Là một người mẹ có con gái đang ở độ tuổi dậy thì, tôi luôn cố gắng để "làm bạn" với con, khéo léo trong cách nuôi dạy. Tôi cũng biết ở tuổi này, con rất muốn được khẳng định bản thân nên không còn sát sao, cấm cản con nhiều thứ như trước nữa.
Tôi bắt đầu quan tâm hơn đến cảm nhận, những sở thích riêng của con thay vì ép con làm theo ý mình. Để đứa trẻ không thua thiệt bạn bè, tôi đầu tư cho con theo đuổi các môn năng khiếu con thích ngoài việc học văn hoá ở trên lớp.
Khi con gái nói có niềm đam mê học nhảy và sau này muốn trở thành một dancer chuyên nghiệp, tôi vẫn tôn trọng sở thích của con. Vì vậy mà cho phép đứa trẻ đăng ký một lớp học nhảy năng khiếu ở trung tâm thành phố. Tuần 3 buổi, tôi sẽ là người trực tiếp đưa đón con đến lớp.
Mọi chuyện vẫn bình thường cho đến thời gian dạo gần đây, tôi chợt phát hiện ra mỗi lần thay quần áo, con gái đều đóng kín cửa, vào phòng tắm cũng ở trong đó rất lâu mới chịu đi ra. Ban đầu tôi có hỏi thì con gái bảo không có chuyện gì, vui vẻ cười nói nên tôi nghĩ bản thân mình đang lo lắng thái quá.
Tuy nhiên tần suất những hành động bất thường này của con cứ lặp đi lặp lại làm tôi không thể không nghi ngờ là con có chuyện gì đó giấu mình, thế là quyết định âm thầm kiểm tra. Trong một lần thấy con gái vào phòng tắm, tôi đã cầm sẵn chiếc chìa khoá dự phòng cất trong tủ ra rồi bí mật mở cách cửa thật khẽ để không bị phát hiện.
Ảnh minh hoạ.
Thế nhưng khi tận mắt chứng kiến cảnh tượng lúc đó và hành động của con gái, tôi đã thực sự rất sốc. Đứa trẻ bình thường được mẹ chăm sóc tỉ mỉ, cưng như trứng mỏng, từ nhỏ đến lớn chưa từng bị thương tích trên người. Ấy thế mà khắp cơ thể con gái tôi lúc này lại chằng chịt những vết bầm thâm tím, thậm chí có chỗ còn rướm máu.
Có lẽ đứa trẻ sợ mẹ nhìn thấy nên lén lút ở trong phòng tắm xử lý vết thương, bôi thuốc cho nhanh lành để không bị phát hiện. Đó là lý do mà dạo gần đây ngày nào con cũng ở trong phòng tắm rất lâu. Qúa đau lòng, tôi đã vội mở toang cánh cửa và bước vào để hỏi cho rõ nguồn gốc của những thương tích này từ đâu mà có.
- Thỏ à! Chuyện gì thế này hả con. Sao cơ thể chỗ nào cũng bầm tím hết cả vậy. Vì sao con lại giấu không cho mẹ biết vậy hả?
Thấy tôi bất ngờ bước vào, cô con gái giật mình. Tôi biết con rất đau, mặc dù gương mặt tủi thân khi nhìn thấy mẹ nhưng lại cố gắng kiềm chế để không khóc. Giọng còn mạnh mẽ nói:
- Con không sao mẹ ạ! Mẹ đừng lo. Chỉ là vài vết thương nhỏ lúc con tập nhảy ở lớp với các bạn thôi. Con không thấy đau chút nào cả!
- Người bầm tím thế kia mà con bảo không đau. Sao con lại giấu mẹ chuyện này hả Thỏ?
- Con rất muốn nói cho mẹ biết, nhưng con không muốn mẹ phải lo lắng. Con đã lớn rồi, không thể chuyện gì cũng yếu đuối để bố mẹ phải phiền lòng. Hơn nữa việc học nhảy là do con lựa chọn, con thích nên dù có bị thương một tí cũng không sao mẹ ạ! Con sẽ cố gắng để làm tốt nhất nên mẹ đừng bắt con phải nghỉ học mẹ nhé!
Tôi không nén được cảm xúc mà ngay lập tức bật khóc vì quá xót con, nhưng thấy đứa trẻ quyết tâm theo đuổi đam mê của mình như thế, tôi cũng không lên tiếng la mắng hay cấm cản. Là bà mẹ nào thì cũng sẽ thấy đau lòng khi con cái bị thương cả, tuy nhiên lúc này tôi nghĩ mình cần phải động viên tinh thần và khích lệ con. Điều này sẽ tốt hơn cho sự phát triển của đứa trẻ, thay vì quá bao bọc hoặc ra sức ngăn cấm.
