Trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo thường có trí tưởng tượng khá phong phú. Vì thế, các bé có ý thức, suy nghĩ đôi khi là mơ hồ về bố mẹ cũng như nghề nghiệp của bố mẹ. Những gì bé thường thấy tận mắt đôi khi lại đem đến cho trẻ những suy nghĩ trái ngược, khiến người lớn cũng không thể tưởng tượng được. Đó là lý do vì sao đôi khi trí tưởng tượng phong phú của trẻ lại khiến bố mẹ cũng như mọi người quá bất ngờ vì nó "cao siêu" hơn so với thực tế. Giống như trường hợp của một bé gái có tên Natalie Portman sinh ra và lớn lên tại Jerusalem, Israel.
Được biết, lúc Natalie Portman 13 tuổi, trong một lần xuất hiện trên sóng truyền hình, Natalie Portman đã khiến khán giả cười bò khi kể câu chuyện vui ở trường mẫu giáo của mình.
Cô bé kể: "Khá là buồn cười bởi vì khi cháu học mẫu giáo, giáo viên hỏi cháu: 'Em có biết bố em làm nghề gì không?'. Và cháu nói là ông ấy giúp phụ nữ có thai. Giáo viên đã gọi cho mẹ cháu và hỏi: 'Chính xác là chồng chị làm nghề gì vậy?'".
Natalie Portman 13 tuổi khiến cả khán trường cười nghiêng ngả khi kể về kỉ niệm hồi mẫu giáo với bố.
Và sự thật về nghề nghiệp của bố Natalie đã được cô bé nói ngay trên sóng truyền hình, đó là "bố cháu là một chuyên gia về bệnh vô sinh".
Hiện tại Natalie Portman đã trưởng thành, là một diễn viên nổi tiếng nhưng tình huống trên đã giúp cô luôn được khán giả nhớ tới.
Cũng giống như nữ diễn viên Natalie, câu chuyện chia sẻ về nghề nghiệp của bố mẹ của cậu bé Trương Mộ Đồng - con trai cặp nam nữ diễn viên nổi tiếng Trương Trí Lâm và Viên Vịnh Nghi cũng từng được báo chí nhắc đến nhiều lần. Bởi nó cho thấy trong con mắt trẻ thơ, các bé có trí tưởng tượng vô cùng phong phú về nghề nghiệp của bố mẹ.
Vợ chồng Trương Trí Lâm và Viên Vịnh Nghi khiến con trai cũng mơ hồ về nghề nghiệp của bố mẹ.
Được biết, để tên tuổi của bố mẹ không ảnh hưởng tới cuộc sống của con cũng như giúp Mộ Đồng không vì sự nổi tiếng của bố mẹ mà trở nên kiêu hãnh với bạn bè, vợ chồng Trương Trí Lâm - Viên Vịnh Nghi quyết định giấu kín chuyện hoạt động nghệ thuật của mình với con trai. Mỗi khi con trai hỏi vợ chồng Trương Trí Lâm - Viên Vịnh Nghi rằng bố mẹ làm nghề gì, Trương Trí Lâm thường lấy những vai diễn của mình để trả lời con, ví dụ như bố làm cảnh sát, đầu bếp hay một nhân viên bình thường.
Cậu nhóc Trương Mộ Đồng cũng cảm thấy rất bình thường với câu trả lời của bố và cũng không giấu giếm, khi nói chuyện với bạn bè, thầy cô ở lớp, Mộ Đồng cũng hay khoe bố mình làm nghề này, nghề kia, đổi nghề liên tục khiến bạn bè và cô giáo đều rất hiếu kì.
Thông tin này cũng đến tai hiệu trưởng nhà trường - nơi Mộ Đồng theo học. Vì thế, vị hiệu trưởng thấy làm lạ, cho rằng việc thay đổi như vậy của bố mẹ sẽ không tốt cho cuộc sống của Mộ Đồng hoặc câu chuyện mà Mộ Đồng kể liệu có phải là do cậu nhóc tự bịa ra. Chính vì thế, vị hiệu trưởng đã yêu cầu Mộ Đồng mời bố mẹ đến họp phụ huynh ở trường để được trò chuyện trực tiếp.
Thế nhưng điều bất ngờ lại nằm ở phút chót khi vợ chồng nam diễn viên nổi tiếng Trí Lâm - Vịnh Nghi đến trường theo lời mời của vị hiệu trưởng. Lúc này vị hiệu trưởng mới vỡ lẽ hiểu được sự thật phía sau những lần đổi nghề nghiệp liên tục của cặp bố mẹ. Đồng thời hiệu trưởng cũng hiểu được vì sao Mộ Đồng không hề nghi ngờ gì về việc bố mẹ mỗi lần hỏi là làm một ngành nghề khác nhau.
Qua đó có thể thấy quả thực trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học thường có những suy nghĩ rất mơ hồ về một điều gì đó dẫn đến việc trẻ nhận định không chính xác hoặc tưởng tượng phong phú thêm về điều đó. Việc này cũng không hoàn toàn mang lại những tác động tiêu cực, mặt khác cũng là một cách giúp trẻ hình thành những kỹ năng tốt trong cuộc sống hoặc đem đến những trải nghiệm, kỉ niệm đẹp về nghề nghiệp của bố mẹ.
Chính vì thế, các bậc cha mẹ cần luôn tìm cách kích thích trí tưởng tượng của con, khuyến khích con sáng tạo và vận não để nghĩ ra những điều mới lạ.
Kể nối một câu chuyện
Kể chuyện, đọc sách cùng con không chỉ gia tăng kiến thức mà còn giúp kích thích trí tưởng tượng của trẻ. Thường, khi cùng con đọc truyện hay kể một câu chuyện cổ tích cho con nghe, tôi chỉ kể nửa chừng, sau đó để con tưởng tượng đến sự kết thúc của câu chuyện. Đôi khi, những đứa trẻ nghĩ ra cái kết còn hay và thú vị hơn cả “bản chính”.
Vẽ hình và tranh nối
Vẽ tiếp vào một bức tranh đang dở dang, để cho con hoàn thành nốt bức tranh mẹ vẽ sẵn cũng là cách tôi hay thường làm. Ví dụ, trên một tờ giấy trắng, tôi sẽ vẽ vào đó một hình tròn hoặc chữ nhật…nhiệm vụ của con sẽ là phát triển để hoàn thành một bức tranh. Đôi khi tôi cho con chủ đề và nội dung theo quy định, đôi khi không. Cả hai cách này đều có thể truyền cảm hứng cho suy nghĩ của trẻ em và cả trí tưởng tượng không gian.
Nghe nhạc
Trò chơi này khá thú vị. Tôi thường cho con nghe một bài hát, sau đó hỏi con nếu bé làm …đạo diễn, bé sẽ cho quay video clip ca nhạc đó như thế nào, khung cảnh diễn ra ở đâu, nhân vật làm gì, đồng thời cho con vừa hát vừa diễn. Bằng cách này, trẻ em sẽ có rất nhiều cảm hứng để phát huy trí tưởng tượng, âm nhạc lại khiến người ta vui vẻ.
Nghĩ ra các tình huống rồi hỏi con “sẽ làm thế nào”
Hãy cung cấp cho trẻ một vấn đề, để cho trẻ nêu ra các giải pháp khác nhau, mẹ sẽ thấy vô cùng thú vị. Chẳng hạn như "đi bộ gặp phải một vũng nước, con sẽ làm thế nào để không ướt giàu ?." Câu hỏi mở như vậy, ngoài để kích thích trí tưởng tượng của trẻ, còn có thể cải thiện khả năng tư duy và khả năng giải quyết vấn đề từ bé.
Cho trẻ đóng vai người khác
Các trò chơi phân vai như cưỡi ngựa, bác sĩ, giáo viên… là một trong những trò chơi tuyệt vời trong việc kích thích sự tưởng tượng ở trẻ. Trẻ sẽ tưởng tượng cưỡi ngựa như thế nào, hoặc nếu trở thành một kỵ sĩ trẻ sẽ phải làm gì, nếu là bác sĩ trẻ sẽ khám cho bệnh nhân ra sao…
Ở tuổi từ 1-3 trí tưởng tượng của trẻ phát triển rất mạnh mẽ. Vì vậy, cha mẹ cần phải “tận dụng” khoảng thời gian này để trẻ tiếp xúc với những trò chơi trí tuệ, mang tính tưởng tượng cao như trên.