Tôi đã quen với việc một mình đi bộ trên con phố tấp nập người và xe mỗi khi có tâm trạng, một mình đi ăn trong những chiều cuối tuần rảnh rỗi, một mình ngồi góc quán yên tĩnh nào đó nhâm nhi cốc cà phê và nhìn dòng người xung quanh: họ cười nói, họ vui chơi, họ làm việc…
Nhiều người thường cho rằng tôi ích kỷ khi cứ giữ mãi nỗi buồn cho riêng mình. Một số lại bảo tôi khó hiểu bởi lúc đang buồn sao lại có thể pha trò, vui cười như đứa trẻ. Đơn giản đó là cách sống của tôi, là cách tôi vượt qua nỗi buồn, chỉ cần tôi không làm hại đến ai, chỉ cần tôi sẽ vui lên, sẽ tích cực hơn, thế là được.
Tôi chưa bao giờ tiết kiệm những nụ cười, bởi tôi biết, thứ mà nụ cười đem đến cho người khác là rất lớn. Giá như thước đo của sự giàu có chính là nụ cười thì sẽ không có ai phải khốn khó, bởi chẳng ai nghèo đến nỗi không thể nở một nụ cười. Và cuộc sống nếu mỗi ngày đều tràn ngập nụ cười như thế thì với tôi, đó là một ngày hạnh phúc trọn vẹn.
Bạn bè cũng nói, tôi già trước tuổi. Có lẽ vậy, sao có thể trẻ con khi mới ở tuổi đôi mươi đã lăn lộn với cuộc sống, vấp ngã không ít lần để bước tiếp, để lớn khôn, để khẳng định mình. Đôi mươi của tôi, chắc chắn sẽ là những kỉ niệm đáng nhớ. Nó chất chứa những thất bại, vấp váp và cả những phút hân hoan đáng trân trọng.
Đôi mươi, tôi mới bước chân vào giảng đường Đại học. So với một sinh viên năm nhất thì tuổi đôi mươi tuy chưa phải già những cũng chẳng còn trẻ trung như mấy em cùng khóa. Còn nhớ, năm 18 tuổi, tôi nộp hồ sơ vào trường Kiến trúc. Đó là đam mê từ nhỏ của tôi, từ khi tôi mới biết tập tô, tập vẽ vài thứ đơn giản. Với tôi, chỉ cần vài cây bút màu và mẫu giấy trắng là tôi có cả thế giới trong bàn tay của mình. Mọi buồn vui của tôi đều nằm gọn trong từng bức tranh, hình vẽ ấy. Mọi thứ có lẽ sẽ vẫn cứ trôi đi trong bình yên nếu một ngày kia, tôi hay tin gia đình tôi làm ăn thua lỗ. Từ một cậu ấm được ăn mặc đủ đầy giờ lại vây quanh trong những khoản nợ to đùng, tôi như suy sụp trong nỗi buồn của gia đình.
Những ngày cận thi Đại học, đầu óc tôi không thể tập trung cho một điều gì, những con nợ cứ kéo đến hằng ngày bủa vây lấy căn nhà nhỏ của gia đình, vây kín luôn cả những ước mơ tuổi trẻ của cậu thanh niên tuổi 18. Rồi điều gì đến cũng đến, tôi rớt Đại học. Kết quả đó không làm tôi quá bất ngờ, những ngày sau đó, theo lẽ tự nhiên của cuộc sống, tôi lao vào kiếm tiền. Một đứa con trai tuổi trưởng thành, tôi đủ lớn để biết mình cần làm gì. Khởi đầu với công việc rửa bát cho quán nhậu rồi đến phục vụ quán cà phê, sau lại làm gia sư cho cậu con trai của cô chú gần nhà, mọi thứ bắt đầu trong khó khăn làm tôi không ít lần nhụt chí muốn từ bỏ. Có lẽ tôi sẽ chẳng thể nào quên những lần bị bà chủ quát nạt, bị trừ tiền không rõ nguyên do, bị đuổi khỏi nơi làm vì những lần làm phật ý chủ nhà.
