Ngay từ lúc mới sinh bé Bun, trộm vía, sữa em rất dồi dào. Sữa mẹ nhiều tới mức em chẳng dám ăn thêm một miếng chân giò nào vậy mà đôi khi sữa thừa vẫn chảy ướt áo. Cho tới nay, khi Bun đã 7 tháng tuổi. Ngoài việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ, mỗi ngày em hút ra được tới gần 1 lít sữa thừa. Số sữa này được em giữ gìn cẩn thận trong ngăn đá tủ lạnh.
Tuy nhiên, chủ nhật tuần trước, mẹ chồng em đã ra “nghị quyết” yêu cầu em phải bỏ bớt số sữa mẹ đang trữ đông trong tủ lạnh vì quá nhiều. Tiếc sữa nên em cứ tần ngần mãi. Cuối cùng, em quyết định mang số sữa đó ra làm sữa chua cho Bun ăn. Kết quả thật không ngờ các chị ạ, sữa mềm, ngọt vừa nên Bun nhà em thích lắm. Ăn một loáng đã hết cả hộp mà vẫn còn thòm thèm.
Sữa chua là món ăn vừa ngon lại vừa rất tốt cho hệ tiêu hóa của bé. Ngoài ra, nó còn giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, làm xương bé chắc khỏe hơn nhờ chứa hàm lượng canxi. Sữa chua mà lại làm từ sữa mẹ, chẳng phải lượng dinh dưỡng lại càng tăng lên đó sao. Em xin chia sẻ với các mẹ công thức làm sữa chua từ sữa mẹ của em nhé.
Sữa chua làm từ sữa mẹ vừa độc đáo vừa nhiều dinh dưỡng (ảnh minh họa)
Nguyên liệu các mẹ cần:
200ml sữa mẹ; 1 hộp sữa chua không đường; 2 thìa cà phê đường
Cách làm
- Thanh trùng sữa mẹ bằng cách đun nóng trong nồi cho đến khi sủi bọt lăn tăn ở nhiệt độ 80 độ C nhưng không được để sôi. Việc đun và thanh trùng sữa mẹ như vậy sẽ làm bất hoạt emzim Lipase - một loại enzim trong sữa mẹ và làm sữa có mùi xà phòng khi trữ đông. Các mẹ cũng đừng lo lắng sữa sẽ mất đi các chất dinh dưỡng khi đun nóng bởi enzim Lipase sẽ được "tiêu diệt" chỉ trong 5giây và hoàn toàn không làm giảm lượng dinh dưỡng có trong sữa mẹ.
Lưu ý: Các mẹ không sử dụng lò vi sóng để làm nóng sữa. Lò vi sóng sẽ không thể làm sữa nóng đều, điều này khiến cho các vi khuẩn vẫn có khả năng sống sót.
- Nhanh chóng làm cho phần sữa đã đun nóng vào nước đá, để sữa nguội đến khoảng 45 độ C. Đây là nhiệt độ lý tưởng và cũng là khâu chủ chốt quyết định xem sữa chua thành phẩm có đông được hay không. Trong thời gian chờ sữa nguôi, các mẹ cũng lấy sữa chua được dùng làm men bỏ ra khỏi tủ lạnh.
- Cho 4 thìa cà phê men sữa chua và 2 thìa đường vào sữa mẹ rồi nhẹ nhàng khuấy đều
- Chia lượng sữa vừa pha được ra các cốc thủy tinh nhỏ. Các mẹ lưu ý tiệt trùng cốc thủy tinh thật cẩn thận nhé.
- Ngâm cốc sữa chua trong nước ấm từ 40-50 độ C trong vòng 4-8 tiếng. Thời gian ngâm lâu hay chóng là tùy thuộc vào các mẹ muốn thành phẩm sữa chua của mình như thế nào. Sữa chua ngâm 4-6 tiếng sẽ có vị ngọt, và loãng, càng ngâm lâu sữa sẽ càng chua và đặc hơn. Tuy nhiên, dù có ủ bao lâu, các mẹ cũng nên nhớ đừng để quá 12 tiếng. Ngoài ra, ta không cần thiết phải mở nắp hộp ủ sữa chua để kiểm tra. Việc kiểm tra sữa thường xuyên đơn giản chỉ làm nước ngâm giảm nhiệt độ, sữa sẽ khó lên men.
Sau thời gian ủ, mẹ nhanh tay lấy sữa cho vào tủ lạnh để bảo quản.
Sữa chua làm từ sữa mẹ tuy có thể sẽ có mùi không hấp dẫn với người lớn do có chứa nhiều sắt và các vi chất khác gây tanh nhưng các mẹ hãy tin rằng bé yêu sẽ cực kỳ hào hứng với món ngon lạ mà quen này. Trước khi cho bé ăn, mẹ nên ngâm sữa chua vào nước ấm cho bớt lạnh nhé. Ngoài ra, sữa chua sẽ rất ngon khi được kết hợp với táo, đào, bơ và bí đỏ nghiền nhuyễn.
Chúc các mẹ thành công và có những bữa ăn ngon với con yêu!