Câu chuyện của Chi Anh giống như một giấc mơ có thật với các bạn trẻ khởi nghiệp, một giấc mơ có cả sự liều lĩnh và can đảm, cả những đam mê và mong muốn rất nhân bản.
1. Tôi vẫn còn nhớ ngày đầu tiên gặp Chi Anh, một ngày đầu năm mới rất lạnh. Khi ấy, Kitchen Art mới mở được vài tháng và nhân sự chưa có nhiều. Tôi có vài người bạn làm việc cùng với cô, và chúng tôi cùng đi chơi trong buổi tối ngày Tết ấy. Lang thang rất lâu ngoài phố, chúng tôi quyết định về “đại bản doanh” của Kitchen Art. Ở trên tầng 2 với khung cửa sổ nhìn thẳng ra Hồ Tây là một căn phòng ấm áp. Chi Anh quyết định tự tay làm món bánh chocolate ở trong những cốc sứ ramekin nhỏ. Bánh nóng, thơm và ngon tuyệt, đến nỗi tôi cứ sợ cô ấy sẽ nghĩ tôi là một đứa tham ăn vì đã ních hết chiếc bánh to nhất.
Cho đến bây giờ nghĩ lại, ấn tượng của tôi về Chi Anh vẫn vậy. Một cô gái đã… không còn quá trẻ (ở tuổi của Chi Anh, chị tôi đã có 2 con), nhưng khi nói chuyện, bạn sẽ muốn ôm chặt vào lòng vì Chi Anh quá đỗi dễ thương và ngọt ngào. Cô ấy có một tủ đồ hoạt hình đáng yêu (tôi vẫn còn nhớ chiếc áo in hình xì trum và quả dâu tây) , nụ cười vô cùng sống động và lúc nào cũng trong trạng thái vui vẻ, phấn khích hết sức. Sống và làm việc ở nước ngoài từ nhỏ, thế nên đôi khi Chi Anh sẽ khiến bạn mỉm cười vì một vài thắc mắc kiểu như: “Có câu tục ngữ gì nói về chuyện này ý nhỉ? Cái gì mà… À.. à.. đúng rồi đó”.
2. Trái ngược những lúc đi chơi cùng bạn bè, với lối nói chuyện “treo ngược cành cây” hết sức dễ mến - Chi Anh trong công việc là một kiểu “bà hoàng quyết liệt”. Ở Chi Anh là sự tổng hoà thú vị giữa nụ cười ấm áp và tình yêu bếp núc của Nigella Lawson, sự đanh thép, quyết liệt của Martha Stewart và những trăn trở về dinh dưỡng, về ẩm thực rất thực tế như Jamie Oliver. (Cả 3 đều là những tác giả cookbook, đầu bếp nổi tiếng trên truyền hình). Đùng một cái, cô gái đang sở hữu vị trí tuyệt vời ở một tập đoàn điện tử tại Singapore quyết định bỏ ngang để về nước theo đuổi ngành ẩm thực. Đó là một quyết định thật sự điên rồ ở thời điểm đó, bởi nhắc đến việc khởi nghiệp và kiếm tiền ở Việt Nam, người ta sẽ không khuyên bạn đi làm ẩm thực. Chẳng ai nghĩ rằng mình sẽ cần đọc công thức nấu ăn trên mạng, bởi những công thức gia truyền từ mẹ, từ bà vốn đã quá tuyệt vời khiến ta ngờ vực tất cả. Hơn nữa, cooking show ở Việt Nam vốn khá… nghèo nàn và không có nhiều màu sắc, lại thêm việc kinh doanh đồ bếp nhập khẩu vốn là một lĩnh vực quá đỗi đắt đỏ với người tiêu dùng. 3 cái khó, và Kitchen Art mở ra tập trung vào đúng 3 cái khó đấy.
Chi Anh và chồng.
Bằng một niềm tin và sự lạc quan khó hiểu, Chi Anh cứ thế dấn thân vào con đường mình lựa chọn một cách không hề sợ sệt. Một sự liều lĩnh chúng ta thường không tìm thấy ngay cả ở những người giàu kinh nghiệm, những lão làng kinh doanh. Vậy mà một cô gái trẻ như Chi Anh lại chẳng coi đấy là một điều đáng sợ. Ngược lại, Chi Anh làm từ từ từng bước một và cô đã chứng tỏ là mình làm đúng. Kitchen Art nhận được sự chú ý mạnh mẽ khi Chi Anh cùng cộng sự đầu tư tuyệt đối vào hình ảnh. Những bức hình chụp công thức, món ăn đẹp long lanh với lối trình bày mà ta chỉ thường thấy trên Pinterest khiến người ta không thể không click vào. Thậm chí, sau Kitchen Art, khái niệm food stylist và food photography mới được biết đến rộng rãi ở Việt Nam.
The Kafe mở cửa như một bước tiến hiển nhiên của Kitchen Art, nó không nằm trong những gì người ta đoán trước, nhưng khi Chi Anh công bố về sự xuất hiện của The Kafe, tất cả đều à lên một tiếng kiểu như: "Đúng vậy, rõ ràng là phải mở rồi!". Với tất cả những hình ảnh long lanh đã làm nên thương hiệu của Chi Anh và Kitchen Art, The Kafe ra đời với sự quan tâm đặc biệt và niềm tin vốn đã được xây đắp từ trước. Ngay trong tuần lễ nếm đầu tiên, The Kafe đã kín chỗ và liên tục sau đó khoảng vài tháng, bất cứ ai muốn đến đây dùng bữa tối đều phải có thói quen gọi điện đặt bàn trước. Instagram ngập tràn hình ảnh của The Kafe và dường như nếu muốn chứng tỏ mình sành điệu, tốt hơn hết bạn nên có một bức ảnh chụp khay bánh, ly trà ở trên chiếc bàn lát đá với bình hoa cúc ở quán cafe này.
Đó là câu chuyện của 2 năm trước. Câu chuyện của những ngày tháng sau đó cho đến bây giờ, tất cả chúng ta đều đã biết.
3. Sau lần gặp gỡ đầu tiên, tôi đã luôn nghĩ rằng mình sẽ gặp lại Chi Anh cho một bài phỏng vấn. Quả đúng là như vậy. Chỉ hơn 1 năm sau, chúng tôi cùng ngồi trong The Kafe của cô, lúc ấy Chi Anh chia sẻ những câu chuyện về quyết định khởi nghiệp của mình. Nhưng điều khiến tôi không ngờ, đó là cũng hơn 1 năm sau, tôi lại "phải" gặp Chi Anh thêm một lần nữa, lần này là để phỏng vấn câu chuyện về trang trại The Kafe Farm với mô hình Farm to table, rồi sự ra đời của The Kafe Box (lúc đấy tôi hoàn toàn không có khái niệm rằng chỉ trong nửa năm sau, nó sẽ trở thành một chuỗi cafe bành trướng khắp Hà Nội), và thậm chí là câu chuyện về đám cưới của cô.
Cả 2 lần phỏng vấn, cộng với tất cả những thân tình và các cuộc nói chuyện của chúng tôi, đều đưa tôi đến một kết luận rằng: Đây chính là hình mẫu tuyệt vời cho các cô gái hiện đại hướng tới. Chi Anh không ngại bước lên phía trước, nói tạm biệt với cuộc sống ổn định và dấn thân vào một cuộc phiêu lưu mà có lẽ chính cô cũng không biết rằng sẽ đưa mình đến đâu. Chi Anh cũng không sợ hãi khi trở thành người đứng đầu, cô tự tin vào những gì mình có và sẵn sàng đi đến cùng một khi cô đã tin điều mình đang làm là đúng. Và đó là một tinh thần tuyệt vời, một sự quyết liệt mà bất cứ cô gái trẻ nào cũng nên trang bị cho mình. Không chỉ là can đảm để theo đuổi ước mơ, mà còn là can đảm dẫn đầu, can đảm trở thành một người phụ nữ mạnh mẽ và dám sống với đam mê, dự định của mình.
Ở Chi Anh, bạn có thể cảm nhận được rõ ràng nhất tình yêu ẩm thực và những dự định tuyệt vời cô đang ấp ủ - chỉ bằng việc nhìn vào ánh mắt lấp lánh và giọng nói đầy phấn khích. Nhưng Chi Anh đơn giản là có thêm tinh thần "không thể dừng lại". Kiểu như khi đạt được một dấu mốc, một chặng đích, cô ấy sẽ tận hưởng cảm giác chiến thắng một chút rồi nói: "Ồ! Ra là như vậy! Thật tuyệt khi ta đang ở đây. Nhưng nếu ta bước thêm một bước rồi chạy về phía trước thì sao nhỉ? Không! Chắc chắn ta sẽ phải làm như vậy rồi". Một sự cầu tiến và mạo hiểm khó tìm được ở một nhà kinh doanh khôn ngoan, nhưng lại có thừa ở một người phụ nữ đầy đam mê và sáng tạo.
Sau khi tin tức về 5,5 triệu đô Chi Anh mang về khi trở lại từ vòng gọi vốn đầu tiên, người ta bắt đầu nhắc đến Chi Anh bằng một sự say sưa và thán phục đặc biệt. Bởi những điều Chi Anh làm được là một thứ kiểu như "hiện tượng". Người ta quen hơn với việc những doanh nghiệp lớn, những công ty hàng đầu xuất hiện trên mặt báo với dòng tít như vậy, chứ không phải một cô gái với nụ cười như trẻ con và công ty vừa mới thành lập vài năm, chuyên về... ẩm thực và nhà hàng. Câu chuyện của Chi Anh giống như một giấc mơ có thật với các bạn trẻ khởi nghiệp, một giấc mơ có cả sự liều lĩnh và can đảm, cả những đam mê và mong muốn rất nhân bản.
Nhưng điều lớn lao nhất mà Chi Anh khiến chúng ta nhận ra, có lẽ là bài học về niềm tin. Rằng đôi khi, "niềm tin" của bạn là một cái gì đó thật sự mơ hồ và khó nắm bắt, nhưng chỉ cần niềm tin đó đủ to lớn, nó sẽ thôi thúc bạn tiến về phía trước. Niềm tin mãnh liệt đó có lẽ cũng là những gì mà các bạn trẻ khởi nghiệp cần nhất, rằng đôi khi, trong thời khắc bạn muốn bỏ cuộc, hãy cứ tin vào con đường mà mình đã chọn. Một con đường bấp bênh và chông gai, nhưng trái tim bạn sẽ nhức nhối nếu không thể bước đi trên con đường ấy.