- Con không thể vứt bỏ hay nhờ ai nuôi hộ cái Bống nên xin mẹ hãy chấp nhận cháu. Còn không, con đành xin phép mẹ ra ngoài sống riêng.
Nghe con dâu nói, bà Hoa giận dữ:
- Cô thích thì mang con riêng ra ngoài sống, còn con, cháu tôi thì cứ để lại.
- Mấy đứa nhỏ sẽ theo con còn chồng con sẽ tùy anh ấy quyết định.
- Nó nói thế ý anh thế nào? – Bà hỏi con trai.
- Xin mẹ tha lỗi, con không thể để vợ con sống lang thang bên ngoài được. Con phải ra theo để có trách nhiệm với họ…
Không để cho con trai nói hết câu, bà khóc lóc vật vã:
- Bố anh mất khi anh mới ba tuổi, mấy chục năm nay tôi sống một mình để lo cho anh, giờ anh báo hiếu cho mẹ bằng cách này à…
Dù bị mẹ đòi từ mặt nhưng vợ chồng anh Hưng vẫn dọn ra ngoài sống riêng. Hàng xóm biết chuyện, kẻ chê bà Hoa sống độc đoán, người trách anh Hưng nghe vợ bỏ rơi mẹ. Còn bà Hoa ốm vật vờ cả tháng vì không chịu được cú sốc con cái ra ngoài sống riêng.
Ngày đó con trai bà dắt người yêu về ra mắt, bà Hoa chưa kịp mừng thì đã vội thất vọng. Bà ra ngoài than vắn thở dài với mọi người rằng con dâu tương lai đã qua một lần đò lại còn phải nuôi con riêng.
Ngày con dâu mang con riêng về sống cùng, bà thể hiện sự yêu ghét ra mặt. Mỗi lần con bé làm gì bà cũng trừng mắt quát mắng nó, có ai hỏi đến bà bảo đó là “cháu ngoài luồng” chứ chẳng phải máu mủ nhà bà. Lạ là “khác máu” nhưng con bé lại cứ quấn bà, đi đâu nó cũng lẽo đẽo theo, luôn miệng gọi “bà nội”. Nó càng gần gũi bao nhiêu thì bà lại càng đẩy nó xa bấy nhiêu. Đến khi con dâu sinh cháu đích tôn, sự phân biệt đó lại càng nặng nề hơn. Thằng em quấn con chị nên đi đâu cũng phải bìu ríu nhau theo. Thế là cái câu cửa miệng “nó là cháu ngoài luồng, thằng này mới là cháu xịn của tôi” luôn luôn thốt ra từ miệng bà Hoa mỗi khi gặp ai.
Ảnh minh họa
Ngày bé, cái Bống chưa hiểu “ngoài luồng” với “cháu xịn” thế nào nên vẫn hồn nhiên chấp nhận sự phân biệt đó. Nhưng từ ngày nó đi học, hiểu được phần nào ý nghĩa câu nói cửa miệng của bà nội nên nó bắt đầu để ý. Cộng thêm đó, sự phân biệt đối xử trong ăn uống, mua sắm quần áo, đồng quà tấm bánh giữa các cháu mỗi lần đi xa về của bà Hoa càng đẩy con bé vào nỗi tủi thân. Không ít lần nó khóc với bố mẹ khiến vợ chồng anh Hưng phải nhắc khéo mẹ. Nhưng mỗi lần nhắc đến, bà Hoa lại hùng hổ:
- Tôi có nói sai chỗ nào, nó có phải là cháu ruột của tôi đâu.
Càng ngày, con bé càng trở nên ít nói, học hành sa sút, sống khép kín. Cái ngày nó bị ngất xỉu ở trường, vợ anh Hưng đưa con đến viện rồi về nằm khóc ròng. Bác sĩ nói con bé bị mắc bệnh trầm cảm, nếu không thay đổi môi trường sống hiện tại nó sẽ ngày càng “ngớ ngẩn”. Chị về nói lại nguyên nhân cho mẹ chồng hay mong bà chấp nhận cháu và thay đổi cách đối xử để giúp nó khỏi bệnh. Nhưng bà Hoa vẫn “chứng nào tật nấy” khiến chị phải quyết định ra ngoài sống riêng để “cứu con”.
Con dâu ra ngoài mang theo cả cháu “ngoài luồng” lẫn “cháu xịn” khiến bà Hoa “sốc” nặng. Chúng chuyển đi, nhà cửa vắng vẻ tiếng hai đứa trẻ khiến bà cũng “ngơ ngẩn” theo. Con trai về chăm sóc mẹ, bảo nếu bà không chấp nhận đứa cháu “ngoài luồng” đó thì cũng khó để sống gần “cháu xịn”. Ban đầu bà giận bảo chẳng cần con, cháu nhưng sự cô đơn hàng ngày khiến bà không chịu nổi. Khỏe lại, bà mua ít bánh kẹo tìm đến nhà của chúng. Vừa nhác thấy bóng bà, thằng “cháu xịn” chạy ra vồn vật, còn đứa cháu “ngoài luồng” ngồi nép trong góc phòng. Bà lại gần ôm lấy nó, mắt đỏ hoe: “Bà sai rồi, cháu tha lỗi cho bà nhé!”. Lần đầu tiên, con bé thấy bà nội dịu dàng như vậy nên sung sướng ôm chặt lấy bà hỏi: “Cháu cũng là cháu xịn của bà phải không?”. Bà Hoa cười trong nước mắt: “Ừ cả hai đứa đều là cháu xịn của bà tất”.
beforeAfter('.before-after'); Có thể bạn quan tâm: