Đòi ly hôn vì vợ nghiện "phây"
Từ ngày vợ biết mò mẫm vào chơi "phây-búc" (facebook) cuộc sống của nhà anh Quang dần dần thay đổi.
Bình thường, cứ ăn cơm xong là vợ chồng con cái ngồi chơi nói chuyện với nhau. Còn giờ thì lúc nào anh cũng thấy vợ ôm khư khư cái điện thoại. Thỉnh thoảng chị phá lên cười khi đọc được cái gì hay hay. Chồng nói gì kệ chồng, vợ cứ ừ ừ, gật gật cho qua chuyện còn mắt thì cứ dán vào “phây”.
Từ ngày chơi "phây", vợ anh chăm làm đẹp, cứ vài hôm lại mua quần áo mới để chụp hình khoe trên phây. Đến giờ cơm, cả nhà cứ phải ngồi chờ để cô ấy loay hoay chụp ảnh khoe trên mạng trước đã. Trong khi ăn cô ấy cũng vừa ăn vừa chăm chăm vào màn hình để xem có ai like món mình vừa đưa lên không. Ai bình luận gì là cô ấy trả lời ngay "cho phải phép lịch sự" như lời cô ấy nói. Nhưng điều đó cũng chưa hãi bằng trong nhà có chuyện gì là cô kịp thời "báo cáo" tỉ mỉ chi tiết trên phây. Từ chuyện vợ chồng giận nhau, chuyện con ốm con đau, chuyện không hài lòng với mẹ chồng, em chồng. Dù không chỉ mặt đặt tên thì người trong nhà, người quen, đồng nghiệp vẫn biết là ai.
Đúng hôm sinh nhật vợ, anh Quang bù đầu vào công việc nên quên mất, sáng lùi lũi đi làm, cả ngày cũng chẳng nhắn tin chúc mừng. Đi làm về thì thấy vợ lầm lì, hỏi câu gì cũng không nói. Trước khi dắt xe ra khỏi nhà chị buông lại một câu: "Anh tự nấu mà ăn, em không nấu cơm đâu!". Vợ vừa đi khỏi thì em gái anh gọi điện hỏi dồn: "Anh làm gì mà để chị đòi chia tay thế?". Anh Quang tá hóa không hiểu chuyện gì thì cô em nói thêm: Anh lên facebook mà xem. Giữa những hoa, lời chúc sinh nhật của bạn bè, dòng trạng thái than vãn muốn chấm dứt của chị cùng bức ảnh minh họa đau buồn khiến mọi người đều chú ý. Nhiều quân sư mạng vào bình luận, an ủi đủ kiểu, nhiều người còn khuyên nên chấm dứt sớm cho nhẹ lòng!
Anh điên tiết thực sự, đợi vợ về và thẳng thắn: "Em không thể chịu nổi cuộc sống này nữa phải không? Có phải em muốn kết thúc luôn hôm nay không?". Sau phút ngỡ ngàng, chị cũng hiểu ra tất cả. Chỉ vì những gì cô đưa lên phây hàng ngày, thời gian bên chồng con chị cũng dành phần lớn cho phây, cuộc sống ảo còn lớn hơn cuộc sống thật nên mới ra nông nỗi này. Nước mắt chị lã chã rơi. Anh Quang lấn tới, yêu cầu chị chấm dứt những trò lên mạng than vãn, câu like, hay bình phẩm "mất đoàn kết" gia đình người khác. Từ đó, chị bớt hẳn thời gian vào "phây".
Từ "phây" vì hãi bị đánh ghen
Anh Lê Minh, có vợ nghiện facebook, kể: Cứ sáng ra, chưa thấy nàng đánh răng, rửa mặt, nhưng cái tay thì vớ ngay cái điện thoại và mở facebook. Rồi sau đó, vừa làm công tác vệ sinh cá nhân nàng vừa ngó nghiêng xem có ai comment hay like cái status/ ảnh mới của nàng không. Ban ngày thì khỏi nói, nàng có thể vừa cho con bú vừa cầm điện thoại bấm chíu chíu. Thương cho con bé con, ngủ lúc nào mẹ cũng không hay biết vì mẹ đang bận làm bà tám với các chị em trên “phây”.