Đôi mươi, với nhiều người là khoảng thời gian đẹp nhất thì trong tôi lại là những nỗi đau kéo dài triền miên. Làm ăn thua lỗ, thiếu thốn vật chất làm gia đình tôi ai nấy đều lao vào kiếm tiền trả nợ, mãi làm đến quên ăn, quên ngủ. Và đôi lúc, quên luôn cả sự ân cần chăm sóc thường ngày cho ngoại tôi. Thương cháu, thương con, những lúc đau ốm ngoại chỉ lẳng lặng chịu đựng để rồi tuổi già cộng với bệnh tật lấy luôn đi sinh mệnh của ngoại lúc nào chẳng hay. Nợ nần còn đó, giờ lại tiếp nối bằng tang thương. Cả nhà như chết lặng, còn mẹ tôi đã khóc hết nước mắt, ngất xỉu không ít lần trong khoảng thời gian tồi tệ ấy, vì đau buồn, vì kiệt sức.
Những ngày sau đó, hiểu những muộn phiền ba mẹ phải chịu đựng, tôi không còn cách nào khác là cố học, học thật giỏi. So với điều kiện của tôi bấy giờ, sự lựa chọn không gì sáng suốt hơn là ngành Công an - được lo ăn lo học đầy đủ, sau ra làm lại có công ăn việc làm đàng hoàng để lo cho gia đình. Thế là sáng làm, tối khuya tôi lại dành ra thời gian để học. Nhớ những ngày làm mệt đến nỗi về nhà chỉ muốn nằm ngay lên giường đánh một giấc tới sáng nhưng nhìn ba mẹ làm lụng khổ cực, nhìn bàn thờ của bà còn nghi ngút khói hương, tôi lại lấy động lực lôi sách vở ra miệt mài kinh sử.
Cuối cùng, ông trời cũng không phụ lòng người, tin tôi đậu Đại học Cảnh sát lan hết đầu thôn cuối xóm, ai nấy đều vui mừng và động viên tôi cùng gia đình cố gắng. Đó là lần đầu tiên, kể từ ngày bà mất, tôi thấy nụ cười thật tươi của ba mẹ. Nụ cười mà tôi sẽ chẳng bao giờ quên. Khi ấy tôi mới hiểu, nụ cười trong cuộc sống quan trọng đến nhường nào, hạnh phúc mà nó đem lại không sức mạnh vật chất nào sánh nổi. Đó cũng là lý do vì sao giờ đây tôi luôn cười thật nhiều, rảnh rang lại muốn pha trò để chọc cười bạn bè. Nó có thể không làm họ bớt buồn nhưng chí ít, cũng làm họ quên đi muộn phiền trong phút chốc, để qua đó, họ có niềm tin yêu vào cuộc sống hơn. Đây cũng là động lực vô cùng lớn để tôi không ngừng cố gắng, quyết không chùn bước trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Giờ đây, tôi đã là sinh viên Cảnh sát với màu áo xanh, quân hàm đỏ trên vai. Hiểu nhiệm vụ của mình, càng hiểu hơn trọng trách cao cả của ngành đối với nhân dân, mỗi ngày tôi đều tự nhủ phải cố gắng, cố gắng không ngừng để xứng đáng với sự nghiệp của đất nước, sự kỳ vọng của gia đình và những nỗ lực của bản thân. Tôi vẫn luôn tin, đôi mươi của mình tuy sẽ còn nhiều vấp ngã nhưng không vấp ngã nào có thể đánh gục được tôi.
Đôi mươi của tôi, chắc chắn rồi sẽ có những khoảng khắc đẹp, phút giây hạnh phúc, nụ cười hân hoan trải dài phía trước. Và tôi sẽ giữ mãi nụ cười lúc này cho tuổi đôi mươi và cả những năm sau nữa luôn tuyệt đẹp./.
nguyenxuanson113