Là người Việt, sống ở Mỹ nhưng Lệ Hằng (sinh năm 1993) lại không lựa chọn cho con ăn dặm theo kiểu "Tây", cũng không chấp nhận duy trì kiểu ăn dặm truyền thống của "Ta". Bà mẹ trẻ 9x tuy mới lần đầu chập chững học nuôi con, một mình sống cuộc sống xa nhà, vậy nhưng đã rất tự tin và quyết đoán khi cho con theo đuổi phương pháp ăn dặm kiểu Nhật (ADKN).
Bé Donut, con gái đầu của Lệ Hằng hiện đã được 2 tuổi, vừa "tốt nghiệp" lớn ăn dặm kiểu Nhật được hơn nửa năm và hoàn toàn tự lập trong chuyện ăn uống. Lệ Hằng chia sẻ, quan điểm nuôi con của bản thân là "cho con môi trường tự do khám phá và học hỏi nhưng cũng có những giới hạn nhất định để tạo cho con thói quen tốt."
Với những bà mẹ đang và sắp có ý định cho con ăn dặm kiểu Nhật, nhất định những kinh nghiệm và trải nghiệm từ bà mẹ 9x Lệ Hằng sẽ rất đáng tham khảo.
Lệ Hằng (sn 1993) và con gái đầu lòng, bé Donut 2 tuổi hiện đang sống tại Mỹ.
Con gái Lệ Hằng vừa "tốt nghiệp" lớp ăn dặm kiểu Nhật cách đây nửa năm và hoàn toàn tự lập trong việc ăn uống.
Nếu loại bỏ được chuyện ép con ăn thì phương pháp nào cũng mang lại hiệu quả tốt
Lý do vì sao Hằng lựa chọn cho con ăn dặm theo phương pháp Ăn dặm kiểu Nhật?
Lúc đó mình đang mang thai khoảng 6-7 tháng, khi đang tìm hiểu về những cách cho bé ăn dặm, mình tình cờ thấy một hội nhóm dành cho các bà mẹ nuôi con theo phương pháp Ăn dặm kiểu Nhật trên facebook, thế là bị ấn tượng bởi cái tên của nhóm. Sau này, khi tìm hiểu nhiều hơn về phương pháp này, càng đọc mình càng nôn nao được thực hành.
Mình quyết định lựa chọn cho bé nhà mình Ăn dặm kiểu Nhật với mong muốn bé có được một niềm vui thật sự khi tập ăn và một thói quen ăn uống tự lập, ăn vì bản thân mình thích chứ không phải vì mong muốn của bất kì ai.
Nếu nói về những tôn chỉ, qui tắc bất di bất dịch trong ADKN thì theo Hằng đó là những điều gì? Bạn có bao giờ làm sai hay phá cách 1 nét nào đấy trong phương pháp ADKN?
Đã là một phương pháp thì chắc chắn sẽ kèm theo những qui tắc, và ADKN cũng ko ngoại lệ. Một số qui tắc đơn giản như: phải cho bé ngồi trên ghế ăn dặm mỗi bữa ăn, không làm trò để dụ bé ăn, không vừa ăn vừa xem tivi, không được ép bé ăn....
Thực ra, những qui tắc này đánh vào tâm lí của người mẹ và cần người mẹ tuân thủ nhiều hơn là bé. Lý do vì đôi khi thấy bé không ăn mẹ thường rất sốt ruột, để dụ bé ăn được vài muỗng mẹ có thể phá lệ, điều này hoàn toàn không nên. Một điều thực tế nữa là, khi con không ăn, người mẹ cảm thấy lo lắng và cố dùng mọi cách để con ăn hoặc ép con ăn để cảm thấy an lòng hơn. Phần khác vì cứ chăm chăm vào cân nặng của trẻ nên càng dễ dàng phạm sai lầm. Nếu có thể loại bỏ những vấn đề trên thì dù cho bé ăn theo phương pháp cũng mang lại kết quả tốt.
Giải pháp của mình cũng rất đơn giản: chỉ cần dằn lòng mình xuống và đặt mình vào tình huống của con. Nếu như mình là con, mình thực sự không muốn ăn thì mình không muốn ai ép uổng gì mình cả. Nhờ đó mà mình đã thoải mái hơn rất nhiều mỗi khi Donut chán ăn và rất mừng là mình chưa bao giờ phá vỡ những qui tắc ấy...
Ăn dặm kiểu Nhật chắc chắn không mệt mỏi bằng chuyện chạy theo con mỗi bữa ăn.
Rất nhiều bà mẹ trẻ ở Việt Nam hiện đang quan tâm đến ADKN và muốn thực hành theo. Hằng có lời khuyên gì dành cho các bà mẹ trẻ ở giai đoạn mới bắt đầu?
Khi mới tìm hiểu về ADKN chắc chắn các mẹ sẽ rất hoang mang và bối rối. Lời khuyên của mình dành cho các mẹ là các mẹ hãy bình tĩnh, thực hiện các bước sau:
- Về kiến thức: phải chuẩn bị những kiến thức cơ bản, đọc và hiểu rõ mục đích cũng như tinh thần của phương pháp. Tài liệu căn bản về ADKN có rất nhiều ở trên mạng, ngoài ra còn có sách và thực đơn về ADKN ở tất cả các nhà sách.
- Về khâu chuẩn bị dụng cụ: Các mẹ không cần phải quá áp lực khi ngân sách hạn hẹp ko cho phép mua những bộ dụng cụ đắt tiền của Nhật. Chị em có thể thay thế bằng những dụng cụ tương tự có bán ở Việt Nam. Tất nhiên có thể hình thức sẽ không đẹp bằng những bộ dụng cụ nhập từ Nhật nhưng công dụng cũng như nhau.
- Về thực phẩm: Hầu như những thực phẩm dành cho ADKN đều là những loại rau củ phổ biến nên ở Việt Nam cũng có rất nhiều. Khi mua các mẹ nên chú ý nguốn gốc và vệ sinh an toàn thực phẩm là được. Ngoài ra có những nguyên liệu như cá bào hay rong biển thì có thể mua ở những nơi bán hàng Nhật xách tay.
- Quan trọng nhất là chuẩn bị tâm lý cho bản thân: khi áp dụng một phương pháp vẫn còn mới mẻ thì không thể tránh khỏi những tranh cãi. Người mẹ tốt nhất là biết rõ việc mình đang làm, giữ vững lập trường và quyết tâm đến cùng.
Những món ăn dặm Lệ Hằng chuẩn bị cho con khi mới bắt đầu theo phương pháp Ăn dặm kiểu Nhật
Từng loại thực phẩm được chế biến riêng, tuỳ theo độ thô nhất định
Nuôi con ở nước ngoài, không khó để hiểu rằng mẹ sẽ cho con ăn dặm theo kiểu “khác Việt Nam”. Tuy nhiên, lý do vì sao Hằng lại cho con ăn dặm kiểu Nhật chứ không phải kiểu Mỹ?
Thật ra mình đã xem qua nhiều cách cho trẻ ăn dặm của nhiều nước, hầu như họ đều cho trẻ ngồi yên trên ghế khi ăn, ăn thức ăn từ dạng lỏng đến đặc, nhuyễn đến thô, đến 1 tuổi đều bắt đầu ăn được cơm hoặc thức ăn cắt miếng lớn, gần 2 tuổi thì đều có thể tự ăn.
Riêng có cách ăn của các bé ở Việt Nam thì hoàn toàn là bột, sau đó đến cháo, đến 2,3 tuổi vẩn là cháo, và toàn là cha mẹ hoặc ông bà phải đút bé ăn. Ám ảnh hơn là cảnh tượng những người mẹ vừa bế con vòng quanh xóm vừa đút cháo, hay cả nhà xúm lại làm trò như những diễn viên hề chỉ để đứa trẻ há miệng ra cười rồi đút vội một thìa cháo vô. Nhiều đứa trẻ lớn hơn thì mắt chỉ dán vào ipad, mẹ phải ngồi một bên đút cho từng thìa cơm, bữa ăn chỉ toàn là gượng ép hoặc la mắng. Trẻ không biết thế nào là thèm ăn, là đói nên không cảm nhận được sự sung sướng khi được ăn.