Nhưng hẳn khổ nhất là tôi, tối nào cũng nghe nàng tuôn một tràng về mẹ này thế này, mẹ kia thế kia, hôm nay bạn thân nàng buồn ra sao, cái cô đồng nghiệp nàng thất tình thế nào… Rồi thì, nàng suốt ngày chụp ảnh con, cứ có ảnh con là nàng tag tôi. Vài ba ảnh nàng còn chụp tôi và con đang ngủ trong tư thế giời ơi đất hỡi hoặc tôi đang làm gì đó… tế nhị. Cứ nàng “tát” (tag) những ảnh như thế là y như rằng, đồng nghiệp và bạn bè tôi cứ nhìn thấy tôi là cười khúc khích. Ngượng chín cả mặt!
Chưa kể, thi thoảng nàng còn viết những câu status đầy ám chỉ, kiểu “chồng không quan tâm”, “thèm được hẹn hò lãng mạn như xưa” tới những câu status đầy sướt mướt nói về những nỗi khổ tâm trong lòng nàng, những nhung nhớ… Và đương nhiên, những status này đều “tát” tôi như một lời nhắc nhở.
Nhắc nàng chán chê là đừng mang việc nhà lên facebook hay đừng tag những bức ảnh thiếu tế nhị (mà theo nàng nó mắc cười và đáng yêu) nhưng nàng cứ chứng nào tật nấy. Lúc này, tôi chỉ còn cách là khóa chế độ cho phép tag và viết lên tường.
Thế nhưng cũng chẳng ăn thua, bởi nàng kết bạn với hầu hết các bạn bè đồng nghiệp tôi. Lâu lâu, thấy tôi về muộn, nàng còn chat chit hỏi đồng nghiệp khiến tôi vừa ngượng vừa ngại.
Về nhà, nhiều hôm, nàng còn bưng khuôn mặt bí xị, không thèm cơm nước cho chồng con vì thấy chồng… chụp chung với cô đồng nghiệp. Vậy là thôi, chả dám chụp chung cô nào cho lên “phây” nữa, vợ mà lên ba máu sáu cơn thì nguy.
Ngày ngày, nàng ôm điện thoại hoặc iPad tới tận 11 giờ đêm mới đi ngủ. Nàng cứ triền miên thế cho tới một bận. Ấy là khi cô bạn thân của nàng tâm sự nàng rằng, vợ chồng cô ấy đang có nguy cơ đổ vỡ vì… facebook. Bạn thân nàng cũng tham gia các hội nhóm, một lần cô bạn thân than thở về mẹ chồng và chồng trên một nhóm kín nào đó, được các chị em hùa vào, bao nhiêu thói hư tật xấu, bao nhiêu chuyện trong nhà của chồng và mẹ chồng đều được cô bạn phơi bày hết. Đúng hôm ông chồng hỏng máy tính, mượn laptop vợ dùng thì vô tình đọc được những lời lẽ cay nghiệt và đầy uất ức của cô vợ xinh đẹp. Chưa kể, cô bạn thân còn hay kể lể với vợ tôi qua chat. Ông chồng càng đọc càng tái mặt và ngay sau đó đùng đùng đòi ly hôn với “con vợ mất dạy”.
Bận ấy, nàng bần thần, bứt rứt lắm. Thấy nàng ít vào “phây” hẳn. Mà có vào, nàng cũng ít giăng status hơn, cũng thấy nàng có vẻ giãn các group đi. Gần đây, đồng nghiệp nàng bị chồng lên tận công ty “dằn mặt” vì tội dám chụp ảnh tình tứ với anh đồng nghiệp trẻ (mà thực ra là chụp ảnh nghịch ngợm) tung lên “phây” càng khiến nàng khiếp. Từ đó, thấy nàng “cai” facebook dần dần...
Chồng cai "phây" để khỏi ấm ức với vợ
Anh Hà Dũng cũng phát bực vì cứ tối tối là vợ ngồi lì bên máy tính, chẳng màng đến chồng con. Nhiều lần khuyên can không được, anh cũng lập nick để xem phây có gì hay mà vợ cứ đắm đuối như vậy.
Lần đầu vào “nhà” của nàng, hỡi ôi, tôi choáng “toàn tập”, anh Dũng tâm sự trên báo Phụ nữ, những tấm ảnh tôi chụp vợ ở bãi biển từ xưa, được nàng post lên với tiêu đề “Bỏng mắt không?”. Bà con nhảy vô còm tưng bừng. Có mấy tay đàn ông nào rất lạ còn buông lời tán tỉnh rẻ tiền kiểu: “Hàng ngon nhẩy”, “Hàng này mà ai đó không biết khai thác hết công suất thì phí của giời lắm”… Tôi nổi điên, “còm” vào: “Các bác làm ơn ăn nói lịch sự được không?”. Tối về, tôi định bụng sẽ giận vợ, ai ngờ vợ đã… chủ động giận trước. Nàng nói với vẻ mặt hằm hằm: “Phây là chỗ tào lao cho vui, anh chấp nhặt làm chi mà còm như ông già khó tính, làm đám bạn em chọc quê quá trời kìa”. Tôi không chịu thua: “Phây hay không phây thì cũng phải lịch sự chứ? Toàn là người có học thức, sao dùng những lời lẽ tào lao như vậy? Mà sao em có thể tương tấm hình khoe da thịt ấy lên cho thiên hạ bình phẩm? Thật hết biết!”. Vậy là giận nhau.
Anh Dũng quyết định đóng “phây”, mặc cho vợ thoải mái với cuộc sống ảo như một phần tất yếu của cuộc sống.
Giận thì giận, tôi vẫn tranh thủ lúc rảnh ở cơ quan, vô "phây" theo dõi xem vợ có động thái gì mới. Lần này, vợ không post nội dung mới, mà lại “còm” ở “phây” của gã đàn ông nào đó lạ hoắc, lời lẽ sướt mướt: “Đã gần thế, yêu thật rồi…”. Tôi hiểu là vợ còm “theo dòng sự kiện” với những nội dung ở trên, chứ chẳng phải tỏ tình với gã đó, nhưng vẫn thấy khó chịu. Vợ mình vốn thùy mị, sống nội tâm, ít nói, mà lên “phây” lại bạo dạn thái quá.
Sau đó, cứ lên “phây”, thấy vợ thổ lộ cảm xúc “nhạy cảm” gì đó, tôi lại “còm” vợ ở ngoài đời. Có lần, vợ nổi cáu, bảo: “Trên “phây” chỉ là ảo, nếu anh còn chấp nhặt nữa, thì chỉ có cách duy nhất là anh đừng chơi. Chơi trên mạng xã hội mà cũng nghiêm túc như ngoài đời thì còn gì vui nữa?”.
Rồi, nàng giật lên status (dòng tâm trạng): “Còn gì khổ bằng việc chồng cũng chơi phây như mình…”. Và, hơn 30 “còm” nối đuôi nhau xuất hiện bên dưới để “bình loạn” về nội dung đó. Càng “còm”, càng thấy người chồng đó (là tôi) nổi lên như một “quái nhân”.
Anh Dũng quyết định đóng “phây”, cũng không theo dõi nội dung trên tường “nhà” vợ nữa, mặc cho vợ thoải mái với cuộc sống ảo như một phần tất yếu của cuộc sống. Từ đó anh cũng hết ấm ức với vợ.
beforeAfter('.before-after');