Bé chỉ chơi một mình chứ không biết cách chơi với đám đông, nên mỗi khi ra ngoài cháu không thể hòa nhập với các bạn được ngay. Tuần nào cũng đến nhà bà ngoại chơi nhưng cháu cũng phải mất 2-3 tiếng đồng hồ để làm quen với các anh/chị/em (cùng lứa, chỉ hơn kém nhau 1-2 tuổi). Thấy người lạ là cháu hầu như khóc hoặc im lặng, hỏi không trả lời. Ra ngoài cháu ít nói và hay khóc, khác hẳn vẻ đáng yêu, lý lắc và nghịch ngợm khi ở nhà chỉ có bố mẹ.
Ảnh minh họa: News. |
Tôi thường xuyên đưa cháu đi chơi, đến siêu thị. Cách đây một tháng cháu đi lớp nhưng chỉ ngồi một chỗ ôm con gấu chứ không chịu nói chuyện hay giao lưu với các bạn. Các cô nói tôi yên tâm vì cũng có nhiều bé như vậy. Tôi thấy con hoàn toàn bình thường về mặt tâm sinh lý, cháu học rất nhanh, những gì cô giáo dạy ở lớp về nhà cháu đều kể vanh vách. Tuy vậy tôi rất lo vì con hầu như không thể giao tiếp với bạn bè và cô giáo. Rất mong nhận được sự trợ giúp của các chuyên gia - (Đoàn Hồng Nhung).
Trả lời:
Chào bạn Hồng Nhung,
Chúng tôi xin chia sẻ với lo lắng của bạn là mong muốn con mình biết giao tiếp và hòa nhập với bạn bè cùng lứa cũng như với những người xung quanh. Bẩm sinh có những đứa trẻ khá tự tin nhưng trái lại cũng có em khá nhút nhát trong giao tiếp. Con bạn ở nhà tỏ ra đáng yêu, nhanh nhẹn, thông minh nên khi ra đường bạn cũng mong như thế và một khi chưa được như vậy, bạn cho rằng bé giao tiếp kém. Theo tôi, bạn không nên vội vàng dán nhãn cho bé là giao tiếp kém, vì thật ra bé mới 3 tuổi nên có thể hơi sớm để nhận định là có năng khiếu giao tiếp tốt hay không.
Ở nhà bé thường lý lắc với cha mẹ vì đơn giản bé tìm thấy được cảm giác an toàn, đó là điều tất nhiên. Bởi khi ở với cha mẹ thì bé luôn cảm thấy cảm thấy an toàn, ra ngoài gặp người lạ bé cảm thấy ít an toàn hơn. Có nhiều em, vì một lý do nào đó ít gặp ba hoặc mẹ nên khi gặp các em cũng tỏ ra sợ hãi hay giữ khoảng cách ban đầu nhất định, sau đó mới quen dần.
Hơn nữa con chị mới đi học được một tháng ở trường, tức là còn khá mới nên có thể bé còn cần “tự vệ” để được cảm giác an toàn. Thu mình vào, không giao tiếp với ai cũng là cách tìm cảm giác an toàn mà thôi. Theo tháp nhu cầu của Maslow, con người có 5 loại nhu cầu được xếp từ thấp lên cao bao gồm:
- Nhu cầu sinh tồn/sinh lý.
- Nhu cầu an toàn.
- Nu cầu xã hội.
- Nhu cầu được tôn trọng.
- Nhu cầu tự khẳng định bản thân (xem ảnh "Tháp nhu cầu" dưới đây).
Ảnh: nhanghethuat. |
Phân tích "Tháp nhu cầu" trên ta thấy rằng an toàn là nhu cầu thứ 2, xếp sau ăn uống, ngủ nghỉ (sinh lý) và trên nhu cầu về xã hội, giao tiếp, giao lưu xã hội. Vậy bạn cứ bình tĩnh và kiên nhẫn với bé, vì một khi bé cảm thấy an toàn mới có nhu cầu xã hội, tức là giao lưu, giao thiệp với những người xung quanh.
Tôi khuyên bạn đừng quá lo lắng, cứ để bé tìm cảm giác an toàn trước rồi từ từ bé trải nghiệm và ít sợ sệt hơn. Hãy cho bé chơi những nơi thật quen trước, chơi nhiều lần mà không cần phải gặp quá nhiều người lạ, chỉ cần một số người thôi. Ngoài ra vợ chồng bạn cũng nên trấn an và chỉ cho bé thấy sự an toàn khi gặp những người xung quanh.
Ở tuổi này bé chưa thể theo học các lớp kỹ năng gì. Cho đến khi cháu vào cấp một mà còn như vậy thì có thể cho bé theo học các lớp kỹ năng, cụ thể là kỹ năng giao tiếp tự tin. Cô giáo của bé nói là con chị “không sao” là đúng, vì trên thực tế cũng có khá nhiều em như vậy, thậm chí có em còn sợ cả màu tối như màu đen, màu nâu đậm… Khi đi học mầm non, lớp 1, bé trở nên quen dần, mạnh dạn hơn, thậm chí có em có thể giao tiếp với người nước ngoài.
Vậy điều bé cần là thời gian và cả sự hỗ trợ động viên của bạn. Vì thế bạn nên bình tĩnh, kiên nhẫn và là chỗ dựa để bé tìm được cảm giác an toàn. Không nên áp lực cháu bằng cách đưa vào môi trường giao tiếp mà bé chưa sẵn sàng đón nhận. Nếu bị thúc ép quá, bé có thể khóc hoặc có cảm giác sợ hãi và ngại giao tiếp hơn, khi đó mọi cố gắng của bạn sẽ trở nên phản tác dụng.
Chúc bạn thành công trong việc hướng dẫn con cái và chúc con bạn sớm giao tiếp tốt như bạn mong muốn.
Thạc sĩ Hoàng Thanh Linh
Tác giả Triết lý Giáo dục Thành Nhân