Bắt đầu vào lớp 1, con trai tôi tính tình rất năng nổ, hòa đồng, hay nói hay cười và khá nghịch ngợm. Nhiều người lần đầu tiếp xúc với con tôi đều khen thông minh, lém lỉnh... nhưng riêng tôi đôi khi thấy căng thẳng cực độ. Không ít lần tôi phải dùng roi dạy dỗ vì những trò quậy phá của con. Bị 'ăn đòn' mỗi lần nghịch nên xem ra cu cậu cũng biết điều hơn nhiều. Và khoảng 3 tháng sau đó, tính nết con trai tôi ôn hòa hơn, ít nói hơn... nhưng cũng lầm lỳ hơn. Tôi thấy lạ nhưng có chút mừng thầm vì điều đó.
Một lần đưa con đi chơi sở thú. Con hỏi một câu khiến tôi phải suy nghĩ mãi. “Mẹ ơi, sao con Hổ khỏe thế mà bị xích? Sao nó không dùng sức mạnh để phá xích, thoát ra?”. Lúc đó, tôi đã yên lặng, bởi tôi thực tình không biết giải thích thế nào với con. Và rồi tôi ngẫm ngợi: “Vì sao ư?” Vì con Hổ đó có lẽ từ bé đã bị xích như thế, mỗi lần nó phá xích hay có ý định phá xích là người ta dạy dỗ nó, đánh nó. Cứ như vậy, dần dần nó không còn dám nghĩ đến việc phá sợi xích đó nữa, nó đã mất hết bản năng về việc đó. Tôi bỗng liên tưởng đến cách dạy con của mình và giật mình. Khi con quậy phá, tôi thường xuyên đánh mắng để 'đàn áp' và rồi kết quả, con tôi có ngoan hơn nhưng lại xa cách hơn với mẹ. Tôi đã sai trong cách dạy con?
Dạy trẻ rập khuôn, nguyên tắc quá dễ phản tác dụng giáo dục (Ảnh minh họa).
Quyết tâm thay đổi, tôi đã đăng ký tham gia một khóa học về cách dạy, cách phạt con... và ở đây, tôi vỡ lẽ ra được rất nhiều điều. Tôi bắt đầu đổi 'chiến thuật', không đánh phạt hay 'mượn uy' của cây roi để khiến con ngoan mà sử dụng phương pháp BẢNG ĐIỂM để 'uốn nắn' hành vi của con.
Theo đó, trên bảng điểm tôi ghi rất rõ các việc được cộng và trừ điểm. Ví dụ: Gặp người lớn chào hỏi; học bài đúng giờ; kiểm tra được điểm tốt… được cộng điểm; còn sáng ngủ dậy trễ (theo thời gian mẹ quy định); điểm kiểm tra dưới 6… là trừ điểm. Và tôi sẽ tổng kết điểm của con vào cuối mỗi tuần. 1 điểm sẽ tặng con phần thưởng nhỏ; 2 điểm sẽ tặng con phần thưởng lớn…
Tôi không dùng thang điểm 10 với con. Tại sao lại như vậy? Nếu con được 10 điểm mới thưởng còn không sẽ không có gì là vô tình đang dạy con: hoặc là có tất cả hoặc là không có gì. Như vậy, khi lớn lên nếu con có tính cách mạnh mẽ thì sẽ lấn át người khác còn nếu tính cách yếu đuối thì sẽ chấp nhận để người khác lấn át. Trong trường hợp nếu tổng điểm âm, tôi sẽ lấy bớt đi những cái muốn của nó. Ví dụ: cuối tuần muốn đi xem phim; muốn đi sở thú… đều bị 'off' vì không đạt yêu cầu.
Khi quyết định thưởng-phạt cho con, tôi thường chú trọng đo đạc theo sự cố gắng chứ không theo kết quả. Và dạy con hiệu quả mà không cần roi, tôi đúc rút ra được một số kinh nghiệm:
Con hư: Hãy chê hành động, đừng chê con người
Cùng hành vi đánh em, nếu cha mẹ nói “Con hư quá!” khiến trẻ nghĩ mình “hư” nên hư luôn, còn nếu nói “Em lại bị đánh nữa rồi!” thì trẻ thấy trách nhiệm của mình.
Hoặc khi con hư, nhiều phụ huynh do không kiềm chế được đã mất kiểm soát lý trí và 'mượn uy' cây roi để đánh con (giống như tôi trước đây) nhưng kỳ thực, bị đánh không khiến trẻ biết cách cư xử đúng hơn, học làm chủ hành vi tốt hơn mà sẽ ‘dạy’ trẻ biết cách né tránh, đổ lỗi, biện minh hoặc tìm cách không để bị ‘tóm’ khi mắc sai lầm. Đặc biệt, trẻ con dường như nhớ sự trừng phạt hơn là lý do mà nó bị phạt. Nó sẽ cư xử vì sợ hãi thay vì muốn hành động đúng. Vì vậy, hãy nhớ: Đòn roi không dạy con nên người.
Không dùng phần thưởng để 'mua chuộc' con
Thưởng cho trẻ không có gì là xấu, nhưng dùng phần thưởng để ‘hối lộ’ sẽ khiến trẻ sinh hư. Có nhiều tình huống, cha mẹ có thể đưa ra phần thưởng trước để trẻ có tinh thần cố gắng. Nhưng phần thưởng không được quá lớn hơn so với thành tích.
Ví dụ, trong tuần con có được 3 điểm 10, con sẽ được thưởng một món quà A, 4 điểm 10 con được thưởng món quà B… Khi thưởng cho trẻ, không nên rập khuôn, cứng nhắc…
Phải có ‘luật’ với trẻ
"Luật” trước hết là thời gian biểu, con cứ thế mà làm, không có gì bàn cãi. Chẳng hạn, mỗi ngày con được chơi game 30 phút thì không có “quyền” ngồi lì trước màn hình vi tính mà quên hết các việc khác.
Lưu ý: Trong khi 'soạn thảo luật' nên cho trẻ tham gia cùng để từ đó chúng tự giác thực hiện nội quy đã được đưa ra. Nhưng để “luật” thật sự đi vào cuộc sống gia đình, chính cha mẹ phải tuân thủ vì “Trẻ làm theo những gì cha mẹ làm chứ không phải lời cha mẹ nói”.
Tôi rất tâm đắc với câu nói rằng: "Muốn con ngoan thì phải học cách dạy con. Muốn con khỏe thì phải học cách nuôi con. Muốn con thành công thì phải học cách hướng dẫn và đồng hành cùng con. Muốn con gần gũi gắn bó với mình, thì phải học cách lắng nghe và chia sẽ cùng con. Đừng buộc con phải lớn lên như kiểu cây Bonsai nhưng cũng đừng để con phải lớn lên như cây dại."
Tài liệu tham khảo: Phương pháp giáo dục trẻ sớm của Glenn Doman.