Giáo sư, tiến sĩ Thái Kim Lan là người con xứ Huế, sang Đức du học từ năm 1965 và trở thành giảng viên triết học tại Đại học tổng hợp Ludwig - Maximilian, thành phố Munich. Bà nổi tiếng là người mẹ có phương pháp thai giáo và tình thương đặc biệt với cô con gái duy nhất của mình. Dưới sự dưỡng dục khoa học mà đầy tính truyền thống, con gái của bà đã trở thành một người giỏi giang, lễ độ, thành đạt, hiện chị công tác tại một viện khoa học có tiếng ở nước ngoài.
Suốt quá trình nuôi dạy con, tiến sĩ Thái Kim Lan luôn kể cho đứa trẻ nghe những câu chuyện về quê hương đất nước với hình ảnh cánh đồng lúa chín vàng, cánh cò bay lả bay la... Ảnh: NVCC. |
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con "từ thuở còn thơ", tiến sĩ Kim Lan cho biết, từ khi mang thai bà đã thu thập những kinh nghiệm nuôi con của nhiều bà mẹ thành công rồi chọn lọc những gì phù hợp để áp dụng vào hoàn cảnh của mình. Bà nói: "Tôi ý thức rằng tâm sinh lý của người mẹ trong lúc mang thai ảnh hưởng lớn đến tính tình của đứa con nên luôn cẩn thận trong việc chọn lựa đồ ăn, thức uống, cố gắng giữ đời sống tinh thần quân bình khi mang thai. Tôi xem đó như cách để chuyện trò với đứa trẻ, tạo sự đồng điệu sau này".
Một thời gian dài sống tại Đức là một nước châu Âu tiên tiến, tiến sĩ Kim Lan cũng thấm nhuần văn hóa của quốc gia này. Tuy nhiên, trong lúc thai giáo và nuôi dưỡng con, bà vẫn giữ nguyên thái độ của một người mẹ Việt truyền thống. Vợ chồng bà cố tìm cho con chiếc nôi bằng tre y như ở làng quê Việt Nam, trong đó phủ một tấm màn màu đỏ sậm như bên trong tử cung của người mẹ theo lời khuyên của giáo sư Stellman: "Điều này giúp cho thai nhi khỏi thấy lạ lẫm trong một môi trường hoàn toàn mới lạ khi rời khỏi bụng mẹ".
Trong lúc mang thai, Kim Lan thường nói chuyện với con bằng tiếng mẹ đẻ. Từ lúc lọt lòng, đứa bé đã được mẹ ru bằng những câu hát ân cần của xứ Huế: “Ru em, em thét cho muồi, để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu…”. Khác với phụ nữ châu Âu thường cho con uống sữa bò, Kim Lan cho con bú sữa mẹ, duy trì đến lúc bé “đã thèm” mới thôi. Nhờ vậy mà đứa trẻ không hay bị đói hoặc đòi ngậm núm vú cao su.
Ban đêm bà luôn cho con ngủ chung với mẹ. Khi đói đã có sẵn bầu vú nên đứa bé ít khóc đêm. Điều này làm cho nhiều bạn bè người Đức rất ngạc nhiên vì “sự hiện diện êm đềm” của đứa trẻ trong nhà, không thấy tiếng khóc la đòi bú.
Trong khi mang thai, người mẹ thường ngồi thiền và niệm Phật, là tôn giáo bà được thấm nhuần từ tấm bé. Sau này khi bà ngoại từ Việt Nam sang Đức thăm cháu, có nhiều lúc Kim Lan đang ru con bằng những câu hát ru dân tộc, bà ngoại cũng tụng kinh thường nhật. Tiếng kinh tiếng mõ nhịp nhàng, đều đặn, đưa đứa trẻ vào giấc ngủ bình yên.
