Như tin đã đưa, vào tối qua (khoảng 19h30 ngày 11/10), một vụ cháy lớn đã xảy ra tại 3 tòa nhà CT4A, CT4B, CT4C - Khu đô thị Xa La (Hà Đông). Để khắc phục đám cháy, hàng trăm chiến sỹ cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã được huy động làm việc hết công suất. Trong số những người lính liều mình lao vào giữa vụ hỏa hoạn ấy có một hạ sĩ tên Trương Duy Tùng (SN 1993) - người đã khiến dư luận phải chú ý khi chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, chàng lính trẻ này đã giúp đỡ giải cứu được hơn 50 người.
Hạ sĩ Trương Duy Tùng.
Không dám dùng máy thở vì sợ không đủ khí oxy nhường cho nạn nhân
Chúng tôi đến thăm Tùng tại đơn vị phòng Cảnh sát PCCC số 7 (đóng tại Thanh Trì - Hà Nội) trong một buổi chiều đầu đông se lạnh nhưng chàng lính trẻ chỉ mặc phong phanh bộ quân phục mùa hè, tâm trạng vẫn chưa hết bồi hồi khi những cảm xúc đặc biệt trong lần cứu hỏa đêm qua vẫn chưa kịp xếp vào quá khứ.
Nhắc lại chuyện cũ, Tùng chia sẻ: "Thực sự lúc đó cũng rất hoang mang và cảm thấy nguy hiểm nhưng rồi mọi thứ cũng dần qua". Tùng cho biết, sau khi nhận được tin báo, cậu và hơn 50 chiến sĩ khác lập tức lên đường. Đúng 19h50, những chiếc xe cứu hỏa đầu tiên chuyển bánh. Tùng cùng một tiểu đội trưởng có mặt ở tòa nhà CT4B. Hai người đi thang máy lên đến tầng 20 thì bắt gặp một phụ nữ trung tuổi bị mắc kẹt. "Thấy vậy, tiểu đội trưởng dìu nạn nhân xuống tầng 1 thoát ra ngoài còn mình tiếp tục đi lên các tầng tiếp theo".
Giây phút hạ sĩ Tùng vừa bước xuống khỏi tòa nhà CT4B, khu đô thị Xa La (Hà Đông, Hà Nội). Ảnh: NVCC.
Theo lời Tùng, ở các tầng dưới thấp từ 20 đến 28, khói và khí độc bao trùm dày đặc, tình hình rất nguy hiểm. Tùng được trang bị mặt nạ chống độc và bình oxy. Dù liên tục mở sẵn van bình thở nhưng chàng lính trẻ rất ít khi dùng đến vì lo sợ, nếu mình lạm dụng hết khí thở thì khi có nạn nhân cần dùng đến sẽ không có đủ oxy nhường cho họ. "Mình thở bằng bình rất ít vì sợ hết oxy khi cần. Xung quanh khói bao trùm mù mịt mà trẻ em, người già nhiều quá nên mình không dám dùng phí phạm".
Công việc yêu thích của 9X này khi rảnh rỗi là dọn dẹp giường ngủ và ngồi đọc sách, chuyện trò cùng đồng đội. Ảnh: Thu Hường
Khi lên đến tầng 28, hạ sĩ Tùng tiếp tục gặp một người già, một phụ nữ và em nhỏ khoảng 2-3 tháng tuổi. Cậu đưa những nhười này lên sân thượng rồi tiếp tục quay lại các tầng 31, 32, 33 tìm người mắc kẹt để trợ giúp. "Mình phải di chuyển hoàn toàn bằng thang bộ, dù phải bật tới 2 chiếc đèn pin chiếu sáng nhưng dường như vẫn không đủ vì quá tối, khói mù mịt khắp xung quanh. Việc di chuyển nhiều trong tình trạng nhưu vậy khiến mình thấy khá mệt và hoang mang vì nạn nhân còn nhiều mà lúc đó chỉ có một mình mình tới ứng cứu".
Tùng cho biết, điều cậu ấn tượng nhất là giải cứu được hai đứa trẻ sơ sinh, một bé dưới 10 ngày tuổi và một bé vừa chào đời khoảng 20 ngày. "Giây phút đưa được các sinh linh ra khỏi phòng, đi lên sân thượng để tránh khói, mình thấy rất hạnh phúc, giống như những mầm sống mới bắt đầu lóe lên vậy".
Trong quá trình tác nghiệp, Tùng phải vận dụng hết toàn bộ kỹ năng PCCC tích cóp được qua kiến thức lý thuyết và thực hành đã từng học được. Ví như khi gặp một phụ nữ bị nạn, sức khỏe yếu, cậu nhanh trí chùm khăn ướt rồi dìu người này lên sân thượng. Lúc có người bị ngất, cậu nhanh chóng lần tìm xuống các căn hộ ở tầng 35 lấy sữa cho họ uống. Một mình giữa 50 con người đang hết sức hoảng loạn, Tùng phải lấy hết can đảm và bình tĩnh để trấn an họ dù thực lòng lúc đó, tinh thần chàng trai cũng không hoàn toàn "vững như thạch bàn".
"Mình cũng có chút lo sợ, biết là có nguy hiểm nhưng vẫn luôn hướng mọi suy nghĩ theo tinh thần lạc quan nhất, "chắc mình và mọi người sẽ không sao đâu". Mình dunfgc hính lý trí đó để khuyên nhủ mọi người bình tĩnh và rất may là mọi người tin mình", Tùng nói.
Sau khoảng 1 tiếng chờ đợi, khi có người báo tình hình phía dưới đã ổn định, Tùng tổ chức cho mọi người đi xuống trước còn bản thân cậu ở lại trên sân thượng trông coi 2 đứa nhỏ sơ sinh. "Các bé và mẹ của chúng rất yếu vì ngạt khói. Mình phải ở lại chăm sóc, đợi có bác sĩ và bình thở được chuyển lên thì mới từ từ đưa họ xuống".
Khi công việc giải cứu hơn 50 người đã hoàn thanh, không hề mệt mỏi,c hàng hạ sĩ trẻ lại tiếp tục lao vào hiện trường, cùng đồng đội tìm kiếm thi thể nạn nhân trong đống tro tàn. "Đến khoảng 12h đêm mình mới có lệnh rút quân. Thực sự là lúc đó rất mệt vì khói bụi và chạy lên chạy xuống bằng thang bộ nhiều nhưng rất vui vì biết rằng có hàng trăm người đã được giải cứu thành công".
Không hề nghĩ mình là người hùng
Nhắc đến chuyện cứu người , Tùng chỉ cười xòa và nói: "Có gì đâu, đó là công việc của mình. Mình chỉ là chàng hạ sĩ cần mẫn một chút thôi chứu không dám nhận là anh hùng gì cả. Trong suốt 2 năm nhập ngũ, mình đã tham gia cứu hỏa hơn 20 vụ và lần nào cũng sẵn sàng xông pha cả. Không chỉ lần này mà cả trước đó và sau này, mình vẫn sẽ hết lòng vì đó là công việc đem lại cho mình niềm vui và hạnh phúc".
Tùng kể, cấu sinh ra trong một gia đình bố và mẹ đều làm trong ngành quân đội nên từ nhỏ đã rất yêu màu quân phục của người lính. Lớn lên, Tùng theo học trường Cao đẳng kế toán Quân đội với ý định ban đầu là sẽ nối nghiệp công tác hậu cần của bố trong các doanh trại bộ đội. Thế nhưng không hiểu sao, khi kết thúc khóa học, tình yêu với nghề lính cứu hỏa bỗng bùng cháy trong lòng người trai trẻ. Thay vì theo nghề kế toán, cậu một mình đòi bố mẹ xin đi nghĩa vụ vào đơn vị PCCC.
Tùng (đứng giữa ở hàng phía trên) tham gia biểu diễn văn nghệ cùng đồng đội. Ảnh: NVCC.
"Bố mẹ mình không phản đối vì họ luôn bảo làm lính cứu hỏa nhàn lắm, quanh năm mới có vài vụ cháy lớn", Tùng nói. Thế nhưng, hơn ai hết, 9X này hiểu rõ, công việc của một người lính cứu hỏa chẳng hề đơn giản như thế. "Những lúc không có cháy thì đúng là cuộc sống của tụi lính chúng mình cũng trôi qua êm đềm nhưng hễ có chuyện gì xảy ra là phải lập tức lao đến, xông pha bất chấp nguy hiểm. Nghề này gian khổ và đặc biệt là phải luôn nêu cao tinh thần sẵn sàng tác chiến, sẵn sàng hy sinh".
Đối với Tùng, cụm từ "lính cứu hỏa" với cậu có một ý nghĩa rất to lớn. Không chỉ xem đó là một nghề mưu sinh, một trách nhiệm nào đó đè nặng lên đôi vai, Tùng luôn tâm niệm đó là công việc giúp ích cho người khác và đem lại niềm vui sống cho bản thân mỗi ngày.
Tùng được đồng đội và cấp trên đánh giá là người có nhiều tài lẻ, nhất là việc nấu ăn rất khéo tay. Ảnh: NVCC.
Mỗi sáng, Tùng đều dậy sớm để chuẩn bị bữa sáng cho anh em làm cùng đơn vị. Ảnh: Thu Hường.
Chàng trai trẻ cho biết, cậu rất hài lòng với cuộc sống ở đơn vị và xem đây như là một ngôi nhà thứ 2.
Tùng cho biết, cậu nhập ngũ theo nhĩa vụ quân sự và được phân công về phòng PCCC số 7 đã gần 2 năm trong khi đó, thời hạn để Tùng hoàn thành nhiệm vụ chỉ còn khoảng 1 năm nữa. Nói về dự tính tương lai, Tùng chia sẻ: "Mình rất mong muốn được gắn bó với nghề làm lính cứu hỏa này lâu thật lâu, mong được đơn vị giữ lại để tiếp tục công việc mà mình rất yêu thích".
Nhắc đến cuộc sống thường ngày, Tùng chia sẻ, mỗi ngày cậu dậy từ 5h30, sau khi hoàn thành những công việc cá nhân là lo chạy đến căng tin nấu ăn sáng cho các anh em trong đơn vị. "Căng tin nhỏ này hoạt động với mục đích gây quỹ riêng cho đoàn thanh niên do mình và 3 anh em khác phụ trách. Ở đơn vị, ngoài những lúc tham gia huấn luyện nghiệp vụ thì đối với mình, công việc nấu nướng cũng là một niềm vui không thể bỏ lơ".
Tùng nói, cậu rất thích cuộc sống ở đơn vị, coi phòng PCCC số 7 như một ngôi nhà thứ 2. "Nhịp sống và làm việc ở đây khá đều đặn nhưng khi có việc cần thì anh em lại sẵn sàng lao vào nhưu thiêu thân, làm việc khẩn trương, dồn dập. Mình rất thích điều đó và thấy học hỏi được nhiều điều khi ở trong quân ngũ".
Nói về Tùng, Trung tá Nguyễn Xuân Tuấn (Phó trưởng phòng cảnh sát PCCC số 7) chia sẻ: "Tùng là một chiến sĩ gương mẫu, tâm huyết với nghề lại có thêm biệt tài nấu ăn rất khéo léo. Ở đơn vị, cậu rất được anh em đồng đội quý mến. Chúng tôi hiện cũng đang tạo những điều kiện thử thách với hy vọng Tùng sẽ vượt qua và đồng hành cùng đơn vị lâu hơn".