Tâm lý của người làm mẹ như tôi luôn nghĩ rằng, mọi chuyện bản thân làm đều muốn tốt cho con. Thế nên tôi vẫn luôn cố gắng kiểm soát mọi thứ cẩn thận mà không biết rằng, thứ bố mẹ cho chưa chắc là điều con cần. Và sự việc xảy ra vào tối hôm qua đã giúp tôi sáng tỏ ra điều này.
Tôi trở thành góa phụ kể từ ngày chồng mất cách đây gần một năm, tự thân bươn chải để nuôi dạy 2 đứa con dù tôi năm nay mới 35 tuổi. Con gái lớn của tôi 14 tuổi, và con gái nhỏ chỉ mới lên 5. Sợ các con thiệt thòi vì thiếu vắng tình yêu thương của người bố, tôi đã luôn nỗ lực để cho các con những điều tốt nhất. "Trộm vía" hai bé rất nghe lời mẹ và cũng học rất giỏi.
Ảnh minh hoạ.
Tôi cảm thấy tự hào lắm, vì dẫu chỉ một thân một mình gồng gánh cả hai vai trò, vừa làm bố vừa làm mẹ nhưng hiện tại tôi vẫn đang làm khá tốt, các con vẫn phát triển khoẻ mạnh, hiểu chuyện và đạt được những thành tích cao trong học tập. Mãi cho đến nửa đêm hôm qua, một sự việc đã xảy ra khiến tôi vô cùng hối hận và nhận ra rằng hoá ra bản thân chưa thực sự là một người mẹ tốt như bấy lâu này mình vẫn nghĩ.
Chuyện là tối qua vào khoảng 11 giờ đêm, khi tôi chuẩn bị lên giường đi ngủ thì bỗng nghe tiếng chuông điện thoại reo. Tôi cứ tưởng là ai điện cho mình, nhưng nhìn lại điện thoại thì vẫn thấy màn hình tối đen không có tín hiệu gì cả. Tôi giật mình nhìn về phía âm thanh phát ra ở phía tủ quần áo rồi tiến lại gần kiểm tra, thì mới phát hiện ra chiếc điện thoại của chồng được tôi cất ở đây lúc nào không hay.
Ảnh minh hoạ.
Càng hoang mang hơn bởi chồng tôi đã mất gần một năm rồi thì tại sao điện thoại lại đổ chuông, ai lại liên lạc cho người đã mất chứ. Tôi có chút sợ hãi nhưng cũng cố gắng cầm điện thoại lên và kiểm tra. Lúc này, tôi nhìn thấy số liên lạc quen thuộc chồng tôi đã lưu với tên "con gái yêu của bố" và dòng tin nhắn rất dài, khi bấm vào tôi mới biết là con gái lớn đã nhắn tin cho bố.
Tò mò không biết chuyện gì xảy ra và vì sao con gái lại nhắn vào số điện thoại của người bố đã mất, tôi lại đầu giường mang chiếc kính cận vào rồi ngồi ở xuống đọc từng dòng chữ con bé viết. Vừa đọc tôi vừa khóc, cảm thấy bản thân không xứng đáng làm mẹ và tôi rất hối hận vì những việc mình đã làm.
Cụ thể dòng tin nhắn mà cô con gái của tôi đã gửi cho người bố đã mất của nó có nội dung như sau:
"Bố ơi, bố ở trên thiên đường có khoẻ không ạ, con nhớ bố nhiều lắm! Bố ơi, Bố đừng buồn, cũng đừng giận vì tại sao giờ này con còn chưa ngủ. Con đang cố gắng học thật tốt để trở thành bác sĩ giỏi giống như những gì mẹ mong muốn và đặt kỳ vọng vào con.
Bố đi rồi, chỉ có một mình mẹ lo cho hai chị em con nên con biết mẹ đã rất vất vả đấy bố ạ! Mặc dù con thật sự không muốn trở thành bác sĩ đâu, con thích làm nhà văn hơn, nhưng con không muốn mẹ buồn và thất vọng về con nên con vẫn luôn cố gắng mỗi ngày.