Kim Lan bảo: "Tôi nuôi dưỡng con không chỉ với bản năng và tình thương của người mẹ mà còn luôn ý thức mình phải làm gì và nên làm gì tốt cho đứa bé". Cô con gái luôn được sống trong môi trường đầy tình yêu thương của những người xung quanh. Thiên thần nhỏ cũng được bố bồng ẵm, thay tã, ôm ấp, ru ngủ…
Tiến sĩ Kim Lan đúc kết 3 điều quan trọng mà người mẹ nên ghi nhớ để nuôi con khôn lớn: Thứ nhất là ngôn ngữ, thực tế tiếng nói của người mẹ rất quan trọng trong lúc nói chuyện với con. Thứ hai là sự biểu lộ sắc diện (nét mặt) của người mẹ cũng góp phần nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ. Thứ ba, cha mẹ cần tạo cho trẻ một môi trường sống tươi đẹp để đứa trẻ có được sự phát triển tốt hơn.
Trong cuộc sống ngày càng đầy đủ tiện nghi nơi quê người, tiến sĩ Kim Lan vẫn dành cho con sự trìu mến yêu thương mang đậm chất Việt. Bà nuôi dưỡng mối dây liên kết tình mẫu tử thông qua những câu chuyện kể về quê hương xứ sở. Người mẹ cũng chịu khó đi xa để tìm được loại sữa tốt cho đứa con hoặc món ăn phù hợp với sức khỏe. Bà hay viết thư tay cho con mỗi lần phải đi công tác xa hay về thăm quê hương.
Tình thương của cha mẹ đã hun đúc cho cô con gái bé bỏng ấy trở thành thiếu nữ duyên dáng, là một sinh viên xuất sắc trong trường đại học tại Đức, được học bổng đi học ở Trung Quốc. Sau đó chị trở thành chuyên gia nghiên cứu tại một viện khoa học nổi tiếng ở Đức.
Theo bà Lan, từ khi mới sinh cho đến lúc hai tuổi là giai đoạn rất quan trọng, trẻ cần được đắp một cái nền tinh thần cũng như thể xác bằng tình yêu thương trìu mến bao dung và sự thận trọng về dinh dưỡng. Như thế những ảnh hưởng ngoại lai khó có thể xô ngã bản chất đã được hình thành nơi con trẻ. "Điểm quan trọng nhất trong quá trình nuôi con của tôi là kiên nhẫn và kiên trì, không sợ phí hay mất thì giờ chuyện trò với con, tập cho con nhìn, chú ý đến từng đồ vật", bà chia sẻ.
Để giúp con phát triển trí tuệ, vợ chồng bà Lan luôn tập cho bé trau dồi khả năng quan sát mọi vật chung quanh. Khi con lớn hơn, cha mẹ bắt đầu tập cho bé biết lý luận và tự do phát biểu độc lập, tự chủ, không bị áp lực đúng sai. Bé có thể dựa vào tri giác quan sát, óc suy đoán từ đơn giản đến phức tạp, nói thẳng và thành thật về suy nghĩ của mình mà không bị trừng phạt nên không phải sợ hãi.
"Sự giáo dục cao nhất chính là dạy trẻ về lòng bác ái, thương người, thương loài vật qua bất kỳ bài học nào. Nếu cha mẹ không sớm giáo dục trẻ từ nhỏ thì lớn lên chúng thường trở thành kẻ ích kỷ", bà Lan đúc kết.
Nhằm hướng dẫn phụ huynh những kiến thức cơ bản về phương pháp thai giáo, Hội quán các bà mẹ TP HCM tổ chức tọa đàm “Thai giáo và hiểu đúng về phương pháp giáo dục sớm” vào sáng 11/1 tại địa chỉ 143 Nguyễn Văn Trỗi, phường 11, quận Phú Nhuận, TP HCM. Tại đây, các nhà nghiên cứu văn hóa, chuyên gia tâm lý sẽ chia sẻ về kinh nghiệm về cách dạy con sớm như thế nào để hiệu quả. Đăng ký qua điện thoại 01236 220 202 hoặc email: hoiquancacbamehcm@gmail.com. |
Thi Trân