Ăn dặm là giai đoạn cực kì quan trọng trong hành trình lớn lên của trẻ ở những năm tháng đầu đời. Hiện nay, có rất nhiều phương pháp ăn dặm đem lại hiệu quả cao và tốt cho trẻ được các bà mẹ bỉm sữa áp dụng. Mỗi phương pháp đem lại những lợi ích khác nhau.
Hiểu được điều đó, chị Vĩnh (28 tuổi, Vĩnh Phúc), hiện đang là kiến trúc sư tại Viện quy hoạch xây dựng Vĩnh Phúc đã khéo léo áp dụng hài hòa giữa 3 phương pháp ăn dặm kiểu Nhật (ADKN), ăn dặm truyền thống (ADTT) và ăn dặm tự chỉ huy (BLW) cho con trai Tôm (16 tháng tuổi).
Tổ ấm hạnh phúc của chị Vĩnh cùng chồng và con trai Tôm.
Cùng trò chuyện với chị Vĩnh để tìm hiểu về cách thức chị cho con ăn dặm kết hợp và lắng nghe những kinh nghiệm mà chị đã áp dụng để đối phó với giai đoạn biếng ăn của con:
Lên thực đơn chi tiết cho từng phương pháp
- Xin chào chị Vĩnh, khi Tôm được mấy tháng tuổi thì chị bắt đầu cho bé ăn dặm và chị lựa chọn phương pháp nào cho từng giai đoạn của bé?
Ngay từ hồi Tôm được 3 tháng, mình đã tìm hiểu rất nhiều tài liệu về các phương pháp ăn dặm cho bé để tìm ra phương pháp tốt nhất nhưng bản thân mình thấy cả 3 phương pháp ăn dặm hiện nay đều có những điểm mạnh riêng. Bởi thế khi con được 5 tháng mình đã quyết định áp dụng một cách linh động các phương pháp này cùng với nhau.
Khi mới bắt đầu cho bé ăn, mình dùng ADKN trước, phương pháp này có một ưu điểm là giúp các bé phân biệt được mùi vị rất là tốt. Được hơn 1 tháng thì công việc của mình lúc đó bận rộn hơn rồi nên mình đã chuyển sang ADTT ở bữa trưa và kết hợp BLW ở bữa tối.
Bé Tôm được mẹ cho ăn dặm từ tháng thứ 5.
- Cụ thể, với từng phương pháp, chị lên thực đơn hàng ngày ra sao?
Với thực đơn ADTT mình thay đổi liên tục để đảm bảo bé không bị chán, không lặp lại mùi vị các bữa ăn. Nhưng quan trọng khi nấu theo phương pháp ADTT này các mẹ phải nắm rõ kiến thức về việc kết hợp các thực phẩm với nhau như thế nào.
Ví dụ như: lươn không kết hợp với thịt bò bởi vì cả lươn và thịt bò đều chứa lượng đạm khá cao, khi kết hợp với nhau sẽ khiến lượng đạm của bé dư thừa, khi đó sẽ ảnh hưởng đến chức năng gan thận, làm cho gan thận bị quá tải… rồi cả củ cải không nấu với cà rốt, óc lợn không với trứng gà…
Chị Vĩnh chú trọng đến việc kết hợp các thực phẩm khi nấu cháo cho con.
Còn với thực đơn ăn dặm theo BLW thì mình xây dựng dựa trên những bữa ăn hàng ngày của gia đình nhưng được chế biến riêng, không sử dụng gia vị (muối, đường hạt nêm,…) và dầu mỡ để phù hợp với vị giác của trẻ nhỏ.
Đồ ăn được chuẩn bị cho con là những thức ăn nguyên miếng, được hầm mềm như: cà rốt, súp lơ, cơm nát nắm, sườn gà trắng xé nhỏ, cá gỡ xương, miếng chuối, bơ, táo hấp mềm… và để thẳng trên mặt bàn ăn của bé. Bé sẽ ăn bốc, tự tay cầm những thức ăn mình yêu thích để cho vào miệng. Bé nhà mình 10 tháng mới mọc cái răng đầu tiên, nhưng vào khoảng 9 tháng là bé ăn thô khá tốt rồi.
Xem video: Bé Tôm tập ăn dặm theo phương pháp BLW
Nguyên tắc nấu ăn và cách trị chứng biếng ăn của con
- Nguyên tắc và kinh nghiệm của chị khi chọn thực phẩm và chế biến đồ ăn cho Tôm để không mất chất dinh dưỡng là gì?
Thứ nhất là thực phẩm cần phải sạch sẽ, mình thường tìm địa chỉ tin cậy để mua cho con.
Việc cấp đông hay rã đông đồ ăn cho con cũng phải đảm bảo đúng nguyên tắc để không bị mất chất dinh dưỡng, ví dụ như:
+ Đối với rau củ quả, như cà rốt, khoai tây, khoai lang… các mẹ hãy luộc chín, sau đó: Một là cho vào túi ni lông đựng thực phẩm sạch rồi dùng muỗng, hoặc chày nghiền nhuyễn. Hai là dùng máy xay để xay nhuyễn, giàn đều ra, sau đó lấy một chiếc đũa chia thành từng phần nhỏ, sau đó cho vào đông lạnh. Khi lấy ra chúng ta chỉ cần bẻ nhẹ một cái là sẽ thành từng viên nhỏ để tiện phục vụ từng bữa ăn của bé.
+ Đối với nước rau củ luộc: Nước rau củ luộc cũng làm tương tự như trên. Thành phần để chế nước rau củ cho bé là một vài loại rau củ lấy nước (mùa nào thì rau củ đó là ngon nhất) bao gồm: củ cải, cà rốt, bắp cải, khoai lang, nấm + 600ml nước. Sau khi luộc xong các mom để riêng nước và cái, cái thì đem xay, nước thì để nguyên rồi cho vào khuôn làm đông đá.
+ Đối các loại thịt cá cũng vậy, mình sơ chế trước rồi cấp đông vào từng khay cho bé, khi rã đông phải để ra ngăn mát từ tối hôm trước.
Thứ hai là khi nấu phải đảm bảo đủ 4 nhóm chất dù theo phương pháp nào cũng vậy: chất đạm (thịt, cá, trứng…); vitamin (các loại rau, củ …); tinh bột (gạo, khoai, bánh mì, bún, phở…); chất béo (dầu oliu…).
Bé Tôm được mẹ rèn kĩ thói quen khi ăn uống.
- Khi cho bé ăn, chị thường thực hiện như thế nào để con ngoan ngoãn ăn đúng, đủ mà không mè nheo?
Trẻ con rất mè nheo, khóc lóc khi ăn, thậm chí phải dỗ dành. Nhưng thế là mệt cho mẹ mà không tốt cho con. Vì thế, khi cho con ăn mình cũng phải có những nguyên tắc nhất định:
+ Bé ngồi ghế ăn cùng gia đình để tạo không khí vui vẻ, kích thích bé ăn.
+ Không đi rong, không đồ chơi, không ipad, không điện thoại, ti vi.
+ Khi con không muốn ăn thì mình cũng dừng lại, đợi 30 phút sau cho con ăn tiếp nếu bé không hợp tác thì mình dừng luôn, đợi bữa kế tiếp.
+ Đặc biệt là không ép bé ăn, với những lúc bé rơi vào tuần khủng hoảng hay biếng ăn, bỏ bữa mình lại thay đổi thực đơn: không cháo, không cơm nữa mà mình nấu mì, nấu súp, rồi cả các món phụ hoa quả, yến mạch, hạt chia… lạ miệng nên trộm vía bé hợp tác khá ngoan.
- Hiện tại Tôm đã hình thành được các kĩ năng ăn uống như thế nào, thưa chị?
Sau một thời gian áp dụng cho bé kết hợp như vậy, mình cảm thấy kĩ năng của bé phát triển khá tốt và thành thạo hơn, từ kĩ năng cầm nắm, đến phản xạ nhai nuốt của bé từ 9 tháng đã khá tốt rồi. Đến nay, ngoài ăn cháo bé có thể ăn cơm cùng gia đình và đi bất cứ đâu bố mẹ đều không lo lắng, lích kích mang đồ cho bé ăn, bé có thể ăn cùng bố mẹ luôn.
Dưới đây là một số thực đơn ADTT và BLW kết hợp hàng ngày của Tôm do chị Vĩnh chia sẻ, mời các mẹ tham khảo:
Thực đơn ăn dặm truyền thống: