Nó ở trọ chung cư này đến nay là gần một năm. Nhà không phải của nó mà là của dì dượng nó đi nước ngoài để cho nó ở giữ nhà, sẵn tiện đi học. Đã không phải nhà của mình nên nó không quan tâm đến câu bán anh em xa mua láng giềng gần mà ba má nó hay nói, chỉ nhớ lời dặn của dì dượng: “Trên thành phố này nhà ai nấy ở, chuyện ai nấy làm. Con đừng tò mò chuyện của người khác mà tự gây phiền phức cho mình. Có khi còn mang họa vào thân”. Thế nên đi học thì thôi, về nhà thì nó đóng cửa chui tọt vào phòng. Chẳng qua lại, thăm nom chào hỏi ai như ở dưới quê nhà nó, đi chục mét lại gặp một người quen, chưa kịp gật đầu chào đã nghe hỏi thăm về nó, ba má nó có trúng lúa không, bà nó đau chân hết chưa…
Miệng không được mở nhưng mắt thì cứ vô tư. Nó vẫn luôn để ý thấy mấy cái bồn hoa ở dưới đất lúc ban đầu thì được trồng hoa nhưng sau một thời gian không chăm bón, đám hoa kia không nở hoa thì có ai đó “vô tình” gieo cải chung vào. Và khi đám cải đó đủ lớn để thành một dĩa rau xanh thì tuổi thọ của nó cũng dứt. Đám cải đó biến mất để rồi tuần sau lại nhú lên một đám cải con mới.
Nó cũng liếc con mắt bên trái để thấy nhà bên trái là của 2 vợ chồng hưu trí sống cùng cô con gái lớn tuổi mặt khó đăm đăm. Sáng sáng, sau khi đi tập thể dục về lúc nào ông cũng đi trước, bà đi chậm chậm phía sau như 2 người xa lạ. Nhưng nhà mà nó tò mò nhất lại là căn nhà đối diện. Nhà gì như nhà trẻ. Trước nhà chủ nhà vẽ hình một con chó đốm con bụ bẫm, như cái đám chó trong phim 101 con chó đốm, lăn trên bãi cỏ xanh rì và trên trời là chùm bong bóng xanh đỏ tím hồng. Nó chỉ thấy chủ nhà thoáng qua vài ba lần vào những buổi sáng nó không đi học. Khi anh này mở cửa sắt ra, nó luôn thấy 2 đôi dép đi trong nhà để ngay ngắn trước cửa. Một đôi dép lông hồng có hình con thỏ và một đôi dép lông khác màu trắng của nam. Người này ra vào nhanh chóng nên nó chỉ thoáng thấy được có chừng đó.
Chỉ thấy được bấy nhiêu nhưng nó nghĩ đôi vợ chồng này chắc hẳn hạnh phúc và nề nếp, ngăn nắp lắm. Nó đâm ra tò mò, muốn được thấy mặt người vợ, chủ nhân của đôi dép con thỏ nọ. Chắc hẳn phải là một phụ nữ vui vẻ, dễ mến hơn anh chồng mặt nghiêm và có vẻ gì đó xa cách, lặng lẽ như một cái bóng. Cũng đôi lần về sớm, rảnh rang, nó cố ý đi lên xuống chung cư vài bận để mong khi lên sẽ gặp được người phụ nữ hàng xóm ở căn hộ đối diện nhưng hoài công.
Rảnh rỗi, nó lên mạng tìm đọc lại bài thơ Đôi dép mà nó nhớ có lần mình đã đọc.
Hai mảnh đời thầm lặng bước song song
Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc
Chỉ còn một là không còn gì hết
Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia
Thỉnh thoảng nó vẫn nhìn sang nhà bên hàng xóm để xem số phận của đôi dép kia cùng anh hàng xóm nửa hồn thương đau nọ (Ảnh minh họa).
