Vũ Thị Bích Trâm (25 tuổi, quê Long An) đã bị Công an quận 7 (TP. HCM) bắt giữ để điều tra làm rõ hành vi chiếm đoạt trẻ em. Trâm là kẻ đã lẻn vảo Bệnh viện quận 7 (TP.HCM) đánh cắp cháu Trương Văn Hoài, 1 ngày tuổi (bé Hoài sinh ngày 8/1).
Sau khi bị bắt giữ, Trâm khai, năm 2003, Trâm quen và cưới anh Vũ Tiến L. (SN 1987, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM), nhưng không đăng ký kết hôn. Sau thời gian quen biết nhau, Trâm có thai, khi đi khám thì được biết thai nhi trong bụng là bé gái.Nghe tin Trâm có thai, gia đình L. ai cũng vui mừng. Tình cảm giữa Trâm và L. ngày càng bền chặt. Tuy nhiên, mới đây khi bị sẩy thai, Trâm không thông báo cho gia đình nội ngoại biết; thậm chí là L.. Vì sợ sau khi để mất đứa con trong bụng sẽ bị gia đình chồng ghẻ lạnh, chồng sẽ chia tay nên Trâm nảy sinh ý định bắt cóc con người khác để làm con mình.
Một kịch bản tương tự cũng xảy ra cách đây không lâu. Hồi tháng 11/2012, sản phụ Trần Thị Thơm trú tại thôn Kênh Cầu, xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên đã sinh mổ bé trai nặng 3,4kg. Vừa sinh được 2 ngày tuổi, bé Trường con chị Thơm đã bị kẻ gian đóng giả bác sỹ “bắt cóc” ngay tại giường bệnh, BV Phụ sản Trung Ương Hà Nội.
Sau 5 ngày bị bắt cóc, cơ quan công an đã tìm thấy tung tích bé Trường. Hung thủ bắt cóc cháu bé là Nguyễn Thị Lệ (SN 1982, ở Việt Yên, Bắc Giang). Vì không có con, Lệ đã mang thai giả và lập kế hoạch bắt cóc cháu Trường để lừa gia đình chồng.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với hai chuyên gia tâm lý và xã hội học xoay quanh những hành động bị lên án này.
Chuyên gia xã hội học Trịnh Hòa Bình: Nếu cô gái dám nói sự thật sảy thai với gia đình thì đã khác
Qua sự việc có thể thấy cô gái đó là người ấu trĩ, cách tính toán cũng chỉ theo kiểu thông minh đời sống chứ không phải như tội phạm chuyên nghiệp. Chỉ một phút thiếu suy nghĩ mà đi bắt cóc con trai của người khác để nói với nhà chồng đó là con do cô ấy sinh ra là điều không phù hợp với các chuẩn mực đạo đức.
Thậm chí, phút chót kẻ bắt cóc đã chủ động ra đầu thú và hiện nay người ta đang nói về mức án phạt nào là phù hợp. Có thể đã có hồi chuông cảnh tỉnh sau câu chuyện về bắt cóc trẻ em ở Bệnh viện Phụ sản Trung Ương cách đây không lâu nhưng có thể do cô gái đó chưa hiểu hết hoặc nghĩ có thể khả năng tính toán tốt hơn nên sẽ thoát được chăng. Tuy nhiên, dù thế nào đi chăng nữa thì việc bắt cóc trẻ em như vậy cũng là điều hòa toàn không chấp nhận được.
Chuyên gia xã hội học Trịnh Hòa Bình cho rằng: "Phụ huynh cần bảo vệ con em không chỉ ở cửa hàng, siêu thị, hay công viên mà ngay cả trong khuôn viên gia đình mình"
Có thể có ý kiến nói rằng, vụ việc từng xảy ra ở Bệnh viện Pụu sản Trung ương không được xử lý nghiêm nên mới có việc bắt cóc trẻ một ngày tuổi như vừa qua. Tuy nhiên, theo tôi không phải vậy. Tôi cho rằng có một số người suy nghĩ khi thấy tội phạm trẻ hóa thì muốn sửa đổi khung xử phạt, tăng hình phạt… Nhưng rõ ràng như vậy là không phù hợp. Vấn đề quan trọng nhất là cần hướng đến xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật, người dân hiểu biết về pháp luật một cách đầy đủ nhất.
