Bố mẹ nào cũng mong muốn cho con cái của mình một xuất phát điểm tốt nhất, để có thể trở thành một người tự tin trong tương lai. Vì vậy, họ đã không ngừng “đắp” lên người những đứa trẻ các giá trị vật chất lộng lẫy, xa hoa. Mặc dù, đó là ưu thế để trẻ có cơ hội phát triển trong môi trường chất lượng, tuy nhiên cái gì cũng thế, vừa đủ thì tốt còn quá mức thì lại mất hay.
Chị Uyển Đình (Trung Quốc) là bà mẹ thích ăn diện, chăm chuốt vẻ bề ngoài. Vì vậy, khi có con gái đầu lòng là Dao Dao, chị đã dồn mọi sự quan tâm và đầu tư cho con gái để diện mạo của con trông lộng lẫy và xinh đẹp nhất. Tủ quần áo của Dao Dao có rất nhiều bộ váy, đầm, túi xách, giày dép và phụ kiện sành điệu, thậm chí là được gắn mác hàng hiệu với giá cả khá chát.
Dù ở nhà hay đi ra ngoài, Dao Dao đều được mẹ cho mặc quần áo đẹp, sang chảnh. Nhiều lần chồng chị phàn nàn vì chị mua sắm áo quần cho con quá nhiều, và khuyên chị đừng nên tập cho con thói quen ăn diện, để con tập trung cho việc học. Tuy nhiên chị Uyển Đình lại không nghe lọt tai, chị cho rằng: "Nếu muốn con gái không bị bạn bè coi thường, nhất định phải đầu tư cho con trở nên "hiện đại' và "sành điệu".
Một tuần sau khi con gái bước vào học kỳ mới ở tiểu học, cô bé thường xuyên trở về nhà với vẻ mặt buồn bã và ấm ức khóc lớn. Chị Uyển Đình hoảng hốt vì không biết con đã xảy ra chuyện gì ở trường. Trấn an Dao Dao được một lúc, cô bé mới kể lể với mẹ toàn bộ sự việc bản thân bị bạn bè xa lánh, không thích chơi cùng.
Nghe xong, chị cảm thấy rất bất ngờ và lập tức gọi điện cho cô giáo để hỏi thăm tình hình. Cuối cùng, chị cũng hiểu việc con gái thường xuyên ăn mặc nổi bật đến trường, đã khiến con hình thành ý thức về sức hút của bản thân, vì vậy mà đã luôn tỏ thái độ kiêu ngạo với bạn bè.
Thực tế, tâm lý chung của hầu hết các bà mẹ đều coi trọng đầu tư, trau chuốt vẻ bề ngoài cho con. Họ luôn muốn con trông thời trang để có thể gây sự ấn tượng và nhận được lời khen ngợi từ mọi người xung quanh.
Tuy nhiên, cách giáo dục này có thể phản tác dụng, bởi vì trẻ có thể trưởng thành trong quan điểm lệch lạc, sai lầm về giá trị của vẻ bề ngoài. Điều này đã ảnh hưởng xấu đến quá trình hình thành nhân cách và lối sống của trẻ.
Khuyến cáo từ các chuyên gia, bố mẹ cần phải nhìn thấy những “mối nguy” thực tế từ quan điểm ăn mặc sai trái này, từ đó thức tỉnh và kịp thời sửa đổi cho con.
Dễ thu hút sự chú ý của kẻ xấu
Từ số liệu thực tế ngày nay có thể thấy, nạn bắt cóc và xâm hại tình dục trẻ em vẫn chưa hề suy giảm, không có một biện pháp giải quyết triệt để nào cho vấn nạn xấu này. Tuy nhiên, cách giáo dục đúng đắn từ gia đình cũng sẽ một phần giúp trẻ phòng ngừa được mối nguy hiểm, bảo vệ tốt bản thân. Trong đó, vấn đề về ăn mặc, diện mạo bề ngoài của trẻ cần được bố mẹ đặc biệt cẩn trọng.
Mặc dù bố mẹ không sai trong việc quan tâm đến cách ăn mặc của trẻ, để trẻ có một diện mạo chỉnh chu và tự tin nhất khi ra ngoài. Nhưng điều này nên được thực hiện trong một giới hạn nhất định, như vậy thì trẻ sẽ được bảo vệ an toàn hơn. Lý do là vì những đứa trẻ ăn mặc quá lộng lẫy thường sẽ dễ bị kẻ xấu dòm ngó, lựa chọn để trở thành “con mồi” cho mục đích xấu xa của mình.
Đối với những kẻ “yêu râu xanh”, chúng sẽ nhắm vào đứa trẻ khiến cho nó có sự kích thích ham muốn tình dục, mà điều kiện này vừa hay lại phù hợp với những bé gái được bố mẹ chăm chuốt diện mạo nổi bật mỗi khi ra ngoài.
Bên cạnh đó, đối tượng thực hiện hành vi bắt cóc cũng sẽ lựa chọn trên tiêu chí giống như vậy. Nguyên nhân là vì, những đứa trẻ này có khả năng rất cao là con cái của gia đình có điều kiện, thế cho nên trẻ mới được đầu tư vật chất xa hoa và sành điệu như thế.
Ảnh hưởng học tập, trẻ có thể chểnh mảng, sa sút
Nhiều bà mẹ than thở, con cái dạo này có kết quả học tập kém hẳn so với trước đây, bài tập về nhà cũng không hoàn thành đúng hẹn, ngược lại suốt ngày thích ngắm nghía mình trong gương. Thậm chí, hầu như ngày nào cũng đi học muộn chỉ vì lựa chọn quần áo để mặc quá lâu. Điều này đã đưa ra lời cảnh báo tình trạng thực tế, việc trẻ quá chú tâm trong vấn đề ăn mặc sẽ gây ảnh hưởng xấu đến việc học.
Hậu quả xấu này nên được quy trách nhiệm về cách giáo dục sai lầm của mẹ. Bởi vì trẻ nhỏ chưa nhận thức được sâu sắc thiệt, hơn trong tình huống này, tâm lý chung của trẻ là sẽ tỏ ra vô cùng thích thú và phấn khởi khi được ăn mặc xinh đẹp đến trường. Vậy nên, trẻ sẽ nghĩ việc mẹ thường xuyên chăm chuốt quần áo lộng lẫy cho trẻ là hành vi đúng đắn, thể hiện tình yêu thương mà mẹ dành cho mình.
Tuy nhiên, khi trẻ đến tuổi dậy thì, điều này lại càng nghiêm trọng. Bởi vì lúc này, trẻ sẽ hình thành tư duy coi trọng vẻ bề ngoài, dẫn đến tình trạng lơ là trong việc học. Nếu trong tình huống mẹ không đáp ứng nhu cầu “ăn diện” cho trẻ, trẻ lập tập sẽ tỏ thái độ thái quá.
Ngoài ra, giai đoạn này trẻ chú trọng vẻ bề ngoài cũng là một dấu hiệu của tâm lý “biết yêu”. Nhưng việc trẻ yêu sớm sẽ không có lợi cho quá trình học tập của trẻ.
Bởi vì tâm trí và thời gian trẻ đầu tư vào vấn đề ăn diện nhiều hơn so với việc học, điều này khiến trẻ lơ là, sa sút trong quá trình học tập.
“Nghiện” những thứ phù phiếm, chú trọng hình thức bên ngoài
Đối với trẻ nhỏ, việc học và phát triển các kỹ năng sống phải được ưu tiên hàng đầu. Sự thành công hay thất bại của trẻ trong tương lai, đều được quyết định bởi con đường học vấn, không phải là con đường theo đuổi những giá trị phù phiếm. Vậy nên, trẻ chỉ cần ăn mặc gọn gàng, chỉnh chu khi đến trường hoặc lúc đi ra ngoài
So với giá trị vật chất thì giá trị tinh thần mới là thứ mà trẻ cần nuôi dưỡng càng sớm càng tốt. Nếu quá chú trọng đến vẻ bề ngoài, trẻ sẽ không còn thời gian và tâm trí để phát triển tâm hồn. Bởi vì, sự giàu có về tâm hồn là sự giàu có vĩnh cửu, còn sự giàu có về vật chất chỉ tồn tại ở một thời điểm nhất định, sau đó cũng sẽ mất đi.
Chỉ có sự giàu có về tâm hồn, mới khiến cho giá trị con người của trẻ trở nên “đẹp đẽ” giữa cuộc đời. Đó là lý do, bố mẹ phải giúp trẻ hình thành những nhận định đúng về các giá trị này. Từ đó, hướng dẫn trẻ đi trên con đường phù hợp nhất dành cho bản thân.
Bố mẹ nên giáo dục cho trẻ hiểu, giá trị tâm hồn mới là thứ cần được bồi dưỡng thay vì giá trị vật chất.
Sai lệch trong góc nhìn xã hội
Những đứa trẻ có vạch xuất phát cao, thường tự đánh giá vị trí của bản thân trong xã hội khá cao. Điều này sẽ là “con dao hai lưỡi”, vừa có thể giúp trẻ tự tin thể hiện cá tính của bản thân, nhưng cũng đồng thời khiến trẻ tự cao, tự đại và có thái độ xem thường mọi người xung quanh.
Bởi vì sống trong môi trường xa hoa, được bố mẹ đầu tư quần áo hàng hiệu từ trên xuống dưới, cho nên trẻ hình thành sự “ảo tưởng” về sức mạnh của bản thân, đặt nặng tư tưởng vật chất.
Trẻ cho rằng mình có tầm ảnh hưởng với xã hội, vì vậy mà trẻ sẽ tự “phân tầng” bạn bè. Chỉ những đứa trẻ có gu thời trang và điều kiện vật chất dư dả, mới cùng đẳng cấp với mình và trẻ sẽ chỉ kết giao với những đứa trẻ này. Thậm chí, đối với những bạn học có diện mạo bình thường hoặc thấp hơn, trẻ sẽ tỏ thái độ khinh thường.
Nếu tình trạng sai lệch trong tư tưởng trên kéo dài, vòng bạn bè của trẻ sẽ thu hẹp lại, kỹ năng giao tiếp xã hội của trẻ vì thế cũng bị ảnh hưởng. Đáng buồn hơn là trẻ có thể rơi vào tình huống bị bạn bè ganh ghét, nói xấu, thậm chí là cô lập.
Trẻ có tư tưởng đề cao giá trị vật chất, dễ hình thành "ảo tưởng" về vị thế của bản thân, tỏ thái độ không xem ai ra gì.