Ừ, phải như thế chứ. Tình yêu phải luôn có đôi có cặp thế mới là đủ đầy và hạnh phúc. Mà nào có cần gì to lớn. Một đôi dép cũng đã là chuyện tình đẹp khi sóng đôi bên nhau….
Rồi một bữa tối nọ, sau khi một chầu nhậu với đám bạn quắc cần câu, nó về nhà ngủ như chết đến tận trưa hôm sau. Lười nấu cơm, nó lò dò xuống ăn cơm tiệm ngay trước chung cư thì gặp ngay ông hàng xóm nhà bên trái. Ông vừa nhấm nhẳng nhai cơm vừa trò chuyện cùng bà tổ trưởng dân phố. Vừa nhác thấy bóng của anh hàng xóm nhà có con chó đốm con phía trước xách một túi đồ siêu thị đi ngang, ông hất hàm hỏi bà tổ trưởng:
- Thằng đó giờ sao rồi bà? Vợ con gì nữa chưa?
- Vợ con gì. Tôi vào nhà nó vẫn thấy nó treo đầy đồ của con vợ. Từ cái áo đầm, giỏ xách, dép guốc, nó treo và để nguyên xi như hồi con nọ còn sống. Tôi thấy sợ sợ, bảo nó cất đi, quên đi để mà còn sống tiếp. Nó cười tỉnh queo, giọng lạnh lạnh: “Con vẫn thấy như vợ con nó đi đâu rồi vài ngày nó về lại với con. Con quen để đồ vậy rồi”. Thiệt chả biết nói sao…
- Cũng phải 3 năm rồi bà nhỉ?
- Ừ. Khi con vợ nó mất, con Lan nhà tôi mới sinh thằng Bin. Mà giờ thằng nhỏ đã học lớp mầm rồi…
Nghe loáng thoáng câu chuyện của 2 người hàng xóm nó cố nuốt mãi mới trôi miếng cơm xuống họng. Thì ra đôi dép đó mồ côi, không còn chủ nữa. Chỉ để làm cảnh cho vui nhà mà thôi. Một ý nghĩ chợt thoáng qua trong đầu nó. Có khi nào sáng ra nó mở cửa đôi dép đó biết đi đến trước cửa nhà nó không. Hớ hớ. Vì nó vẫn là người hay tò mò về chủ nhân đôi dép mà…
Về phòng, nó vẫn còn cảm giác ghê ghê về câu chuyện được nghe và hình ảnh đôi dép trước cửa nhà hàng xóm. Nhưng nó vẫn thấy nể anh hàng xóm nọ vì tính chung tình với vợ không như ông Tám Bờ dưới quê nó. Vợ chết mới được vài tháng ông đã tò te với bà Tư hàng xáo làm mấy đứa con bà Tư hăm mẻ răng. Hay như anh họ nó vợ mới mất một năm đã dẫn một cô bạn gái về nhà ra mắt gia đình. Nghĩ thế nhưng nó vẫn thấy rằng nếu anh hàng xóm cứ trơ trọi một mình thì cũng không phải là cách sống tốt. Tình yêu vĩnh hằng không phải là để tạc tượng rồi thờ cúng mà theo nó tình yêu là cùng sống tốt vì nhau, làm cho nhau hạnh phúc dù âm dương cách biệt. Thế nhưng làm sao nó có thể dạy đời được một anh hàng xóm lớn tuổi hơn mình trong khi nó chỉ là một đứa sinh viên ăn chưa no, lo chưa tới.
Rồi từ đó, thỉnh thoảng nó vẫn nhìn sang nhà bên hàng xóm để xem số phận của đôi dép kia cùng anh hàng xóm nửa hồn thương đau nọ. Nó nửa muốn thấy đôi dép kia không còn nữa, nửa vẫn mong nó vẫn sánh đôi với “bạn nam” kế bên.
Ngày lại qua. Và nó tự biết rằng sẽ không bao giờ dám sờ đến một đôi dép hồng hình con thỏ nào nữa…
beforeAfter('.before-after');