Ảnh minh hoạ.
Có những khi con rất mệt và bất lực vì chuyện học để trở thành bác sĩ không hề dễ dàng chút nào bố ạ, dẫu vậy nhưng khi thấy mẹ nỗ lực để mang đến cho 2 chị em con mọi thứ tốt nhất, từ chuyện chăm lo ăn uống, mua sách vở và đưa đón con đến lớp học thêm, con thực sự thương mẹ lắm! Thế nên bố ơi, bố hãy dõi theo và tiếp thêm cho con sức mạnh để con hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách tốt nhất bố nhé! Con yêu bố và yêu gia đình mình nhiều lắm!"
Đến bây giờ tôi mới nhận ra, bản thân đã yêu con sai cách. Và từ trước đến nay, tôi vẫn tự mặc định tất cả những điều bản thân làm đều muốn tốt cho con, nhưng lại chưa từng hỏi đứa trẻ thực sự muốn gì và cảm thấy ra sao. Sau khi đọc được dòng tin nhắn của con gái, tôi lập tức qua phòng con và nhìn lén từ phía ngoài cửa, con bé vẫn miệt mài trên bàn học dù đồng hồ đã điểm 12 giờ đêm. Tôi quả thực là người mẹ chẳng ra gì cả...
Tâm sự từ độc giả bichngoc...@gmail.com
Trong nhiều gia đình, có một câu nói thường được lặp đi lặp lại bởi bố mẹ đó là: "Bố mẹ làm tất cả vì con, vì muốn con có cuộc sống tốt hơn". Tuy bố mẹ thực sự là những người muốn mọi thứ tốt nhất cho con, muốn bảo vệ và chăm sóc đứa trẻ của mình. Nhưng đôi khi tình yêu thương của bố mẹ không được sử dụng đúng cách, khiến họ vô tình bỏ qua hoặc cố tình lờ đi việc thấu hiểu mong muốn thực sự của con là gì, và không chú ý đến cảm xúc cũng như sở thích của đứa trẻ.
Trong quá trình nuôi dạy con, bố mẹ thường luôn đặt lợi ích của con lên hàng đầu nên rất hay có xu hướng quyết định mọi thứ cho con. Tuy nhiên, đôi khi điều này có thể dẫn đến tình huống bố mẹ bỏ qua các khía cạnh quan trọng khác, chẳng hạn như ý kiến và sự tham gia của con trong việc đưa ra quyết định quan trọng và đặc biệt là những quyết định liên quan trực tiếp đến con trẻ.
Dẫu vậy thì bố mẹ cũng cần hiểu rõ rằng, tôn trọng mong muốn và nhu cầu của con là một phần quan trọng trong việc xây dựng một mối quan hệ gia đình tốt đẹp. Bố mẹ cần dành thời gian lắng nghe, tìm hiểu và thấu hiểu những gì con muốn, con cảm nhận. Điều này không chỉ giúp con cảm thấy được quan tâm và được chấp nhận, mà còn khuyến khích sự phát triển tự tin, sáng tạo của trẻ.
Bố mẹ đừng chỉ thương con nên vì con, mà cách giáo dục đúng đắn và hiệu quả nhất đó là cùng con, đồng hành cùng đứa trẻ trong suốt hành trình phát triển. Bố mẹ có thể tạo ra một môi trường gia đình tích cực, thoải mái bằng cách sẵn lòng lắng nghe, chia sẻ và khám phá cùng con để xây dựng mối quan hệ gia đình tốt đẹp, đáng tin cậy.
Tóm lại, bố mẹ không chỉ nên đặt lợi ích của con lên hàng đầu khi nuôi dạy trẻ, mà cũng cần quan tâm đến ý kiến, suy nghĩ, cảm xúc và sở thích của con. Việc hiểu mong muốn thực sự của con và quan tâm đến cảm xúc cũng như sở thích của trẻ là một phần quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ gia đình bền vững, đồng thời tạo động lực, môi trường tích cực để con trẻ được sống là chính mình và tự do phát triển toàn diện.