Nhà văn VintageLover Khánh Phương |
Nhân dịp Ngày quốc tế phụ nữ 8/3, Thế Giới Trẻ đã có cuộc trò chuyện với nhà văn VintageLover Khánh Phương – người chuyên viết những câu chuyện tình, trong đó có cuốn sách "Đàn ông và những cuộc phiêu lưu tình ái” được xem là khá “bênh vực” đàn ông.
Chị coi ngày 8/3 là một ngày thế nào?
Ai cũng biết, ngày 8/3 là ngày hội của phụ nữ thế giới, đoàn kết đấu tranh để tự giải phóng, thực hiện quyền nam nữ bình đẳng. Ngoài ngày quốc tế 8/3, còn có nhiều ngày tháng tri ân phụ nữ. Theo tôi, đó là một ngày mà chị em xứng đáng được ân hưởng. Thế nhưng, tôi cũng có chút băn khoăn, nếu không muốn nói là e ngại khi chúng ta chưa có ngày nào dành cho đàn ông.
Cũng có khá nhiều người cho rằng: Trong 365 ngày thì 364 ngày còn lại đều là của đàn ông! Chị nghĩ sao về điều này?
Ca ngợi phụ nữ đương nhiên là chuẩn rồi nhưng thiết nghĩ, đàn ông cũng cần được đánh giá đúng về họ. Trời sinh ra đàn ông ko phải là để hưởng thụ như người ta thường nói “Đàn ông sướng!”. Đàn ông là trụ cột, là người được cho là mạnh mẽ, là phải có trách nhiệm với phái yếu. Thế nên, dù năng lực có hay ko, họ vẫn cứ mặc định trong xã hội là phái mạnh và buộc phải tìm cách lăn xả vào công cuộc kiếm tiền. Mà kiếm tiền chẳng bao giờ là đơn giản. Cộng với vấn đề tình cảm ko phải lúc nào cũng suôn sẻ, có nhiều lúc quá khó khăn trong sự giày vò, tâm trí đàn ông rối bời và muốn chạy trốn thực tại, muốn ẩn mình và muốn buông lơi. Thế rồi, họ chìm trong nỗi cô đơn bồng bềnh đâu đó. Nỗi cô đơn nhiều khi còn hơn cả một nỗi đau mà khó có ai hiểu được cho đàn ông trong tình cảnh này. Vậy thì không có lý do gì mà “gạt” đàn ông ra khỏi quỹ đạo “cần được tôn vinh”.
Trên thế giới, họ có ngày Quốc tế Nam giới. Đó là một sự kiện quốc tế được tổ chức vào ngày 19/11 được bắt đầu vào năm 1999.Đến nay, Ngày Quốc tế Nam giới đã được 70 quốc gia công nhận. Mục đích của Ngày Quốc tế Nam giới là tập trung vào sức khoẻ của nam giới và trẻ em nam, cải thiện quan hệ giữa các giới, thúc đẩy bình đẳng giới và làm nổi bật vai trò của nam giới.
Khi nói về bình đẳng giới, thường chúng ta có xu hướng cho rằng phụ nữ là nạn nhân của tình trạng bất bình đẳng, nam giới là thủ phạm, bởi vậy các giải pháp cho vấn đề bình đẳng giới thường chỉ tập trung vào việc giúp đỡ phụ nữ và bé gái.Tuy nhiên trong thực tế, vấn đề bình đẳng giới không đơn thuần như vậy.
Điều gì cũng cần phải có cái nhìn bao quát và nếu cứ chỉ chăm chăm tôn vinh một phái thôi thì e rằng phái còn lại sẽ “ngậm ngùi”. Tôi nhớ hồi còn du học, vào tháng 11, đàn ông châu Âu có người khi đó không cạo râu hoặc mặc váy truyền thống, quần lụng thụng để tuyên truyền về những vấn đề mà đàn ông đang gánh chịu. Tôi cũng nhớ trong một cuộc hội thảo tại Thụy Điển về các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, trong đó có nêu con số thống kê, có tới hai phần ba các cuộc tự sát là đàn ông, có tới hai phần ba các cuộc xâm phạm tình dục cũng là đàn ông nhưng lại có con số vô cùng ít ỏi được chính thức lên tiếng.
Các nước phương Tây lên tiếng đòi quyền lợi của đàn ông nhiều năm qua và ngay cả ở Việt Nam, hễ cứ gần ngày 8/3, ngày 20/10, ngày Lễ Tình nhân…. Là đàn ông với nhau họ lại xới lên vấn đề này “sao không có ngày của đàn ông nhỉ, trong khi đó phụ nữ có các loại ngày?”Đôi khi những lời họ nói chỉ là đùa thôi nhưng thực tế, trong lời nói đùa ấy đã bao hàm một ý xót xa mà bản thân họ chưa đủ mạnh để dấy lên thành phong trào.
Bởi thế, tôi cho rằng Việt Nam cần sớm tham gia phê chuẩn Ngày Quốc tế Nam giới vì sự bình đẳng giới theo đúng nghĩa.
Ý chị là đàn ông cũng nên có ngày dành cho họ và “cần được tôn vinh” ?
Thật ra dùng từ “tôn vinh” hơi to tát chứ đó chỉ là một dịp mà chúng ta nhìn nhận lại vai trò của đàn ông. “Tôn vinh” ở đây không phải đưa họ lên cao, tâng bốc họ, để họ mặc sức tung hoành, kiêu ngạo, huyênh hoang. Hoàn toàn không phải như vậy.
Mà “tôn vinh” ở đây có nghĩa, rằng nhận định và đánh giá theo đúng bản chất của họ, thấu hiểu về bản năng “trời sinh ra” đàn ông là như thế, nên cần có cái nhìn thông cảm và khích lệ họ. Chứ không phải cứ khăng khăng cho rằng họ là đàn ông thì buộc họ phải gồng mình quá cả khả năng và sức mà họ vốn có. Cũng đừng nhân danh cho họ là phái mạnh nên những tâm tư, nỗi khổ, thậm chí uất ức là cứ phải “ngậm đắng nuốt cay”, “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Để rồi một ngày nào đó, “già néo đứt dây” hay “tức nước vỡ bờ”, họ phải tìm khuây giải vào những tệ nạn tiêu cực như nghiện ngập và trầm cảm hoặc tự sát là con số đã được thống kê.
Đấy là một dịp để đàn ông được bộc bạch nỗi lòng của họ.Nếu anh ta được hiểu hơn, được là chính anh ta như bản chất vốn có, được yếu mềm khi yếu đuối, được chia sẻ khi cần cảm thông thì anh ta trước hết không bị mặc cảm tự ti. Sau đó tự bản thân anh ta sẽ sống thoải mái hơn và tử tế hơn với người xung quanh. Chỉ khi anh ta thoải mái, hạnh phúcthì mới có khả năng chăm sóc tốt cho người thân. Gia đình hạnh phúc thì xã hội hạnh phúc. Chính vì thế, tôi mong muốn có một ngày dành cho đàn ông tại Việt Nam cũng như 70 nước quốc tế đã phê chuẩn.
|
Để viết cuốn sách “Đàn ông và những cuộc phiêu lưu tình ái”, tôi đã có cuộc phỏng vấn chuyên sâu khá nhiều đàn ông ở nhiều cấp độ, qua nhiều năm tích lũy mới đúc kết được điều ấy. Trong đó, có lần đàn ông tâm sự trong chua xót “Vâng, tự hào lắm khi là trụ cột nên đâu dám mở miệng kêu than mỗi khi khốn khó. Vì cuộc sống có lúc đẩy tôi đến mức đường cùng, kiệt quệ nhưng vẫn phải văng ra đường để kiếm tiền, có lúc nhục nhã với thiên hạ, mà đúng dịp 8/3 không có quà cho vợ, cô ấy không lên tiếng đòi hỏi một cách công khai nhưng mà gián tiếp cạnh khóe đồng nghiệp chị em khoe này khoe nọ, chồng người ta này nọ… Lúc ấy, tôi chỉ muốn “quẳng mẹ nó vợ với chả con đi cho rồi. Ức nổ cổ mà phải cố nhịn, đi nhanh ra khỏi nhà, đến một quán rượu đến nửa đêm mới về… Tôi thấy làm thằng đàn ông khổ thì có…”
Kể chuyện đó ra để thấy được rằng, nếu khi được đặt đúng ở vị trí, được đánh giá đúng, được khích lệ kịp thời, không riêng gì phái nào, người ta cũng sẽ cảm thấy tâm hồn được vuốt ve, điều tồi tệ từ đó sẽ được giảm nhẹ và đẩy lùi.
