Năm 2007, khi 21 tuổi, tẩn thị su bắt tay vào thực hiện dự án Sapa O’Châu, mạng lưới giúp khách du lịch liên kết với hướng dẫn viên bản địa.
Tẩn Thị Su - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Sapa O’Châu (Cảm ơn Sa Pa) chính là câu chào của những người Mông sống trên vùng núi cao phía Bắc. Nhưng phải mất sáu năm sau đó, năm 2013 Công ty Sapa O’Châu mới chính thức được thành lập. Khi đó, người sáng lập là Tẩn Thị Su mới chỉ học xong lớp 9 hệ bổ túc văn hóa.
Bước đi trong đêm tốiNhà nghèo, đến lớp 3 thì Tẩn Thị Su nghỉ học để theo mẹ đi bán hàng. Vào thời điểm những năm 2000, Su là một trong những đứa trẻ bán hàng rong bám theo khách du lịch nước ngoài trước cổng nhà thờ đá Sa Pa. “Tranh giành khách, chơi xấu nhau kiểu trẻ con đều có cả. Những đứa trẻ xung quanh tôi không người Mông thì cũng người Dao, nhà nghèo, bỏ học lên thị trấn bán hàng. Không bán được hàng thì không có gì ăn, bán được cũng bị ghét” - Su kể khi ngồi dưới mái hiên của Sapa O’Châu. Phía sau cô, những tình nguyện viên người nước ngoài, những nhân viên người Mông vẫn tất bật với công việc của mình. Có một đoàn khách du lịch cùng hướng dẫn viên người Mông đang bắt đầu hành trình đi bộ khám phá bản làng Sa Pa.
“Mình nhớ nhất có những hôm không bán được hàng và cũng không có gì ăn cả, mình phải đi bộ hai giờ về nhà trong buổi tối. Lúc đó mình chỉ khoảng 13-14 tuổi, xung quanh chả có đèn hay ánh sáng như bây giờ. Từ thị trấn về nhà mình ở Lao Chải chỉ một mình mình trên đường. Mò mẫm mãi cũng về đến nhà, vừa sợ vừa lo. Nhưng mình đã làm được” - Su kể khi được hỏi về quãng thời gian bươn chải đầu đời.
Tiếng Kinh chỉ bập bẹ, tiếng Mông nói thì khách du lịch không hiểu, Tẩn Thị Su bắt đầu học lỏm những từ tiếng Anh đầu tiên từ khách du lịch. “Những du khách đến Sa Pa thời điểm năm 2000 rất thân thiện và tốt bụng. Họ không khó chịu khi bị một lũ trẻ nhằng nhẵng bám theo. Rất thường xuyên, họ sẵn lòng ngồi lại để dạy lũ trẻ một vài câu tiếng Anh cơ bản. Tôi học từ đó, mỗi ngày thêm một vài chữ, rồi cũng đến lúc giao tiếp được với khách nước ngoài”.
Hành trình tự học của cô gái trẻ người Mông bắt đầu không dễ dàng. Vì điều quan trọng nhất lúc đó là bán được hàng, kiếm được tiền để giúp mẹ nuôi sống gia đình. “Hồi đó người ta chỉ nghĩ con gái là phải lao động trong gia đình, đi học chỉ dành cho con trai hoặc con cái gia đình có nhiều tiền thôi. Đến bây giờ phụ nữ người Mông vẫn khổ lắm, không có ai gồng nhiều đồ nặng trên lưng bằng họ” - Su nói.
Tình nguyện viên nước ngoài dạy tiếng Anh tại Sapa O’Châu - Ảnh: Hà Hương
Cô gái Mông nghiện game?Nhiều người Sa Pa khi nhắc đến Tẩn Thị Su đều bật cười vì một hiểu lầm được truyền tụng. Cả ngày lẽo đẽo theo khách bán hàng kiếm được bao nhiêu tiền thì đến tối đã thấy Su ngồi trong quán Internet. Vì thế ai cũng bảo: “Con bé người Mông tí tuổi đã nghiện chơi điện tử”.
Đó là năm 2004, Su lần đầu tiên tiếp xúc với máy tính. Không nhớ rõ giá tiền cho một lần ngồi quán Internet, nhưng Su bảo giá rất cao, có khi cao bằng cả ngày bán hàng. Nhờ những giờ ngồi chăm chú trên máy tính, Su học được nhiều từ tiếng Anh hơn. Thời gian ở cửa hàng Internet dù vậy cũng rất ít ỏi. Nhưng vốn tiếng Anh đã đủ để Tẩn Thị Su dần từ bỏ công việc bán hàng để làm người hướng dẫn bản địa cho khách du lịch nước ngoài.
Năm 2007, với sự giúp đỡ của một số khách du lịch người Úc, “cô gái Mông nghiện game” bắt tay vào dự án Sapa O’Châu. “Mình rất muốn có được một công ty thành lập bởi người dân tộc, có thể cung cấp các dịch vụ du lịch tốt tại địa phương mình. Mình mong muốn Sapa O’Châu sẽ là một hình ảnh đẹp để các bạn trẻ người dân tộc noi theo chứ không chỉ biết làm nương làm rẫy hay trẻ em chỉ biết ra trước nhà thờ chèo kéo khách du lịch. Tuy khi nhỏ mình đã từng như vậy, nhưng đó thật sự là hình ảnh không đẹp với du lịch sa pa ” - Tẩn Thị Su chia sẻ.
Sẻ chia ước mơRất nhiều trong số các bạn trẻ được đào tạo ở Sapa O’Châu nhiều năm trước vẫn còn bám theo khách du lịch ở Sa Pa. Với Tẩn Thị Su, việc đào tạo những hướng dẫn viên bản địa có kỹ năng, có ngoại ngữ cũng là cách để chia sẻ ước mơ được đi học, đi làm với những số phận giống mình. “Không được đi học là điều rất đáng tiếc với Su. Nhưng Su muốn thay đổi suy nghĩ của những phụ huynh người Mông hiện nay. Nhiều người cứ nghĩ có học thêm cũng chỉ về lấy chồng chứ chẳng có ích lợi gì thêm cả”.
Lớp học của Tẩn Thị Su sau nhiều cố gắng vẫn tồn tại đến bây giờ. Thay vì đi bán hàng, những đứa trẻ được ở chung dưới một mái nhà, học tiếng Anh với các tình nguyện viên nước ngoài. Ngoài những giờ đi học, các em còn được học kỹ năng làm hướng dẫn viên du lịch. Cũng có nhiều lúc trung tâm của Su đứng trước nguy cơ đóng cửa khi nguồn thu nhập từ việc kinh doanh không ổn định. “Mình rất muốn kinh doanh tốt hơn để có thể giúp được nhiều bạn đi học, tạo công ăn việc làm cho các bạn khác có cơ hội làm việc và giúp đỡ gia đình” - Su nói.
Những đứa trẻ của Sapa O’Châu giờ có người đã thành hướng dẫn viên du lịch có kinh nghiệm. Rời Sapa O’Châu, có người đã đi học cao đẳng, trung cấp, có người đi làm cho công ty du lịch khác ở Sa Pa. Tẩn Thị Su lại đón những đứa trẻ nghèo khác về dưới mái nhà của mình, lại bắt đầu một quy trình giống như bao năm qua Su đã thực hiện. “Su luôn nghĩ mỗi người khi sinh ra đều có cơ hội của mình. Su cũng đã có một cơ hội rất tốt, việc của Su bây giờ là chia sẻ những cơ hội đó cho người khác”.
Trao cho những đứa trẻ nghèo cơ hội nhưng Tẩn Thị Su cũng không quên giấc mơ của riêng mình. Mỗi cuối tuần, Su lại tất bật tới lớp học bổ túc văn hóa. Nhiều hội thảo về du lịch ở Hà Nội cũng có mặt Su. Lâu lâu trên trang cá nhân, Su đăng những bức ảnh ở Pháp, Anh hay một nước châu Á nào đó. Su bảo những ước mơ đã đưa chân Su đến những chân trời đó.
“Su còn phải học nhiều lắm. Phải tốt nghiệp phổ thông, học về tài chính, quản lý, học hướng dẫn viên du lịch. Tiếng Kinh của Su cũng chưa tốt lắm phải không?” - Su hỏi mà ánh mắt lấp lánh nhiều dự định.
Chúng tôi đồng hành với giấc mơ của Su từ năm 2010. Đó là cô gái rất tâm huyết với cộng đồng. Có thời gian tiếp xúc, làm việc lâu dài, bản thân chúng tôi cũng vô cùng ngưỡng mộ Su vì giấc mơ lớn mà cô ấy theo đuổi. Hơn hết, Su là người có trái tim rộng mở, để từ đó có thể kêu gọi và huy động được không chỉ đồng bào của cô mà còn cả rất nhiều bạn bè từ nhiều nước, nhiều nền văn hóa khác nhau.
Bây giờ Su đã có những tiếng vang nhất định, không chỉ dừng chân ở Sa Pa, cô ấy còn muốn mở rộng hệ thống Sapa O’Châu sang Bắc Hà, Hà Giang, là những địa điểm du lịch nhiều triển vọng. Su luôn tâm huyết với mục đích của mình, đó là đồng bào dân tộc miền núi có cơ hội phát triển hơn.
Điều ngạc nhiên hơn nữa là Tẩn Thị Su còn rất trẻ, sinh năm 1986. Hiện giờ Su mới chỉ học đến lớp 10 bổ túc văn hóa. Ngày đầu tiên chúng tôi gặp Su, tiếng Anh của cô ấy còn tốt hơn tiếng Kinh. Nhưng Su tiếp thu rất nhanh những điều chúng tôi muốn chuyển tải. Ngoài điều hành Sapa O’Châu, trung tâm hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn, Su vẫn đều đặn đi học vào hai ngày cuối tuần. Thật sự điều đó khiến chúng tôi vô cùng khâm phục. Đó là một con người có nguồn năng lượng lớn, làm việc không có ngày nghỉ.
Hà Hương