Chị Thu (Liên Chiểu, Đà Nẵng) và chồng sống cùng bố mẹ chồng từ khi chị bắt đầu về làm dâu đến nay, tính ra cũng được gần 3 năm. Mới đầu, có lẽ cả mẹ chồng và nàng dâu đều còn khách sáo với nhau, nên có gì không vừa lòng cũng đều để trong bụng. Nhưng sống với nhau lâu, nhất là từ khi chị Thu sinh bé đầu lòng thì những va chạm đã nhiều lên.
“Thực ra vấn đề va chạm giữa mẹ chồng nàng dâu, bản thân mình nghĩ, cũng là khá bình thường. Mình nghĩ, trừ phi mẹ chồng quá vô lí, còn lại mình là phận con, cũng không nên thi gan giận dỗi với bà, mà nên là người chủ động làm lành trước. Trong trường hợp của mình, nếu chỉ là một vài bất đồng nhỏ thì chỉ cần sau đó mình chủ động nói chuyện bình thường, mẹ chồng cũng tự hiểu đó là mình làm lành và cũng cho qua. Nhưng có vài lần, những xung đột lớn hơn thì mình đã phải tung tuyệt chiêu mới khiến tình hình dịu bớt và khiến mẹ chồng hết giận” - chị Thu tâm sự.
Chị Thu kể, có khi mẹ con chị giận nhau, chị đã chủ động nói chuyện nhưng mẹ chồng vẫn làm mặt lạnh không thèm đáp lời, hoặc có thì cũng chỉ là vài từ cụt lủn như “ừ, có, không” khiến không khí gia đình rất nặng nề. Những lúc như thế, chị Thu vẫn không nản, vẫn trò chuyện với bà cho dù là độc thoại. Nhưng chị cũng lưu tâm hơn đến chủ đề mình nói ra. Chị thường kể những chuyện vui vẻ, về cháu nội của bà và về chồng chị. Có lẽ đây là những chủ đề mà bà rất quan tâm, vì thế chị luôn thành công trong vấn đề thu hút sự chú ý của bà. Nghe những câu chuyện vui cười chị kể, bà cũng phải phì cười, từ đó mà bớt giận chị đi.
Chị thường kể những chuyện vui vẻ, về cháu nội của bà và về chồng chị (Ảnh minh họa).
“Mình cũng thể hiện sự quan tâm chu đáo đến chồng mình, cố gắng để cho bà thấy tận mắt. Của đáng tội, mẹ chồng cũng là một người mẹ như mình, một người phụ nữ, nên khi thấy con cháu mình được chăm chút, yêu thương thì sẽ rất vui, bà sẽ quên phắt cái cảm giác tức tối con dâu luôn, nhận ra rằng con dâu của mình cũng có điểm tốt” - bà mẹ trẻ này tủm tỉm chia sẻ.
Khi tình hình đã dịu bớt, tâm trạng và thái độ với con dâu đã tốt hơn, mọi việc gần trở lại bình thường thì lúc này chị Thu mới làm những việc liên quan trực tiếp đến bà như: đấm bóp cho bà đỡ mỏi, làm đỡ cho bà việc gì đó, mua và nấu cho bà món ăn bà thích, ca ngợi công sức của bà trước mặt con và chồng. “Sở dĩ mình phải đi đường vòng như thế, là bởi vì đương lúc bà giận dữ lại lao vào lấy lòng bà, chăm chút cho bà thì có khi chỉ phản tác dụng mà thôi” - chị Thu đúc rút kinh nghiệm.
Chị Thu cũng chia sẻ thêm, điều quan trọng là phải làm mọi việc 1 cách chân thành, tự nhiên và thiện chí, không màu mè, khách sáo, đãi bôi, bởi giả dối thì dễ dàng bị người khác phát hiện ra ngay. “3 năm làm dâu, sống chung với mẹ chồng, mình luôn cố gắng hạn chế hết mức những xung đột lớn, nhưng nếu chẳng may có va chạm xảy ra, mình đều áp dụng như trên và luôn thành công mỹ mãn” - chị Thu cười tươi rói thổ lộ.
