Vòng chảy của cuộc sống đang không ngừng tịnh tiến về phía trước, con người cũng vì thế mà bị cuốn vào những nỗi lo chất chồng. Bên cạnh nỗi lo cơm áo gạo tiền, người bước chân vào ngưỡng cửa của hôn nhân và gia đình còn có thêm một nỗi lo vô cùng lớn, đó cũng là thiên chức cao quý của những người làm cha, làm mẹ trong quá trình nuôi dạy con cái trưởng thành.
Cha ông ta từng nói “dạy con từ thuở còn thơ”, quả thực không sai. Hành trình nuôi nấng một đứa trẻ từ khi nó còn là bào thai trong bụng mẹ, cho đến khi nó được sinh ra và khôn lớn không hề dễ dàng. Làm sao để nuôi dạy con ngoan ngoãn, trở thành một người thành công, hạnh phúc và mang lại giá trị tốt đẹp cho xã hội là điều mà các ông bố bà mẹ quan tâm. Sự quan tâm này còn đi kèm cả áp lực và vô vàn nỗi lo.
Các chuyên gia khuyên rằng, để nuôi dạy một đứa trẻ hiệu quả thì bố mẹ cần loại bỏ ngay những nỗi lo thái quá. Lo lắng là tốt, bởi vì nó chứng minh được cái tâm của bố mẹ đặt để vào con.
Nhưng lo lắng quá nhiều, đôi khi sẽ phản tác dụng khiến cho bố mẹ sinh ra những tư tưởng và cảm xúc tiêu cực. Nếu bố mẹ như thế, trẻ cũng vô hình trung bị ảnh hưởng không tốt. Vậy nên, các bà mẹ cần phải thay đổi ngay khi phát hiện bản thân có 3 sai lầm này trong quá trình nuôi dạy con cái.
"Con của tôi, tôi có thể bảo vệ nó theo cách tôi muốn"
Sai lầm lớn nhất của các bà mẹ, là bao bọc con cái trong một phạm vi an toàn quá lâu. Họ yêu thương những đứa trẻ của mình, bằng cách ngăn chặn mọi sự tác động có dấu hiệu nguy hiểm từ thế giới xung quanh.
Mẹ cứ nghĩ như thế là đang bảo vệ con, nếu con đau 1 thì mẹ sẽ đau gấp 10, vì vậy mà mẹ đã dùng mọi thứ mà mẹ có trong tay để trở thành “lá chắn an toàn” của con. Nhưng mẹ lại không thấy được những mối nguy từ cách giáo dục này. Hóa ra là mẹ đã bảo vệ con sai cách.
Để con có thể “phá kén” và trở thành một “con bướm biết bay”, thay vì quá bao bọc còn thì mẹ phải khích lệ con va vấp với bên ngoài, với xã hội nhiều hơn nữa. Bởi vì khi trái tim con mạnh mẽ, và đôi chân con có thể “vững như kiềng 3 chân” thì mẹ sẽ không phải lo lắng con bị bất kỳ điều gì đó làm tổn thương.
Với kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm mẹ tạo cơ hội để con tích lũy từ mọi thứ trong cuộc sống, đó chính là hành trang “lợi hại” nhất để con có thể tự tin khi rời xa vòng tay của mẹ và sống một cuộc đời mà con mong muốn.
Qua mỗi lần vấp ngã, mỗi lần té đau, mỗi lần thất vọng và mỗi lần thất bại thì những đứa trẻ sẽ biết kiên cường đứng lên. Nếu mẹ xót con mà bày tỏ thái độ hay hành vi thái quá, sau này khi lớn lên, con vẫn sẽ giữ thói quen phụ thuộc vào mẹ. Tuy nhiên, đó không phải là điều tuyệt vời nhất mà một người mẹ nên làm. Thay vì mẹ bảo vệ con, hãy dạy con tự bảo vệ chính mình.
Bố mẹ quá bao bọc con, con sẽ phụ thuộc, không biết cách tự lập.
"Tại sao đứa trẻ khác làm được mà con mình lại không?"
Từ khi được sinh ra, mỗi đứa trẻ đã có cho riêng mình một nguồn nội lực riêng. Không một đứa trẻ nào giống đứa trẻ nào, mà chỉ có một nguyên bản duy nhất trên thế giới này. Vậy nên, mẹ đừng mù quáng biến con trở thành “bản sao” của người khác. Thay vào đó, bố mẹ hãy tạo cơ hội để con cái tự phát triển, tự do “bay trên bầu trời diệu vợi” của riêng mình.
Thực tế đã chứng minh, nhiều đứa trẻ hình thành bóng đen tuổi thơ, không phải vì cuộc sống cơ cực hay khốn khó, mà là vì nỗi ám ảnh mang tên “con nhà người ta”. Cụm danh từ vốn rất phổ biến trong cuộc sống hiện đại ngày nay, và vô tình trở thành “kim chỉ nam” trong giáo dục con cái của nhiều bậc cha mẹ. Khi họ mang tư tưởng rằng, mọi điều đứa trẻ khác đạt được, con cái họ cũng đều phải đạt được, bất kể là ngoại hình, sở thích hay thành tích,...
Áp lực gây nên từ các định kiến, quy chuẩn của xã hội đã khiến cho sự kỳ vọng của bố mẹ đặt lên những đứa trẻ không bao giờ có giới hạn. Nhưng con người không ai là hoàn hảo, và ai cũng sẽ có ưu nhược điểm khác nhau.
Vì vậy, sẽ thật sự rất bất công nếu bố mẹ so sánh điểm mạnh của người khác với điểm yếu của con. Điều này, không chỉ gây cho những đứa trẻ một áp lực lớn, mà còn kìm hãm sự phát triển các tiềm năng của trẻ.
Mỗi đứa trẻ đều có thế mạnh riêng, sự so sánh chỉ càng tạo cho con nhiều áp lực.
"Tôi có lỗi gì khi muốn con trai thành rồng, con gái thành phượng hoàng"
Mọi thứ trên đời đều được sinh ra và phát triển theo một quy luật nhất định, những đứa trẻ cũng không ngoại lệ. Mặc dù tư tưởng muốn nuôi dạy “con trai thành rồng, con gái thành phượng hoàng” là tư tưởng chung của hầu hết các bậc cha mẹ. Nhưng tại sao lại có người thành công, có người lại thất bại. Chuyên gia đã lý giải nguyên nhân xuất phát từ việc lựa chọn thời điểm.
Bởi vì sự trưởng thành, phát triển và trạng thái tâm lý của mỗi đứa trẻ đều có quy luật riêng của nó. Nếu bố mẹ nóng lòng muốn con biết chạy, trước khi biết đứng thì bố mẹ đã phạm phải sai lầm nghiêm trọng, khi chống lại quy luật tăng trưởng tự nhiên.
Lúc này, sự kỳ vọng của bố mẹ sẽ hoàn toàn bị dập tắt, thậm chí là còn để lại hậu quả xấu cho những đứa trẻ của mình, khiến trẻ không thể phát triển một cách lành mạnh.
Vì vậy, trước khi bố mẹ đặt ra cho trẻ một đích đến, bố mẹ cần phải xem xét kỹ xem trẻ đã “đủ lông, đủ cánh” để “bay” được đến đó hay không? Bởi vì, không có đứa trẻ nào là không thể dạy dỗ, chỉ là bố mẹ chưa tìm ra được mô hình phát triển phù hợp với con mình. Thế nên, bằng cách này cả bố mẹ và con cái đều sẽ khỏe mạnh, an yên và hạnh phúc.
Đừng đặt kỳ vọng vào con quá lớn, để con phát triển tự nhiên mới là điều tốt nhất bố mẹ nên làm.