Tuổi dậy thì của con trai thường bắt đầu từ 10 đến 14 tuổi và kết thúc ở độ tuổi 16 đến 18. Ở độ tuổi này, tâm lý tuổi dậy thì ở con trai cũng trở nên thất thường hơn. Các bé trai rất dễ bị thay đổi xung động và cảm xúc. Điều này khiến cho cha mẹ gặp rất nhiều khó khăn trong việc nuôi dạy con và mong muốn có được những cách dạy con trai ở tuổi dậy thì hiệu quả.
Lý Hải và Minh Hà kết hôn tháng 11/2011, hiện tại cặp đôi đã có 4 người con gồm Rio (12 tuổi), Cherry (10 tuổi), Sunny (7 tuổi) và Mio (5 tuổi).
Gia đình Lý Hải - Minh Hà được nhiều người ngưỡng mộ vì sinh được 4 người con ngoan ngoãn, đáng yêu.
Trong 4 người con thì "cậu cả" Rio tên thật là Nguyễn Hạo Nhiên được chú ý từ lúc mới sinh, khi lớn lên bé có dung mạo và tính cách như "bản sao" của Lý Hải. Khi mới 7 - 8 tuổi, Rio biết 4 ngôn ngữ là Tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Hàn và Trung. Cậu bé cũng được khen viết chữ đẹp như in, có năng khiếu vẽ tranh và đánh đàn nổi trội. Hiện tại, Rio đã 12 tuổi, bước vào giai đoạn dậy thì, có nhiều thay đổi về mặt thể chất và suy nghĩ.
Rio hiện đã 12 tuổi, bắt đầu bước vào tuổi dậy thì.
Mới đây, Minh Hà chia sẻ những hình ảnh đưa Rio đi lấy mụn đầu đen, cô viết: "Tự nhiên Rio đến tuổi này bị mụn đầu đen quá trời, nếu ở nhà mà không biết cách lấy có thể gây bị rỗ khi tự nặn đó mọi người, may là chưa có tự nặn".
Sau giờ học, Rio được mẹ cho đi nặn mụn, sẵn tiện hướng dẫn con cách chăm sóc sức khỏe bản thân tuổi dậy thì.
Cô cũng khuyên các gia đình có con đến tuổi dậy thì là mỗi bé có một cơ địa khác nhau, nếu bé bị mụn sớm mà gia đình không biết cách lấy mụn đúng thì nên đưa trẻ đến những nơi làm dịch vụ chuyên nghiệp, tránh tự làm ở nhà sẽ ảnh hưởng không tốt đến da mặt của con sau này.
Các em của Rio đứng cạnh xem anh trai lần đầu nặn mụn đầu đen.
Có con bước vào độ tuổi dậy thì nhạy cảm nên Minh Hà khá tâm lý khi hướng dẫn con cách chăm sóc cơ thể, giải thích cho con hiểu những thay đổi về thể chất. Dù bận rộn công việc, song vợ chồng Lý Hải - Minh Hà chưa bao giờ lơ là chuyện chăm sóc sức khỏe và học hành của con cái, luôn đảm bảo sự phát triển tốt nhất cho các con.
Để có được những bí quyết chăm sóc con trai tuổi dậy thì hay, trước hết, phụ huynh cần tìm hiểu rõ con trai dậy thì như thế nào, bao gồm cả những thay đổi về thể chất và tâm lý tuổi dậy thì của bé trai. Từ câu chuyện Minh Hà tâm lý khi giúp con chăm sóc sức khỏe tuổi dậy thì ở trên, các bậc phụ huynh có thể tham khảo những cách hỗ trợ con dưới đây.
Dạy con trai cách chăm sóc bản thân tuổi dậy thì
Khi bé trai bước vào tuổi dậy thì, không chỉ phụ huynh cảm thấy lo lắng mà bản thân trẻ cũng cảm thấy hoang mang trước những thay đổi của cơ thể. Các cậu bé tuổi teen thường ít có ý thức trong việc chăm sóc bản thân, có xu hướng thức khuya, ăn những món không tốt cho sức khỏe, chơi game hàng giờ và lười tập thể dục. Điều này cộng với những thay đổi tuổi dậy thì ở con trai có thể khiến trẻ đối mặt với các vấn đề như tăng cân nhanh, có mùi cơ thể, mụn trứng cá, vỡ giọng, mọc lông,...
