táo và thức đến bữa ăn cuối (20h). Sau khi ăn xong bữa cuối thì con cũng đã rất buồn ngủ vì thức dài, nên bé sẽ dễ dàng đi ngủ đêm luôn mà không thức để chơi quá lâu nữa.
Tuy nhiên, để việc rèn con ngủ đêm thành công, ban ngày mẹ cũng cần phải đặt ra những quy tắc riêng cho bản thân và bé. Tham khảo chi tiết tại đây.
>> XEM TIẾP: 10 thực phẩm giúp trẻ ngủ một mạch đến sáng không quấy khóc