Cùng sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, nhưng đôi vợ chồng Nguyễn Sơn Tùng (30 tuổi) – Chu Thu Thảo (30 tuổi) lại có những suy nghĩ khá “cởi mở” về ngày Tết. Khác với những gia đình gốc Hà thành khác, ngày Tết của Tùng và Thảo tuy vẫn có bữa cơm sum họp, những ngày đi dạo thong dong tại chợ hoa xuân, đi thăm hỏi họ hàng nhưng không nhất thiết phải ở nhà cho đến hết kỳ nghỉ Tết.
Kết hôn được 5 năm, nhưng ít ai biết rằng, ngay từ cái Tết đầu tiên hai vợ chồng đã rủ nhau lên đường đi du lịch. Tính đến nay, đã có 3 năm hai vợ chồng vắng nhà dịp Tết và luôn xác định sẽ duy trì thói quen này cho nhiều năm sau nữa.
Cuộc trò chuyện với vợ chồng Thu Thảo – Sơn Tùng diễn ra ngay trước thềm năm mới với những quan điểm vô cùng thú vị về chuyện ăn Tết “trên từng cây số”.
Sơn Tùng - Thu Thảo cùng có suy nghĩ khá thoáng về Tết.
Chào Thảo! Được biết thời điểm Thảo cưới cũng là cận kề năm mới, điều này có khiến bạn bị áp lực về việc chuẩn bị Tết ở nhà chồng không?
- Mình làm đám cưới vào tháng 12, tức là chỉ còn khoảng 2 tháng là đến Tết âm lịch. Trước khi cưới mình cũng có chuẩn bị tư tưởng những ngày Tết sắp tới, nhưng chỉ đơn giản nghĩ là mình sẽ có nhiều trách nhiệm hơn một chút thôi chứ hoàn toàn không cảm thấy bị áp lực về việc này.
Nhiều nàng dâu mới coi Tết đầu là một “cơn ác mộng”. Bạn có gặp phải vấn đề này?
- Từ trước khi kết hôn, mình luôn chủ trương quan điểm “sống thật” với nhà chồng, tức là có thế nào sẽ thể hiện như thế, không cố gồng mình để thể hiện mình là tuýp phụ nữ đảm đang, tháo vát việc gì cũng giỏi. Hai vợ chồng mình lại ở riêng từ ngay sau khi cưới nên sau khi lấy chồng thì cuộc sống của mình không nảy sinh nhiều vấn đề rắc rối lắm.
Không biết nhà khác thì thế nào, còn với nhà mình thì chuẩn bị Tết, đặc biệt là chuyện nấu nướng hoàn toàn không phải là áp lực. Bản thân mình thì thấy các cụ bây giờ cũng biết lớp trẻ bận rộn lại không khoái việc vào bếp, nên không quá khắt khe như trước, hiếm nhà bắt con dâu phải một mình chuẩn bị cả 3 bữa một ngày lắm. Như mình thì chỉ vào bếp và hỗ trợ mẹ là chính thôi.
Cái Tết đầu tiên ở nhà chồng của Thảo có gì đặc biệt không?
- Cũng khá bận rộn! Trước Tết thì vợ chồng dành riêng 1 ngày để dọn dẹp nhà cửa, đi chợ sắm Tết. Rồi thì cũng vào bếp giúp mẹ chồng nấu nướng, chuẩn bị cơm cúng Giao thừa và mùng Một… Cũng may là cả hai bên nội ngoại đều không quá cầu kỳ về Tết nên việc chuẩn bị cũng khá nhẹ nhàng.
Như các gia đình khác thì hai vợ chồng mình có khoảng 3 ngày cùng bố mẹ về quê thăm hỏi họ hàng. Trong đó nhà vợ thì về một quê, nhà chồng về 3 quê. Vì là Tết đầu tiên nên hai vợ chồng phải đi lại khá nhiều để chào hỏi mọi người, thành ra hơi vất vả. Còn lại thì mình vẫn thấy cái Tết đầu tiên khá là háo hức.
Vợ chồng Thảo - Tùng trong chuyến du lịch Trung Quốc cùng mẹ chồng
Được biết là vợ chồng bạn hay đi du lịch cùng nhau vào dịp Tết, tính đến nay đã có mấy cái Tết hai bạn không ở nhà rồi?
- Tính từ sau khi kết hôn đến giờ thì đã có 3/5 cái Tết hai vợ chồng mình đi du lịch. Năm đầu tiên, vợ chồng mình đi Hà Giang từ ngày mùng 5 Tết, năm thứ ba ăn Tết ở thành phố Hồ Chí Minh, năm thứ tư thì Trung Quốc. Còn năm nay bọn mình dự định sẽ đi Campuchia từ mùng 2 Tết.
Khi thông báo với gia đình là “chúng con sẽ không ăn Tết cùng cả nhà”, mọi người phản ứng lại ra sao? Có ai bị sốc vì quyết định này của hai bạn?