Và mình tự hỏi tại sao họ phải làm như vậy? Vì lo về sức khoẻ của con họ ư? Không phải. Nếu vì sức khoẻ họ đã không cho con ăn long nhong ngoài đường đầy khói bụi như thế. Còn nếu vì cân nặng, điều đó càng không quan trọng bằng việc nuôi dưỡng chiều cao và trí tuệ.
Ăn dặm kiểu Nhật chắc chắn sẽ không mệt mỏi và kinh khủng bằng việc chạy theo con để đút con ăn, dụ ép ăn hay la mắng để con ăn nhưng lại mang đến cho con cái chúng ta một thói quen tốt. Thế thì có lí do gì ta lại không áp dụng?
Bé Donut rất hào hứng với việc ăn uống
Chuyện nuôi dạy con cái, chỉ cần chồng ủng hộ là đủ
Chồng và gia đình có ủng hộ Hằng khi cho con ăn dặm kiểu Nhật
Theo quan điểm cá nhân của mình, việc nuôi dạy con cái là trách nhiệm của bậc làm cha mẹ, thế nên trong tất cả những vấn đề về nuôi dạy con cái, chỉ cần chồng ủng hộ là đủ. Tất nhiên mọi người xung quanh ủng hộ thì càng vui hơn, nhưng nếu không cũng chẳng sao. May mắn là mình có được rất nhiều sự ủng hộ cũng như hỗ trợ từ chồng mình nên mỗi khi Donut có dấu hiệu chán ăn thì ba bé thường động viên mình không nên ép bé.
Lệ Hằng bên chồng và con gái nhỏ
Chồng Lệ Hằng luôn ủng hộ vợ trong chuyện nuôi dạy con cái.
Phương pháp nào cũng có ưu điểm và nhược điểm. Theo Hằng, nhược điểm của ADKN là gì?
Nếu là vài năm về trước thì có lẽ nhược điểm của ADKN là khó tìm hiểu thông tin, khó mua sắm dụng cụ và nguyên liệu. Nhưng hiện nay mọi việc đã dể dàng hơn. Mình nghĩ cái khó nhất khi các mẹ áp dụng phương pháp này đó định kiến từ những người xung quanh. Chính mình cũng gặp rất nhiều áp lực nhưng mình vẫn quyết tâm theo đến cùng. Mình tin khi nhìn thành quả đạt được, mọi người sẽ có cái nhìn bớt khắt khe phương pháp mới này hơn.
Mỗi đứa trẻ chỉ có một cuộc đời, chúng ta cũng chỉ có một cơ hội để nuôi dạy con, tại sao không chọn cách tốt nhất
Với những bà mẹ cho rằng người Việt thì cứ nuôi con kiểu Việt, rồi trẻ cũng vẫn lớn khôn, thành tài như ông bà ta từ trước đến nay vẫn làm, Hằng có quan điểm ra sao?
Đúng là dù chúng ta nuôi con theo cách nào thì những đứa trẻ cũng sẽ lớn lên. Nhưng những đứa trẻ chỉ có một cuộc đời và chúng ta chỉ có một cơ hội để nuôi dạy vậy tại sao không chọn một cách tốt nhất.
Không có quy định nào bắt buộc người Việt phải nuôi con theo cách Việt, và cũng chưa có phương pháp nào nói về nuôi con theo cách Việt là như thế nào. Chỉ là những quan niệm xưa, chúng ta có thể sàn lọc sử dụng những điều tốt và thay đổi những điều chưa tốt.
Đâu đó cũng có rất nhiều mẹ Việt tuy không biết đến phương pháp ADKN là gì nhưng vẩn cho con ăn dặm trên ghế ăn, không xem tivi, không ép con ăn. Theo mình, quan trọng là bản thân mỗi người có chịu thay đổi để tốt hơn không.
Chỉ cần nhìn vào hiện tại, nếu như những giờ ăn phải năn nỉ dụ dỗ con mới chịu ăn thì người mẹ cũng sẽ rất mệt mỏi và bực bội, thay vào đó nếu con không ăn, mẹ tôn trọng nhu cầu của con và để con hiểu được việc ăn uống là trách nhiệm của con thì cả hai mẹ con đều vui vẻ.
Xin cảm ơn Hằng về cuộc trò chuyện thú vị!