Để có thể trở thành một người mẹ tốt, nhiều người phụ nữ đã không do dự đánh đổi mọi thứ, kể cả sự nghiệp hay ước mơ của mình. Chị Đặng Hồng Vân (sinh năm 1991) cũng là một người mẹ như thế. Từng là một "mỹ nhân của bầu trời", cựu tiếp viên trưởng của một hãng hàng không, gắn bó với ước mơ bay suốt gần 10 năm thanh xuân, nhưng chị Hồng Vân vẫn lựa chọn buông bỏ sự nghiệp để trở về làm một hậu phương vững chắc của gia đình.
Đến thời điểm hiện tại, những hy sinh, sự đánh đổi của chị là hoàn toàn xứng đáng khi có được người chồng rất tâm lý, một đứa con ngoan, tổ ấm nhỏ của cựu tiếp viên trưởng lúc nào cũng vui vẻ và hạnh phúc.
Gia đình nhỏ của nàng cựu tiếp viên trưởng Hồng Vân với chồng Hàn.
Tiếp viên hàng không là đam mê của chị, vào khoảnh khắc chị đưa ra quyết định dừng bay, chị đã nghĩ đến điều gì?
Khoảnh khắc quyết định dừng bay, cảm xúc đầu tiên của mình dĩ nhiên là sẽ buồn và tiếc nuối. Dù sao thì đây cũng là công việc mà mình yêu thích, và đã gắn bó với nó gần 10 năm thanh xuân. Giờ nghỉ thì mình sẽ không còn gặp các đồng nghiệp, cũng không còn được đứng trên máy bay mỗi ngày nữa.
Điều khiến mình trăn trở, lo lắng và phải suy nghĩ rất nhiều, là sau khi nghỉ tiếp viên hàng không thì mình sẽ làm gì? Vì từ trước đến giờ, mình chỉ yêu thích mỗi công việc làm tiếp viên hàng không. Việc dừng bay cũng xảy đến một cách rất bất ngờ đối với mình.
Trước khi dừng bay, Hồng Vân đã có gần 10 năm gắn bó với nghề tiếp viên hàng không.
Chị có thể chia sẻ một chút về câu chuyện tình yêu của mình với chồng Hàn?
Mình chưa bao giờ có suy nghĩ sẽ kết hôn với người nước ngoài. Nhưng có thể là nhờ một cơ duyên nào đó, bạn bè mình đã động viên mình thử làm quen với người ngoại quốc xem sao, vì mình cũng đã đến độ tuổi lập gia đình 27, 28 tuổi rồi.
Ban đầu mình chỉ nghĩ đây cũng là một điều tốt, vì việc làm quen, kết bạn với người nước ngoài sẽ giúp bản thân cải thiện và trau dồi trình độ tiếng Anh. Tuy nhiên sau khi gặp chồng thì người này lại đúng với cái gu đàn ông mình thích. Anh rất tình cảm, không ngại thể hiện điều đó ra bên ngoài và con trai Việt Nam thì không giỏi trong việc này.
Mình thích tính cách của con trai nước ngoài, họ yêu ghét rất rõ ràng. Từ lúc quen nhau đến khi kết hôn cũng đã được 5 năm, và tình yêu của mình với chồng vẫn nồng nhiệt như ngày đầu. Điều đó đã khiến cho mọi rào cản về ngôn ngữ, văn hoá và sự phản đối từ gia đình không còn quá khó khăn. Hiện tại, mình cảm thấy rất hài lòng về cuộc hôn nhân của mình với anh.
Điều gì ở anh đã khiến chị tin rằng, đây là người đàn ông mà mình lựa chọn sẽ gắn bó lâu dài trong tương lai?
Mình rất thích tính cách của anh, vì khi tiếp xúc thì mình luôn có cảm giác an tâm. Anh luôn đặt mình ở vị trí ưu tiên, đồng hành và chia sẻ với mình mọi thứ trong cuộc sống, từ hôn nhân cho đến công việc nhà hay chăm sóc con cái.
Anh không chỉ cho mình cảm xúc như một người chồng, mà còn là một người bạn tri kỷ, có thể hiểu và sẵn sàng lắng nghe. Điều này khiến mình không cảm thấy cô đơn, mà luôn yên tâm và tin tưởng anh.
Chồng Hàn là người chồng, người bố tình cảm, tâm lý trong mắt nàng cựu tiếp viên.
Lần đầu gặp bố mẹ chồng, cảm xúc của chị như thế nào?
Mình rất lo lắng, vì xem phim drama nhiều nên nghĩ rằng quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu lúc nào cũng có sự xa cách, căng thẳng.
Trước khi về gặp gia đình chồng, mình đã lên mạng tìm hiểu về kiểu con dâu mà người Hàn thích. Sau đó, mình cũng đã hỏi chồng để biết rõ hơn về thói quen của bố mẹ chồng, cũng như những điều mà mình cần lưu ý.
May mắn là vào lần gặp đầu tiên, mọi thứ không như mình tưởng tượng. Mình khá bất ngờ khi mới gặp mà mẹ chồng đã ôm mình, bố mẹ rất thân thiện, cởi mở và đã đón nhận mình ngay lúc đó.
Bố mẹ chồng người Hàn rất quý con dâu và cháu.
Hành trình em bé đến với gia đình có kỷ niệm nào khiến chị nhớ nhất?
Kỷ niệm mình nhớ mãi đó là thời điểm sinh em bé. Lúc đó đang cao điểm dịch covid nên vợ chồng rất lo lắng, đúng ngày sinh em bé thì bị cách ly xã hội. "Nội bất xuất, ngoại bất nhập", mẹ mình ở Bắc Ninh không thể di chuyển xuống Hà Nội, ngoài đường cũng không có xe nào hoạt động.
Thế là hai vợ chồng tự cùng nhau vào viện khám khi có dấu hiệu sắp sinh. Bác sĩ đã giữ mình lại bệnh viện để đẻ luôn. Nhưng trước lúc đó thì chồng mình chưa kịp chuẩn bị quần áo gì cả, nên phải mượn bệnh viện đồ của bệnh nhân.
Hai vợ chồng trẻ bơ vơ, luống cuống vì là lần đầu làm cha, làm mẹ. Suốt 3 ngày ở trong bệnh viện, chồng một mình làm tất cả mọi thứ, từ pha sữa, thay tã cho con và đút cho vợ ăn. Lúc đó chồng mình khá sốc và kiệt sức, vì trước đó vẫn nghĩ rằng Việt Nam sẽ giống Hàn Quốc. Tức là sẽ có dịch vụ chăm sóc trẻ sơ sinh trong bệnh viện, chứ không phải là sinh con xong thì đưa em bé cho bố mẹ tự chăm như này.
Chị có cảm thấy việc nuôi dạy một đứa trẻ trong gia đình đa văn hoá sẽ khó khăn hơn so với những gia đình bình thường khác?
Đối với mình thì mình không cảm thấy có gì khó khăn cả. Đến bây giờ em bé nhà mình cũng đã được 2 tuổi rưỡi. Gia đình mình không sống chung với mẹ chồng, cũng không ở gần ông bà ngoại nên là việc nuôi dạy con hoàn toàn do mình quyết định.
Mình đã đọc nhiều sách để tìm hiểu về các cách nuôi dạy con, mình áp dụng nuôi con EASY, ăn dặm chỉ huy nên ngay từ nhỏ, con đã được mẹ rèn nếp ăn nếp ngủ. Sau một tuần đầu con chào đời, mình đã bắt tay ngay vào việc rèn con.
Mẹ chỉ vất vả một chút vào tháng đầu tiên, nhưng sau đó thì con đã dần làm quen được với phương pháp của mẹ nên "trộm vía" rất hợp tác. Hiện tại con đã lớn hơn, mình để con phát triển tự nhiên. Chồng sẽ giao tiếp với con bằng tiếng Hàn, còn mình vẫn sẽ nói chuyện với con bằng tiếng Việt.
Vợ chồng mình sẽ không ép con phải biết nói tiếng nào trước, mà để con tự phát triển. Tuy ban đầu mình khá lo vì nghĩ con lớn lên trong gia đình đa văn hoá sẽ chậm nói hơn so với các bạn khác, nhưng đến bây giờ thì mình vẫn luôn kiên nhẫn với con.
Việt Nam và Hàn Quốc đều là các nước Châu Á nên mình không cảm thấy có gì quá khác biệt trong quan điểm nuôi dạy con cả, vợ chồng mình vẫn đang khá hoà hợp trong vấn đề nuôi dạy bé, chưa từng xảy ra mâu thuẫn.
Chị Vân là người toàn quyền quyết định chuyện nuôi dạy con, không có sự tác động của bố mẹ chồng.
Có câu chuyện, hoặc tình huống nào trong cuộc sống hàng ngày khiến cho chị ấn tượng với cách nuôi dạy con kiểu Hàn của chồng?
Mình thường thấy nhiều người có định kiến là người Hàn nóng tính, hay to tiếng. Nhưng với gia đình mình thì ngược lại, mình cảm thấy mình nóng tính, nghiêm khắc hơn anh. Anh luôn là người xoa dịu, tình cảm với con gái, rồi sau đó mới giải thích cho con hiểu. Trong nhà, mình giống như đóng vai ác, còn chồng đóng vai thiện.
Chị và chồng chia sẻ với nhau công việc nuôi dạy con ra sao?
Trước kia thì mình đi bay, còn chồng đi làm nên gia đình đã thuê giúp việc. Tuy nhiên thì chồng mình đã có góp ý rằng, anh không yên tâm khi mà vợ chồng giao việc chăm sóc con cả ngày cho giúp việc. Việc kiếm tiền không quan trọng bằng việc nuôi dạy con. Đặc biệt là trong 3 năm đầu đời của đứa trẻ.
Thế là chồng động viên mình tạm gác công việc, dành thời gian cho con nhiều hơn. Sau khi cân nhắc kỹ thì mình cũng đã quyết định dừng ước mơ bay để ở nhà trực tiếp chăm sóc và nuôi dạy con. Cho đến bây giờ, mình cảm thấy quyết định nghỉ công việc tiếp viên hàng không là xứng đáng.
Chị và chồng có kế hoạch sẽ sinh thêm em bé trong tương lai?
Vợ chồng mình đợi cho bé Na có thể nói rành, tình hình kinh tế cho phép thì sẽ tính đến chuyện có đứa thứ hai.
Hiện tại, chị có cảm thấy hài lòng với cuộc sống hôn nhân gia đình của mình và trong tương lai gia đình sẽ định cư ở Việt Nam hay Hàn Quốc?
Mình vô cùng hài lòng với cuộc sống hôn nhân hiện tại, cảm thấy may mắn vì gặp được anh, một nửa hoàn hảo, lý tưởng của mình. Hiện tại thì gia đình vẫn đang sống ở Việt Nam. Nhưng trong tương lai, có thể chồng mình sẽ về Hàn Quốc định cư. Vì dù gì anh cũng là con một, con trai duy nhất trong gia đình. Tuy nhiên dù ở đâu thì gia đình mình vẫn sẽ bay đi bay về giữa 2 nước, vì cả Hàn Quốc hay Việt Nam đều là quê hương của tụi mình.
Cảm ơn chị đã chia sẻ!