Thế nhưng, nhiều bà mẹ Việt Nam vẫn đặt nặng việc học thật giỏi ở trường mà chưa chú trọng đầy đủ đến các kỹ năng khác của bé, trong đó có sáng tạo. Chúng tôi đã có buổi trò chuyện với Thạc sỹ Tâm lý Tô Nhi A (giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương thành phố Hồ Chí Minh) về chủ đề thú vị này.
Thạc sỹ Tâm lý Tô Nhi A
Quan sát trẻ em nước ngoài, nhiều mẹ Việt rất thích thú trước khả năng sáng tạo của các bé trong cách diễn đạt suy nghĩ, kể chuyện… Còn khả năng sáng tạo của trẻ Việt Nam có lẽ vẫn chưa được phát huy!
Chuyên gia Tô Nhi A: Mọi trẻ em đều tiềm ẩn năng lực sáng tạo rất lớn, chỉ là người lớn có phương pháp khuyến khích và dành đủ thời gian tương tác tích cực để kích hoạt óc sáng tạo của trẻ không. Ở Việt Nam, chúng ta thích trẻ vâng lời hơn sáng tạo, trong khi sáng tạo là một trong những nền tảng cực kỳ quý báu cho thành công sau này.
Ở phương Tây, việc tương tác với thiên nhiên được xem là một nhân tố cực kỳ quan trọng để phát triển óc sáng tạo của trẻ. Ở Việt Nam, nhất là các thành phố, trẻ chưa được tạo điều kiện tiếp xúc nhiều với thiên nhiên mà lại gắn chặt với các thiết bị công nghệ.
Thú thật, nhiều mẹ Việt vẫn chưa hình dung được mối liên hệ giữa việc trẻ tiếp xúc với thiên nhiên và sự sáng tạo.
Theo nghiên cứu "Đánh giá mối liên hệ giữa các hoạt động ngoài thiên nhiên và các tác động tâm lý tích cực" do các giáo sư tâm lý học tại trường đại học Kansas (Mỹ) thực hiện năm 2012, các nhóm người đạt điểm sáng tạo cao hơn 50% so với lúc đầu sau 4 ngày khám phá trong rừng.
Khi tương tác với thiên nhiên, các nguyên liệu sống sẽ dần dồi dào. Sau khi dung nạp nguyên liệu phù hợp vào não, bé sẽ diễn đạt lại theo góc nhìn mới mẻ của mình, không phụ thuộc vào người lớn hay văn mẫu. Đây chính là cách trẻ học và thực hành sáng tạo một cách đầy tự nhiên. Do đó, xa rời thiên nhiên, trẻ sẽ gặp bất lợi trong việc tự tổng hợp, tư duy và sáng tạo.
Tương tác với thiên nhiên thúc đẩy tư duy, sáng tạo ở trẻ
Sự sáng tạo này sẽ mang đến lợi ích nào cho trẻ, thưa chuyên gia?
Khi có khả năng sáng tạo, trẻ sẽ linh hoạt trong quá trình giải quyết vấn đề trong học tập và trong cuộc sống khi mai này rời xa vòng tay bố mẹ. Sự sáng tạo cũng mang đến cảm giác hạnh phúc, vui vẻ, những cách nghĩ mới mẻ thoát khỏi sự rập khuôn thông thường. Điều này góp phần lý giải vì sao nhiều trẻ phương Tây chưa chắc có điểm số tốt bằng trẻ em Việt Nam ở cấp 1, nhưng lên đến bậc Đại học và bước ra đời lại gặt hái được nhiều thành công.
Theo chuyên gia, độ tuổi nào là độ tuổi có thể bắt đầu “gieo mầm” sáng tạo?
Lứa tuổi mầm non và cấp 1 là lứa tuổi mẹ nên đặc biệt quan tâm để kích hoạt sức sáng tạo cho con. Ở tuổi này, trẻ tràn ngập xúc cảm, sự tò mò, trí tưởng tượng bay bổng, có khả năng liên tưởng mạnh…
Tôi luôn khuyến khích các bậc cha mẹ nên cho trẻ nhỏ ở tuổi mầm non, cấp 1 cơ hội tiếp xúc với thiên nhiên, chơi các trò chơi liên quan đến thiên nhiên, thay vì dành quá nhiều thời gian bên các thiết bị công nghệ.
Gần đây, cộng đồng mạng một phen xôn xao vì bộ tranh hài hước, mô phỏng lại các bài văn tả thiên nhiên đầy “ngây thơ” của trẻ nhỏ. Nhiều mẹ chia sẻ băn khoăn rằng trẻ em ở nông thôn rất dễ quan sát con trâu, con gà trống, cây chuối, cây mít… chứ trẻ em thành thị khó có điều kiện để tiếp xúc với thiên nhiên.
Thiên nhiên thật ra không hẳn cứ phải là về quê, đi biển, lên núi. Ngay trẻ em thành thị vẫn có thể tung tăng ngoài công viên, đến với các sự kiện, chương trình khám phá thiên nhiên. Ngoài ra, ngay trong chính ngôi nhà thân thương, mẹ cũng có thể cho trẻ gọt thử củ cà rốt, bóc vỏ trứng gà luộc, trồng rau trong chậu cây, phơi quần áo để hiểu vì sao nắng và gió làm khô được quần áo…
Dành thời gian chơi cùng con, mẹ sẽ trao cho con món quà vô giá: óc sáng tạo!
Dành thời gian chơi cùng con, mang đến cho con cơ hội tiếp xúc với thiên nhiên “mọi lúc mọi nơi”, kiên nhẫn trả lời những câu hỏi đầy ngộ nghĩnh của trẻ hoặc khuyến khích trẻ tìm hiểu, mẹ sẽ trao cho con món quà vô giá: óc sáng tạo!
* Xin cảm ơn chuyên gia!