Chị có cho rằng: Phụ nữ Việt cần phải thông cảm, thấu hiểu và dịu dàng hơn với đàn ông?
Không hẳn như vậy, tôi không có ý đó. Tôi không ru ngủ phụ nữ rằng cứ chịu đựng đi “một điều nhịn chín điều lành”, hoặc là “cứ sống thánh thiện đi, chịu thiệt đi” rồi thì mọi việc sẽ tốt đẹp. Điều đó tốt nhưng không còn đúng với thời đại ngày nay nữa đâu.
Bởi vì, nếu cứ “hiền lành ngoan ngoãn như thỏ non”, cứ “tha thứ nhân từ như Bụt” mỗi khi đàn ông mắc lỗi thì khác nào trút thêm gánh nặng vô hình cho phụ nữ. Vai trò của phụ nữ, đặc biệt phụ nữ Việt Nam vốn đã nặng nề rồi, giờ mà lại nói họ tiếp tục “hiền ngoan” kiểu ấy thì khác nào đẩy họ vào khoảng cách xa vời vợi so với phụ nữ tiến bộ thế giới.
Điều tôi muốn nói ở đây là phụ nữ hãy nhìn nhận đàn ông như đúng bản chất của họ. Nghĩa là có mặt tốt, mặt xấu, có lúc này lúc khác, có lúc cũng yếu đuối và suy cạn năng lượng nên đừng áp đặt cho họ những chuẩn mực “đàn ông phải là thế này, đàn ông phải là thế kia”. Đừng hy vọng đàn ông sẽ là “bầu trời” che chở được mọi vấn đề của gia đình, đừng khoác lên họ trách nhiệm giời ơi đất hỡi nào đó. Đừng so sánh “đàn ông nhà” với “đàn ông hàng xóm”. Đừng vẽ họ thành một “vệ sỹ” to cao đẹp trai cơ bắp như Robinson để rồi khi họ cũng bị “xuống cấp” theo quy luật thì chê bai cạnh khóe….
Tôi có người bạn Thái Lan hiện đang làm chuyên gia cho WWF, chồng cô ấy kể từ khi cưới chưa bao giờ đi làm, mà ở nhà trông con, đưa chúng đi học, dạy học ở nhà. Anh ta không phải không xin được việc làm mà vì xác định sống ở Băng Cốc – một trung tâm nhộn nhịp huyên náo mà vợ lại hay đi công tác xa nhà, nếu chồng cũng suốt ngày đi làm thì con cái rất khó khăn. Bọn trẻ nghe lời bố hơn. Thế là hai người bàn nhau, để vợ đi làm và chồng ở nhà đảm nhiệm. Cô bạn tôi hài lòng, thậm chí rất mãn nguyện khi nói về anh chồng kia “tôi quá may mắn có chồng như vậy, không mong ước gì hơn”, không một chút mảy may cạnh khóe hay dè bỉu việc làm của chồng. Đó là điều mà tôi dám chắc ở Việt Nam, nếu như vậy là anh chồng kia sẽ bị lên án là “bám váy vợ” hay “yếu đuối như đàn bà”…
Thật ra, khi chúng ta đặt đàn ông lên một vị trí cao hơn cái mà họ đang có khả năng thì vô tình tự chúng ta làm bản thân thất vọng tại một thời điểm nào đó. Đàn ông có phải là thánh đâu mà lúc nào cũng kỳ vọng họ phong độ như lúc ta mới gặp, cũng như phụ nữ làm sao mãi xinh đẹp như thuở đôi mươi. Bớt kỳ vọng thì sẽ bớt thất vọng. Bớt áp đặt thì sẽ bớt gánh nặng cho đàn ông. Cái này phải xuất phát từ trong thâm tâm nên có thể sẽ gặp khó khăn với thay đổi quan niệm nhưng giờ đã là quá muộn rồi, so với xu thế chung.
Bạn đọc có những câu chuyện, hình ảnh ý nghĩa phù hợp với chuyên mục Sống Trẻ, Guu của thegioitre.vn muốn chia sẻ tới cộng đồng, có thể gửi về hòm thư: dongvu@infonet.vn hoặc điện thoại 097.4569.097 (Đông Vũ).