Tôi có thể làm gì để nuôi dạy con tốt hơn và cải thiện được tính xấu này của cháu? (Ngọc Quyên)
Trả lời
Chào bạn,
Rất nhiều phụ huynh cũng gặp tình trạng con không vâng lời cha mẹ như trường hợp của bạn mặc dù cháu còn rất nhỏ. Thực tế cho thấy, trong một điều kiện sống tương tự, có những em bé rất ngoan và có những em bé rất bướng bỉnh mặc dù các em có thể được yêu thương, quan tâm và chăm sóc giống nhau. Thông thường, các em bé thể hiện sự bướng bỉnh của mình đơn giản chỉ vì cảm thấy thiếu sự quan tâm của gia đình nên muốn làm như vậy để thu hút sự chú ý. Có khi người lớn thấy thời gian quan tâm cho bé như thế là đủ nhưng có thể các bé cần nhiều hơn.
Ảnh minh họa: Singaporemotherhood.com. |
Như bạn chia sẻ, chúng tôi không biết con bạn được mọi người trong gia đình quan tâm như thế nào và bé có nằm trong trường hợp “bị thiếu quan tâm” nên phải dùng chiêu bướng bỉnh không? Nếu có thì bạn nên lưu ý. Tuy nhiên, nếu bé được cha mẹ quan tâm đúng mực mà vẫn bướng bỉnh, không vâng lời, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Khi muốn con làm điều gì đó, bạn cần đưa ra thông tin cụ thể và rõ ràng. Trên thực tế, rất nhiều trường hợp các con không làm theo lời cha mẹ vì thông tin đưa ra không rõ ràng và thiếu dứt khoát. Bé chủ quan và cho rằng yêu cầu của bạn là không quan trọng, không làm không sao hay cứ từ từ thực hiện.
- Khi muốn con kết thúc việc gì đó bạn cần đưa ra lời cảnh báo cụ thể hậu quả và có thời gian cho bé chuẩn bị kết thúc việc riêng bé đang làm, trò chơi bé đang chơi. Việc ra lệnh và giải thích trong mọi tình huống đều không phát huy tác dụng với trẻ ngang bướng. Bạn hãy lựa lời để trẻ suy nghĩ đến hậu quả, khi đó bạn sẽ dễ dàng điều khiển hành vi của con.
- Bạn nên tránh sự chú ý của con. Khi con bạn giận dữ, la hét đòi hỏi điều gì đó nếu như bạn nổi đóa, giận dữ, cuốn theo cơn giãy giụa la hét của con, con bạn sẽ càng được nước lấn tới. Tốt nhất là bạn nên tảng lờ bé đi và dứt khoát nói: “Không là không”. Sau đó, bạn hãy bỏ sang phòng khác vì những cơn giận dữ của trẻ chẳng qua chỉ là chiến thuật thu hút sự chú ý mà thôi. Và khi bạn không quan tâm đến điều đó, bé sẽ tự nguôi cơn giận dữ đi vì màn kịch không có khán giả hưởng ứng nữa. Bạn phải lưu ý khi để bé một mình trong phòng đó phải đảm bảo an toàn với trẻ.
- Khi con bạn giơ tay định đánh, bạn hãy giữ bình tĩnh, không nên hà khắc và lập tức nổi nóng, bạn hãy tạo ra sự phân tâm cho bé bằng một hành động khác để bé quên đi việc đang định thực hiện. Bạn có thể làm cho bé cảm thấy an toàn như bế bé lên, nhìn vào mắt bé, nói nhỏ nhẹ rằng mình rất yêu bé, âu yếm vuốt ve, ôm chặt con vào lòng. Khi đó sự tức giận của bé sẽ mất đi và sự đáng yêu sẽ trở lại.
Bạn cần cố gắng kiểm soát cảm xúc của mình để không bị cuốn theo những cảm xúc của con, đặc biệt khi bé khóc hay làm nũng để đòi điều gì đó theo ý riêng. Bạn cần cứng rắn hơn với những gì con đòi hay cần thực hiện nhưng lại tỏ ra hết sức thân thiện, yêu thương và đồng cảm với bé. Bạn cũng không nên “dán nhãn” cho con là đứa trẻ bướng bỉnh , không ngoan hay những gì đại loại như vậy. Quan trọng là nên dùng những cách thức động viên, khuyến khích bé vâng lời cha mẹ hơn là bạo lực.
Cuối cùng, trong một số tình huống cần thiết, bạn có thể cũng cần những hình phạt nhưng phải phù hợp, không nên sử dụng hình phạt đánh đòn vì làm cho bé sợ và làm theo ý bạn lúc đó nhưng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ về sau.
Trên đây là một vài lời gợi ý cho bạn, chúc bạn sớm thành công trong việc giáo dục con cái.
Thạc sĩ tâm lý Tạ Thị Thu Huế
Trung tâm hỗ trợ tâm lý cộng đồng SPC