- Mẹ sẽ không ép con làm điều bản thân con không thích. Nếu con đã muốn học nhảy thì mẹ sẽ ủng hộ con hết mình. Nhưng gặp khó khăn gì thì con phải cho bố và mẹ biết đầu tiên, đừng lén chịu đựng một mình. Như vậy bố mẹ sẽ yên tâm hơn, và con cũng sẽ được hỗ trợ kịp thời khi cần. Mẹ biết con đường theo đuổi đam mê chưa bao giờ là dễ dàng, thấy con nỗ lực, quyết tâm như thế mẹ tự hào lắm. Hãy cố gắng lên con gái nhé, nhưng cũng đừng quên chú ý cẩn thận hơn để tránh làm bản thân bị thương.
Ảnh minh hoạ.
Nghe lời động viên của mẹ, con gái ôm chầm lấy tôi:
- Con hiểu rồi mẹ ạ, con cảm ơn mẹ nhiều lắm!
Cả hai mẹ con xúc động ôm lấy nhau, an ủi vỗ về nhau. Mọi chuyện cuối cùng cũng đã tỏ, và tôi cảm thấy mình với con gái thêm gắn bó, thân thiết hơn qua chuyện này. Tôi tin rằng, dạy con ở độ tuổi dậy thì sẽ không quá khó như nhiều bố mẹ nghĩ, quan trọng là bố mẹ phải đi đúng con đường để có thể đến gần con và hiểu con hơn.
Tâm sự từ độc giả lanphuong...@gmail.com
Là bố mẹ, chúng ta nên hạnh phúc và cảm thấy tự hào khi con có sự kiên trì và nỗ lực để theo đuổi đam mê, ước mơ của chính mình. Từ đó, tạo cơ hội và điều kiện để con được khẳng định bản thân, tự do phát triển những sở thích, năng khiếu mà con có.
Trên hành trình bố mẹ đồng hành cùng con, bố mẹ cũng cần phải chú ý để lựa chọn cho con những môi trường phù hợp, theo dõi sát sao việc rèn luyện của con để có thể hỗ trợ kịp thời. Đơn cử như vấn đề chọn lớp học năng khiếu cho trẻ, bố mẹ cần lưu ý những yếu tố sau:
- Hiểu rõ sở thích và năng khiếu của con: Hãy tìm hiểu kỹ về sở thích và năng khiếu của con thông qua việc quan sát và nói chuyện với con. Điều này giúp bố mẹ có cái nhìn tổng quan về những gì con thích và có năng khiếu, từ đó có thể tìm kiếm các lớp học phù hợp.
- Tìm kiếm lớp học phù hợp: Hãy xem xét các trung tâm, câu lạc bộ hoặc tổ chức có chương trình đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực mà con quan tâm. Đảm bảo rằng lớp học này chất lượng, được dẫn dắt bởi những người có kinh nghiệm và đam mê trong lĩnh vực đó.
- Đánh giá chất lượng và phương pháp giảng dạy: Trước khi đăng ký con vào một lớp học năng khiếu, hãy đánh giá chất lượng và phương pháp giảng dạy của lớp học. Xem xét cách họ tạo cơ hội cho con thực hành và phát triển kỹ năng, cũng như cách họ tạo ra môi trường khuyến khích và cạnh tranh lành mạnh.
- Đồng hành và hỗ trợ con: Hãy đồng hành cùng con trong quá trình rèn luyện và phát triển sở thích. Bố mẹ quan tâm và hỗ trợ con bằng cách thường xuyên thảo luận và nghe con chia sẻ về những khó khăn hay thành tựu mà con gặp phải trong quá trình học tập. Đồng thời, hãy khích lệ và động viên con vượt qua những thách thức để tiếp tục phát triển.
- Không áp đặt và tôn trọng lựa chọn của con: Dù con có sở thích gì, hãy tôn trọng và chấp nhận lựa chọn của con. Không áp đặt hoặc ép buộc con phải theo đuổi những gì mà bố mẹ muốn. Hãy cho con tự do khám phá và quyết định theo ý muốn của mình.
- Tạo điều kiện cho con tự do sáng tạo: Hãy tạo không gian và thời gian cho con tự do sáng tạo, tự do thể hiện ý tưởng và ý kiến của mình. Cung cấp cho con tài liệu, sách và nguồn thông tin để con có thể khám phá và nghiên cứu thêm về sở thích của mình.
- Mở rộng cơ hội: Hãy khám phá và tận dụng các cơ hội học tập, trải nghiệm mới cho con. Điều này có thể bao gồm việc cho trẻ tham gia các cuộc thi, buổi biểu diễn, hội thảo, hoặc tham quan các nơi có liên quan đến sở thích của con. Mở rộng cơ hội sẽ giúp con phát triển kỹ năng, mở mang tầm nhìn và xây dựng mạng lưới kết nối trong lĩnh vực mà con quan tâm.