Trường hợp của cô gái tên Trâm bị sảy thai muốn được hoàn thành danh phận người vợ với chồng nhưng lại không dám đối diện với sự thật. Đâu đó cũng có những tiếng nói xót xa cho hoàn cảnh của cô gái kia nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì cũng không thay thế hay xóa bỏ được việc làm chấn động mà cô ấy gây ra với gia đình có em bé. Giả sử cô gái kia dám nói lên sự thật về chuyện sảy thai với chồng và gia đình thì có lẽ sự việc đã không đến mức phải vướng vòng lao lý như hiện tại.
Để chấm dứt được tình trạng bắt cóc trẻ em theo kiểu “níu kéo tình cảm người yêu” tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng như sự việc vừa xảy ra có lẽ cần trang bị kiến thức pháp luật đầy đủ nhất. Với phụ huynh cần bảo vệ con em không chỉ ở cửa hàng, siêu thị, hay công viên mà ngay cả trong khuôn viên gia đình mình.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý: Hành động đó quá mù quáng
Hiện tượng bắt cóc trẻ con đã có bài học nhãn tiền cách đây 1 năm nhưng mức hình phạt cũng chưa thật sự nghiêm nên có kẻ vẫn lợi dụng điều này để tiếp tục thực hiện hành vi này. Thực sự hành động bắt cóc đứa trẻ mới 1 ngày tuổi như vậy là đáng lên án. Bởi vì, người phụ nữ mang năng đẻ đau, sinh con là niềm hạnh phúc không gì diễn tả được nhưng kẻ bắt cóc đã vội cướp đi niềm hạnh phúc ấy. Người mẹ vừa sinh con, sức khỏe chưa hồi phục sẽ bị sốc, thậm chí trầm cảm khi con bị bắt cóc như vậy rõ ràng là không tốt.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý: "Hành động bắt cóc đứa trẻ mới 1 ngày tuổi của cô gái tên Trâm đó là mù quáng".
Hành động bắt cóc đứa trẻ mới 1 ngày tuổi của cô gái tên Trâm đó là mù quáng, thiếu kinh nghiệm sống. Tình yêu phải đến từ hai phía chứ không thể níu kéo như vậy. Thực ra đây là tiếng chuông cảnh tỉnh, cả xã hội cần vào cuộc. Đặc biệt, những người làm giáo dục, làm cha mẹ khi dạy con, dạy học sinh cần cung cấp kiến thức đầy đủ về ứng xử, kỹ năng sống. Nhiều gia đình chưa chú ý thật sự, bởi vì còn suy nghĩ hoàn cảnh đó sẽ không rơi vào gia đình mình.
Bà mẹ sau khi sinh con, phải tuyệt đối cảnh giác với những người lạ khi muốn xin bồng bế con mình. Cảnh giác với những người lạ lân la trò chuyện mà mặt mày lấm lét, quan sát xung quanh với thái độ khả nghi. Quan trọng nhất vẫn là cảnh giác, phòng tránh để không xảy ra tình huống đáng tiếc.
Phụ nữ sau khi sinh con tuyệt đối không gửi con cho người lạ, người không quen biết trông. Khi người lạ, người không rõ tên tuổi hay mới quen đưa sữa, kẹo bánh… phải cảnh giác. Tuyệt đối không để người không phải họ hàng bế trẻ. Mặt khác, nếu có việc bận cần gửi cho y tá hoặc người thân, chồng trông bé cẩn thận.