Liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm khiến hàng trăm học sinh nhập viện:
Ngày 31/3, học sinh ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) nhập viện điều trị ngộ độc, nghi do ăn cơm gà được bày bán ở vỉa hè, trước cổng trường.
Ngày 4/4, nhiều học sinh Trường THCS Tân Châu ở tỉnh Lâm Đồng có biểu hiện ngộ độc sau khi ăn kẹo có chữ nước ngoài mua từ một cửa hàng tạp hóa gần cổng trường học.
Ngày 5/4, học sinh ở Trường Tiểu học Vĩnh Trường và Trường THCS Trần Hưng Đạo, TP Nha Trang phải nhập viện điều trị nghi ngộ độc thực phẩm. Các cháu ăn sáng với nhiều món khác nhau tại hàng quán bên ngoài nhà trường và người bán hàng rong.
Đó là những sự việc ngộ độc lớn với số lượng người đông nên được truyền thông đưa tin. Còn có rất những học sinh thi thoảng bị ngộ độc ở mức độ nhẹ, gia đình tự xử lý nên không ai biết.
Cô em đồng nghiệp thân thiết của tôi vừa kể: "Con trai em học lớp 3 của một trường tiểu học. Hôm qua con em bị ngộ độc do ăn thạch với bạn cùng lớp, bạn mua thạch ở hàng ngoài cổng trường. Mặc dù, ở nhà em đã dặn con là không được ăn đồ mua ở các quán hàng rong ngoài cổng trường, em cũng không cho con tiền khi đi học nhưng bạn cùng lớp của con mua, con bảo con cũng thèm ăn nên con ăn.
Hậu quả là chiều qua đi học về, con bị đau bụng, đi ngoài suốt cả tối. Vì con chỉ bị ở mức độ nhẹ nên không cần cho đi bệnh viện khám, không cần uống thuốc. Em phải nấu nước đỗ xanh cả vỏ cho con ăn để giải độc, không dám cho con ăn đồ ăn khác, chờ một ngày đường ruột của con ổn định mới dám cho ăn chế độ bình thường".
Tôi quan sát thấy xung quanh các trường học thường có nhiều hàng quán bán các loại quà vặt cho học sinh, nhất là vào thời điểm trước giờ vào học, giờ ra chơi và tan trường. Điều đáng nói là nhiều loại quà vặt như bánh kẹo, đồ ăn nhanh, nước giải khát... có nguồn gốc không rõ ràng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, vào mùa nóng bức, nguy cơ bị nhiễm trùng qua đồ ăn, nước giải khát chế biến không bảo đảm vệ sinh là rất lớn, khả năng rất cao gây ngộ độc cho các em nhỏ.
Điều đáng nói là tình trạng này đang diễn ra ở khắp mọi miền trong cả nước và đang có xu hướng gia tăng rất nguy hiểm và số người bị ngộ độc trong từng vụ việc riêng lẻ cũng nhiều hơn, ngộ độc tập thể tăng lên. Có thể thấy rằng, thực phẩm bẩn tràn lan, không rõ nguồn gốc xuất xứ bủa vây xung quanh trường học nhưng dường như đang thiếu vắng sự quản lý sát sao của ngành chức năng, Ban Giám hiệu các trường và cả các bậc phụ huynh. Đã đến lúc cả xã hội phải chung tay đưa ra những giải pháp thiết thực, hiệu quả để ngăn chặn vấn nạn này.
Phụ huynh cần phải rèn thói quen cho con ăn sáng ở nhà trước khi đến lớp (đối với trường công không có phục vụ ăn sáng) hoặc là ăn sáng tại nhà ăn của trường (đối với trường tư có phục vụ ăn sáng, có giáo viên quản lý), không cho con đang học tiểu học cầm tiền tiêu vặt, tiền mua đồ ăn sáng ở trường.
Khi con không có tiền thì sẽ không thể mua được đồ ăn ngoài cổng trường. Nếu tất cả các phụ huynh đều làm như vậy thì con cũng không thể ăn chung đồ ăn của bạn cùng lớp mua ngoài cổng trường. Đối với học sinh học THCS và THPT tự đi học bằng xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện thì không thể áp dụng việc không cho con tiền tiêu vặt vì con có thể bị hỏng xe giữa đường cần có tiền sửa xe.
Phụ huynh cần phải dạy con mình cách lựa chọn thực phẩm. Từ khi hai con gái tôi học mầm non, tôi đã dạy các con phải xem hạn sử dụng của thực phẩm trước khi ăn, uống.
Đối với đồ không nhãn mác, có chữ lạ, quá hạn sử dụng hoặc gần hết hạn thì không được mua. kiểm tra sản phẩm xem tuổi của con đã dùng được chưa (nhiều loại thực phẩm, đồ uống khuyến cáo độ tuổi được phép sử dụng). Nếu phụ huynh không cho con tiền, học sinh không mua thì các hàng quán ngoài cổng trường và người bán hàng rong làm sao có thể bán được hàng?
Nguyên nhân đầu tiên phải là do phụ huynh và học sinh. Sức khỏe là của chính con mình, mình phải dạy con trước. Kinh nghiệm của tôi là luôn dậy sớm trước 5h30 để gọi con dậy, chuẩn bị đồ ăn sáng cho cả nhà, cho con ăn sáng ở nhà xong mới đưa con đi học.
Với con gái học lớp 3 thì không cho cầm tiền, con gái lớp 12 thì đã được mẹ dạy đầy đủ kiến thức về cách lựa chọn thực phẩm từ bé nên có thể yên tâm khi con tự mua đồ ăn bên ngoài trong những ngày con ăn trưa tại trường. Trong các giải pháp thì giải pháp quan trọng nhất là ở gia đình.
Phụ huynh không cho con tiền tiêu vặt, cho con ăn sáng tại nhà trước khi đến lớp hoặc ăn sáng ở nhà ăn của trường có sự giám sát của giáo viên, thường xuyên giáo dục, nhắc nhở các con không ăn quà vặt, nước giải khát tại các bán hàng rong trước cổng trường chính là biện pháp phòng chống cần thiết để con em mình không bị nhiễm khuẩn qua đồ ăn thức uống không bảo đảm vệ sinh.
Các nhà trường, thầy, cô giáo cần phải quan tâm, thường xuyên nhắc nhở các em học sinh không được nhận bất cứ quà, kẹo bán, đồ ăn từ những người lạ mà không có bố mẹ, thầy, cô giáo đi cùng. Trường hợp có nghi ngờ các đối tượng xấu, thực phẩm đồ chơi nguy hại phải báo ngay thầy, cô giáo để cung cấp cho cơ quan chức năng sớm vào cuộc xác minh xử lý.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm cho học sinh, dù ở bất cứ một cấp học nào điều quan trọng nhất vẫn là phụ huynh phải nêu cao tinh thần, trách nhiệm giáo dục, cung cấp kiến thức và hướng dẫn cho con em mình phân biệt được đâu là thực phẩm bẩn và thực phẩm sạch, đâu là địa chỉ uy tín hay nơi nào không bảo đảm vệ sinh thực phẩm.
Vấn đề mấu chốt nữa là chúng ta cần phải làm mạnh vấn đề truyền thông đến tất cả các đối tượng từ cha mẹ học sinh, học sinh, nhà trường, người bán hàng. Khi các đối tượng này đều làm tốt thì sẽ tránh được các rủi ro do mất vệ sinh an toàn thực phẩm như hiện nay.