- Gần như là không, vì bố mẹ mình tôn trọng quyết định của con cái. Ngày Tết bố mẹ cũng không bắt buộc các con phải ở nhà cả mấy ngày. Thường là khi nghe con thông báo việc đi du lịch thì các cụ sẽ hỏi ngay là đi đâu và đi với ai, đi lại như thế nào…. tức là xót con đầu tiên. Còn nếu có lăn tăn thì chỉ là vấn đề liệu các con đi lại có được an toàn hay không thôi.
Từ ngày về làm dâu, mình cũng hay làm “công tác tư tưởng” cho bố mẹ chồng về chuyện sống nhiều hơn cho bản thân mình, tận hưởng cuộc sống nhiều hơn. Thành ra, hai cụ cũng bắt đầu có những thay đổi. Tết năm ngoái, mẹ chồng còn đi cùng vợ chồng mình trong chuyến du lịch Trung Quốc nữa kìa.
Với người Việt, Tết thường là dịp để mọi người trong gia đình sum vầy. Hai bạn không quan trọng việc Tết phải có mặt ở nhà hay là có suy nghĩ khác?
- Mình nghĩ đơn giản là xã hội hiện nay đã thay đổi, nên suy nghĩ của con người cũng dần khác đi. Giới trẻ vốn đã có quá nhiều sức ép, lo lắng về chuyện công việc hàng ngày, nên rất cần có những phút thư giãn, để cuộc sống thêm vui vẻ. Người lớn vẫn thường suy nghĩ là ngày Tết các con phải ở nhà, theo mình như thế cũng không còn hoàn toàn phù hợp nữa. Việc cả gia đình sum họp không nhất thiết phải là Tết mà còn rất nhiều dịp lễ, hay ngày cuối tuần khác. Miễn là tấm lòng luôn hướng về gia đình, luôn hướng về cội nguồn là được rồi.
Bữa cơm thân mật cùng gia đình chồng vào dịp Tết 2014.
Vợ chồng Thảo - Tùng đi chúc Tết bố mẹ vợ.
Đón Tết "trên từng cây số” như thế, hai vợ chồng có bao giờ bị trách móc hay hỏi khéo là “tại sao Tết mà không thấy mặt mũi hai đứa đâu?” bao giờ không? Bạn vun vén mọi công việc ra sao để không bị tiếng là chểnh mảng phận làm dâu con?
- Với mình thì miễn sao vẫn được lòng cả đôi bên, còn lại hai vợ chồng mình vẫn cố gắng sống theo đúng những gì mình thích và cảm thấy cần. Thực ra thì hai vợ chồng mình vẫn đón Giao thừa ở nhà, thường sẽ xuất phát vào ngày mùng 2 Tết, sau khi đã lo chu toàn xong tất cả mọi việc. Có thể có một năm nào chúng mình sẽ đón Giao thừa ở nước khác, nhưng vì gần như năm nào Tết dương lịch hai vợ chồng cũng đã đi du lịch rồi, mà Tết Âm lịch thì không phải nước nào cũng có, nên mình thấy đón Giao thừa ở nước mình vẫn cảm thấy thiêng liêng lắm.
Nếu năm nào dự định đi du lịch thì từ trước Tết hai vợ chồng sẽ cố gắng hoàn thành trách nhiệm của con cái với hai nhà, như dọn dẹp nhà cửa, mua bán đồ biếu, về quê quán thăm họ hàng… Hai bên nội ngoại cũng không cầu kỳ, không hay có thói quen mua tích trữ đồ ăn Tết.
Được biết bạn không ở cùng nhà chồng từ ngay sau đám cưới, chắc hẳn là việc chuẩn bị Tết cũng không quá nặng nề với bạn?
- Đúng thế. Cũng giống bố mẹ, việc đón Tết với mình cũng không quá cầu kỳ đâu. Nghỉ Tết từ hôm nào thì hai vợ chồng sẽ cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, đi chợ Tết mua sắm một số đồ trang trí. Sau đó sẽ trao đổi về việc mua gì biếu bố mẹ, để cùng nhau đi mua.
Hai bên nhà đều ở Hà Nội, chắc bạn không gặp áp lực về chuyện “ăn Tết nhà ai?” như nhiều cặp vợ chồng khác. Vậy còn khoản thăm hỏi, chúc tụng và biếu quà cho bố mẹ bên nội và ngoại thì sao?
- Thường thì ở nhà mình, bố mẹ hai bên sẽ thông báo trước là ăn ở nhà ai vào hôm nào. Ví dụ như ngày 30 ăn ở nhà nội, ngày mùng 1 ăn ở nhà ngoại, hai vợ chồng cứ đúng lịch là làm. Còn việc quà biếu thì trước dịp đó, mình hay hỏi: năm nay bố mẹ có thiếu gì không để các con đi mua? Rồi tùy vào đó để đi mua sắm, có thể là tặng hiện vật, có thể là tặng tiền. Về đồ ăn uống thì mình hay chuẩn bị một số loại đồ ăn nhẹ như bưởi, rượu vang, bánh quy tự làm… cho hai nhà.
Nhắc đến Tết, nhiều chị em không khỏi “méo mặt” vì những khoản chi cho quà cáp, mừng tuổi “khổng lồ”. Bạn thì sao?
- Chủ yếu là tấm lòng của con cái với bố mẹ thôi. Theo mình thì không nên quá đặt nặng, cũng không nên quên. Đôi khi giá trị hiện vật cũng không quan trọng bằng cách thể hiện đâu. Về những khoản chi cho Tết thì mình thường sẽ thảo luận với chồng xem năm nay hai vợ chồng nên mua gì biếu bố mẹ, anh ấy sẽ có ý kiến xem như vậy có hợp lý không rồi cùng nhau đi mua.
Gói bánh chưng...
... Và trang trí nhà cửa ngày Tết là hai việc quen thuộc mà Thảo thường làm vào dịp Tết.
Có vẻ như ngày Tết với bạn “nhẹ tựa lông hồng” vậy. Bạn có cảm thấy mình may mắn so với nhiều chị em khác, ít nhất cũng không phải xoay như chong chóng chỉ mong sao cho mấy ngày Tết qua nhanh?
- Mình không thấy đó là sự may mắn, mà đây là lựa chọn của mỗi người. Bản thân mình rất không đồng tình với việc phụ nữ tự đặt lên vai mình mọi gánh nặng. Đồng ý rằng đã là phụ nữ thì ai cũng có những nỗi lo chung về nhà cửa, gia đình nhưng các chị em thường tự nhận về mình tất cả công việc, tại sao lại không chia sẻ điều đó với chồng, con và mọi người trong nhà.
Ví dụ những ngày Tết, mình cho rằng nếu vợ đã nấu nướng rất mệt thì chồng cũng nên hỗ trợ, dù đó chỉ là hành động nhỏ như đứng phụ vợ dọn dẹp và rửa bát thôi. Ở nhà mình, dù là ngày thường hay ngày Tết thì việc dọn dẹp, trang trí nhà cửa là trách nhiệm của cả hai, chỉ là phần mình nhiều hơn thôi. Ngày Tết cũng vậy, công việc được phân chia để cả hai cùng làm, ví dụ vợ dọn dẹp thì chồng lau nhà chẳng hạn.
Có thể thấy bạn suy nghĩ rất thoáng về Tết cổ truyền. Bạn sẽ vẫn áp dụng cách “nghĩ thoáng” về Tết như hiện nay với các con mình sau này chứ?
- Đó là điều tất yếu của xã hội, con cái càng ngày sẽ sống độc lập hơn. Mình nghĩ rằng sau này có khi con mình sẽ ra ngoài sống tự lập ngay từ năm 18 tuổi nữa cơ. Tất nhiên, khi có con, mình cũng sẽ cố gắng truyền đạt cho con rằng gia đình luôn là nơi quan trọng, là nơi con luôn được yêu thương. Nhưng việc lựa chọn ăn Tết ở đâu và làm gì sẽ vẫn là quyết định của con cái và mình tôn trọng.
Hai vợ chồng cùng nhau đón Giao Thừa năm 2012.
Cũng giống như vợ, Sơn Tùng cũng có nhiều quan điểm khá tương đồng về việc đón Tết!
Vợ bạn có quan niệm khá thoáng về Tết: không nhất thiết phải đón Tết ở nhà. Bạn có ủng hộ quan điểm của cô ấy?
- Mình ủng hộ. Mình cũng muốn tranh thủ thư giãn vì được nghỉ Tết dài.
Đàn ông Việt Nam nhiều người coi trọng việc đón Tết ở nhà và phải là nhà nội. Bạn thì sao?
- Hai vợ chồng mình thường cố gắng sắp xếp để đón Tết ở cả hai nhà, ăn cơm cùng cả gia đình chồng và gia đình vợ luân phiên nhau. Vì thế nên vợ chồng hầu như không có xung đột về việc ăn ở nhà nội hay nhà ngoại.
Kết hôn 5 năm, trong đó đã có 3 cái Tết hai vợ chồng không ăn Tết ở nhà. Trong tương lai, vợ chồng bạn có ý định sẽ giữ thói quen này không?
- Trong tương lai gần, mình sẽ vẫn cố gắng giữ thói quen du lịch. Còn tương lai xa khi đã có con, hai vợ chồng sẽ phải sắp xếp và tính toán sao cho Tết vui mà vẫn ý nghĩa.
Xin cảm ơn hai bạn! Chúc hai bạn có một cái Tết ấm áp, vui vẻ!
beforeAfter('.before-after');