Vì vậy, điều đầu tiên mà cha mẹ nên dạy con trai ở tuổi dậy thì là cung cấp các thông tin cơ bản về việc chăm sóc bản thân cho bé. Bạn có thể chia sẻ nhẹ nhàng hoặc nếu không có thể tìm sách cho trẻ đọc.
Hướng trẻ đến một lối sống lành mạnh
Hãy hướng trẻ đến một lối sống lành mạnh, tập thể thao thường xuyên và chú ý nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc để phát triển và tăng chiều cao tốt nhất. Điều này vừa tốt cho sức khỏe và sự phát triển của con, vừa giúp rèn luyện, uốn nắn tính cách của con trong giai đoạn dậy thì.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên rèn luyện tinh thần trách nhiệm cho bé trai tuổi dậy thì từ những việc đơn giản như giữ gìn vệ sinh cá nhân (trách nhiệm với bản thân), phụ giúp việc nhà (trách nhiệm với gia đình), giữ gìn vệ sinh lớp học và nơi công cộng (trách nhiệm với cộng đồng),…
Cho con không gian tự do riêng
Khi đến tuổi dậy thì, mối quan hệ giữa cha mẹ và con trai cũng cần có những ranh giới thích hợp để trẻ trở nên độc lập và không quá phụ thuộc. Do đó, cha mẹ cần để con có những không gian và thời gian riêng, để trẻ lắng nghe lòng mình và phát triển theo khả năng của bé.
Mặt khác, với một số bé thì người mẹ có thể khó tâm sự với con trai tuổi dậy thì hơn người bố và ngược lại. Vì vậy, khi con trai đến tuổi dậy thì, mẹ cần cố gắng dành thời gian nói chuyện, chia sẻ với con nhưng đồng thời cũng nên cho trẻ có không gian riêng. Đừng vì muốn hiểu rõ con hơn mà "xâm phạm" đời sống riêng tư của trẻ.
Giáo dục giới tính cho bé trai tuổi dậy thì
Con trai ở tuổi dậy thì cũng bắt đầu tò mò về các bạn nữ, bắt đầu có tình yêu tuổi học trò và cảm giác chinh phục. Thậm chí, cùng với sự bùng nổ về thông tin như hiện nay thì cũng không có gì bất ngờ nếu một ngày bạn thấy trẻ đang xem các clip hay phim ảnh có nội dung người lớn.
Nếu con tò mò về ảnh người lớn hay có cảm tình với bạn khác giới, trong trường hợp này đừng la mắng, cấm đoán con, mà hãy nói chuyện, chia sẻ và phổ cập cho con những kiến thức giới tính cần thiết. Song song với việc làm bạn cùng con, bạn cũng nên phối hợp với nhà trường để cung cấp cho trẻ những định hướng giới tính đúng đắn.
Khuyến khích trẻ bày tỏ suy nghĩ
Trước hết, phụ huynh cần tìm hiểu vấn đề tâm sinh lý tuổi dậy thì ở nam có đặc điểm gì? Ở độ tuổi dậy thì, các bé trai hay có xu hướng sống khép kín, không muốn ba mẹ quan tâm, hỏi han, chăm sóc quá mức. Do đó, cha mẹ không nên ép buộc, gặng hỏi quá mức một vấn đề nào đó. Hãy nhẹ nhàng tâm sự và tạo điều kiện cho trẻ trình bày suy nghĩ của mình.
Bởi vì bản chất của tuổi dậy thì là muốn thể hiện cái tôi, muốn người khác hiểu mình, nên các bé trai trong độ tuổi này rất muốn trình bày quan điểm, ý kiến của mình. Nhưng các bé sợ ý kiến của bản thân trái ngược với mong muốn và suy nghĩ của cha mẹ, dẫn đến việc thu hẹp mình lại với phụ huynh.
Để tránh tình trạng này, tốt nhất là cha mẹ cần tạo điều kiện cho trẻ bộc lộ suy nghĩ và cảm xúc của con. Điều này sẽ giúp con trai hiểu rằng cha mẹ luôn lắng nghe và ủng hộ mình. Từ đó, cha mẹ có thể đưa ra lời khuyên, định hướng khi trẻ cần.
Cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Do đó, việc tìm ra cách dạy con trai ở tuổi dậy thì phù hợp là điều cực kỳ quan trọng để trẻ dễ dàng vượt qua những “khủng hoảng” tuổi dậy thì và trở thành một chàng trai mạnh mẽ.