Chị Uyên (Lê Chân, Hải Phòng) cũng là một người con dâu có những bí quyết khá tài tình để làm lành với mẹ chồng vào lúc chẳng may mẹ con “cơm không lành canh không ngọt”. Chị bảo, cho dù là người khéo léo đến đâu thì sống chung lâu ngày cũng không thể tránh khỏi những cãi vã, và trong 7 năm đi làm dâu của mình, chị và mẹ chồng cũng nhiều lần rơi vào trường hợp như thế, nhưng lần nào chị cũng tháo bỏ được mâu thuẫn một cách suôn sẻ.
“Nhiều người khuyên mình nếu có xung đột với mẹ chồng thì cứ kệ thôi, rồi bà cũng tự nguôi ngoai và mọi thứ lại trở lại bình thường. Nhưng mình nghĩ, càng để lâu, thờ ơ thì tình cảm sẽ càng mất dần. Nếu mình có chút gì đó gọi là hối lỗi và thể hiện thiện chí giảng hòa thì vẫn tốt hơn. Tránh voi chả xấu mặt nào, mẹ chồng - nàng dâu không hòa thuận thì chồng mình, con mình cũng bị ảnh hưởng lây mà” - chị Uyên bày tỏ suy nghĩ của mình.
Chị Uyên sẽ liệu tình hình để rủ bà đi chợ, đi mua sắm hoặc lựa lúc nào có 2 mẹ con để tỉ tê với bà (Ảnh minh họa).
Chị cũng nói rằng, mỗi khi có xung đột dẫn đến “chiến tranh lạnh” giữa mẹ chồng và nàng dâu, nếu nàng dâu sau đó chẳng làm gì, không hề có động thái hàn gắn nào, hoặc nàng dâu quá vồ vập, sốt sắng trong chuyện làm lành cũng đều không nên. Không có thiện chí thì các bà có khi lại nghĩ mình là kẻ luôn cho rằng mình đúng, bất cần, ngang ngược, còn nếu quá nồng nhiệt thì có khi lại bị đánh giá là giả tạo, mồm mép leo lẻo, làm gì có chuyện vừa chiến tranh xong đã quay ngoắt lại thân thiện, gần gũi như thế được.
“Khi độ nóng của ‘chiến tranh’ vẫn còn, mình thường không cố gắng để chuyện trò với mẹ chồng, không nóng vội muốn làm thân lại với bà, nhưng trong nhà, mình luôn giữ thái độ vui vẻ với mọi người, không lầm lì, cau có. Mình thoải mái như không hề có chuyện gì xảy ra, như chưa hề giận mẹ chồng. Và mình cũng vẫn quan tâm đến mẹ chồng nhưng theo cách gián tiếp. Ví dụ, mình xả sẵn bồn nước nóng nhưng không trực tiếp gọi bà đi tắm như mọi lần mà nhờ chồng hoặc con gọi giúp, mình cũng cố gắng đi làm về sớm, mua đồ nấu những món ăn bà thích. Có phim nào hay mình liền mua 1 cặp vé nhưng đưa cho bố chồng và nói ông rủ bà đi xem, mà bố chồng mình thì rất tâm lí, khi đi xem phim thể nào cũng nói tốt cho mình mấy câu” - chị Uyên chia sẻ tuyệt chiêu làm lành với mẹ chồng một cách âm thầm, gián tiếp của mình.
Chị Uyên cho hay, chị cũng chọn những lúc nhà có khách, hoặc chị có bạn bè đến chơi để khen mẹ chồng với họ. Mẹ chồng chị nghe thấy, mặc dù ngoài mặt không tỏ vẻ gì nhưng ắt hẳn trong lòng rất vui. Với những gì chị thể hiện, mẹ chồng cũng ngầm hiểu rằng chị không còn giận bà nữa và luôn có thiện chí muốn cải thiện tình hình. Dần dà vài ngày sau, khi cơn giận của bà được thời gian và những hành động của chị xoa dịu, chị Uyên sẽ liệu tình hình để rủ bà đi chợ, đi mua sắm hoặc lựa lúc nào có 2 mẹ con để tỉ tê với bà, nói rằng về chuyện hôm đó là chị đã không đúng, lần sau chị sẽ rút kinh nghiệm, mong bà thứ lỗi.
“Và chưa lần nào, lời xin lỗi của mình không được bà chấp nhận một cách vui vẻ cả!” - chị Uyên tự hào nói.
beforeAfter('.before-after'); Có thể bạn quan tâm: