Đã hơn hai năm nay cứ tầm 6 rưỡi sáng là hàng xóm xung quanh thấy nhà bà Hoa (Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trở nên ồn ào với tiếng cười nói của trẻ con, dù bà chỉ có hai cô con gái và đều đã lập gia đình riêng. Chúng là những đứa cháu ngoại của bà. Bà Hoa đã về hưu nên bà nhận việc cho các cháu ăn uống và đưa đón chúng đi học giúp chị con gái lớn bận buôn bán ngoài chợ. Một phần bà cũng muốn có tiếng trẻ cho vui cửa vui nhà vì ông nhà bà đã mất.
Sau khi chở 2 đứa trẻ đến nhà bà ngoại cùng với đồ ăn sáng đã mua sẵn, con gái bà tất tả ra chợ dọn hàng luôn. Cũng từ lúc này bà Hoa trở lại cảnh một nách hai con như cái ngày nào. Bà chia sẻ: "Việc cho chúng ăn sáng rất vất vả, đứa lớn học lớp 1 ăn còn dễ dàng chứ thằng nhỏ mới hai tuổi thì quả là vấn đề. Nhiều hôm cho ăn xong xuôi rồi đến lúc chuẩn bị mặc quần áo đi học thì cháu lại nôn ra hết. Bà mất công, cháu thì mệt. Cuối cùng lại phải gửi thêm sữa nhờ cô giáo ở nhà trẻ cho uống, không thì sợ cháu đói".
Chiều đến người ta lại thấy bà trong bộ dạng phía trước một đứa trẻ ngồi trong lòng, phía sau một đứa ôm eo trên chiếc xe máy về nhà. Những ngày thứ 7, chủ nhật thì nhà bà chẳng khác gì một địa điểm trông trẻ tư khi 4 đứa cháu ngoại của bà tụ họp đông đủ. Đứa đòi uống sữa, đứa mới ăn cháo, đứa đòi ăn cơm khiến bà trở tay không kịp. Hàng xóm đi qua, người hiểu thì đùa vui: "Bà Hoa mới nhận trông trẻ à? Đúng là cháu bà nội tội bà ngoại". Có người không hiểu nói bà "ôm rơm rặm bụng", "Bà nội chúng nó ăn xong suốt ngày đi ‘buôn dưa lê’, mình tội gì cứ phải hứng lấy cho khổ".
Thực ra đâu phải bà muốn mua lấy cái vất vả vào thân khi tuổi của bà lẽ ra phải được nghỉ ngơi dưỡng già. "Thông gia họ không giúp con mình thì mình đành phải giúp con trông cháu thôi. Làm sao nhắm mắt làm ngơ khi con cháu mình khổ được", bà Hoa thật lòng chia sẻ.
Những ngày giáp Tết này, cửa hàng của con gái bà đông khách hơn, nhiều hôm 9 giờ tối khách vẫn đông nghịt. Muốn để con tranh thủ kiếm thêm ít tiền nuôi cháu, bà nhận luôn việc cho cháu ăn tối và cho cháu đi ngủ vì mẹ chúng về thì đã 10 giờ đêm. “Thôi thì ai có nói gì thì nói, con mình cháu mình thì phải thương thôi!”, bà Hoa tự an ủi bản thân.
Muốn để con tranh thủ kiếm thêm ít tiền nuôi cháu, bà nhận luôn việc cho cháu ăn tối và cho cháu đi ngủ vì mẹ chúng về thì đã 10 giờ đêm (Ảnh minh họa).
Cùng cảnh ngộ giống bà Hoa, bà Nga (Nam Định) cũng đã hơn một năm nay gắn bó với đứa cháu ngoại trên Hà Nội. Con gái và con rể bà sau khi cưới quyết định ở lại Hà Nội làm ăn. Lúc chị Hà con gái bà sắp sinh thì chồng phải đi công tác xa nên chị gọi điện về nhờ 2 bà lên trông nom cháu giúp chị. Vì nghĩ trong những ngày đầu mới sinh, mình còn mệt có mẹ đẻ ở bên sẽ nhờ vả dễ dàng hơn nên chị đã nhờ bà ngoại lên trông giúp cháu tháng đầu, bà nội tháng thứ hai. Cứ thế hai bà sẽ luân phiên nhau. Chẳng ngờ, việc ấy đã làm mẹ chồng chị phật ý.
Bà Nga lên chăm con dâu và cháu hết tháng đầu, muốn về xem nhà cửa thế nào nên bảo con gái gọi cho bà nội lên thay. Khi chị Hà gọi cho mẹ chồng thì bà đã khéo léo từ chối: "Bà ngoại trông cháu mát tay thế, một tháng mà cháu lên được hơn 1 kg, con cố gắng bảo bà ở lại trông cháu giúp. Mẹ ở nhà bận quá không lên được". Thương con một mình bà Nga đành ở lại chứ chẳng biết làm sao. Và từ lúc ấy bà thông gia cũng chẳng bao giờ nhắc đến chuyện sẽ lên bế đứa cháu đích tôn nữa dù con dâu và con trai đã nhiều lần nhờ vả.
Hết thai sản con gái đi làm, con rể đã về gần nhưng bà vẫn phải tiếp tục trông cháu. Một tháng tranh thủ hai ngày thứ bảy, chủ nhật bà về quê xem ông ở nhà sống thế nào, và cũng là để nghỉ ngơi một chút, suốt ngày đánh vật với cháu khiến bà sút đi mấy kg. Bà về hàng xóm qua chơi, thấy bà gầy hơn thì bảo: "Bà Nga lên Hà Nội chỉ ăn với trông cháu mà sao lại gầy đi thế? Vậy nên đừng có tưởng trông cháu mà sướng nhá". Bà không trả lời mà chỉ cười trừ.
Về nhà tưởng được nghỉ ngơi nào ngờ bà còn phải nghe biết bao nhiêu chuyện rát tai từ phía thông gia mà người ta nói lại: "Chị ấy chỉ muốn mẹ đẻ lên trông thôi chứ đâu cần mẹ chồng", "Con tôi vất vả phải đi làm tận miền Trung để lấy tiền nuôi mẹ con nhà bà ấy ăn không ngồi rồi", "Bà ấy thích bế cháu thì cứ để bà ấy bế, tôi chẳng tranh"... Bà Nga ứa nước mắt, định chẳng đi Hà Nội nữa nhưng sau khi được ông động viên bà lại đùm núm mớ rau, ít gạo lên với con, với cháu. "Con mình, cháu mình làm sao mà bỏ được!", đấy là câu ông dặn bà trước khi lên xe.
Mấy hôm nay bế cháu ra đường chơi thấy người ta đã bắt đầu sắm Tết mà bà thấp thỏm không yên. Bà lấy điện thoại gọi về cho ông và hỏi: “Năm nay vườn nhà có lá rong không, ông đã mua được gạo nếp ngon và đậu để gói bánh chưng chưa?”… Ở đầu máy bên kia, giọng ông sang sảng: “Bà cứ yên tâm ở đấy với cháu, ở nhà tôi lo được hết. Bà về chỉ việc ăn Tết, không phải lo gì cả”. Đúng thật, một năm nay bà đi bế cháu, ở nhà một tay ông chu toàn mọi việc, từ nhà cửa đến ruộng vườn rồi cúng giỗ… Bà ôm đứa cháu bé bỏng vào lòng và mắng yêu: “Vì cái thằng cún con này mà ông bà khổ đây”.
beforeAfter('.before-after'); Có thể bạn quan tâm: