“ hạnh phúc không dành cho tình nhân” - một trong những cuốn sách thu hút tôi ngay từ cái nhìn đầu tiên - vì tựa sách, và vì bìa sách. Một cái tựa như báo trước kết quả, một bìa sách trắng đen u hoài đến lạ! Cô gái đẹp mong manh dường như đang lẩn trốn, như đang “gói ghém” mình lại trong một vỏ bọc, nhưng chẳng thể giấu nỗi đôi mắt xa xăm, u buồn. Phải rồi, vì cô - ấy - là - tình - nhân. Mà đã là tình nhân, thì bao giờ mới chạm tay vào hạnh phúc?
Ngày trước, tôi có đọc được một câu danh ngôn, đại ý: những nụ hôn vụng trộm bao giờ cũng những nụ hôn ngọt ngào nhất. Tôi tâm đắc lắm, thích thú lắm. Tôi hình dung về những gì càng ngăn cấm thì càng khó khăn, mà càng khó thì lại càng yêu. Sự đời, bao giờ cũng thế! Cho nên, tôi thích những tác phẩm bi kịch.
Đấy có thể là tình cảm mãnh liệt của Mecghi dành cho cha xứ Ranfơ trong “Những con chim ẩn mình chờ chết”, là tình yêu của cậu bé 15 dành cho người đàn bà 36 tuổi sống cô đơn với nghề soát vé tàu điện trong “The Reader”… Dường như, bi kịch khiến con người ta chạm đến cảm giác thỏa mãn, cái thỏa mãn nén dồn trong đau khổ để rồi vỡ òa.
Nhưng rồi, cho đến khi đọc “Hạnh phúc không dành cho tình nhân”, tôi lại cảm thấy nghẹn ngào. Thì ra, tuyệt vọng, không phải lúc nào cũng may mắn “đẹp như một bông hoa” như lời cố nhạc sĩ họ Trịnh. Tuyệt vọng - là thứ cảm xúc - không thể nắm, cũng chẳng thể buông, nó đay nghiến, giày xéo tâm can người trong cuộc.
Nữ chính của tác phẩm là Băng Dương, cô nàng stylist trẻ trung, sôi nổi và… bảo thủ. Một con người với vô số những nguyên tắc rõ ràng trong cuộc sống và hầu như không bao giờ phá vỡ chúng vì bất cứ lý do gì. Cô ta “không bao giờ vượt đèn đỏ, không bao giờ đi vào đường cấm dù chỉ là một đoạn rất ngắn”.
Sống thực dụng, ghét mơ hồ - thế nên Băng Dương chưa bao giờ nghĩ rằng, mình sẽ trở thành tình nhân của một người nào đó. Nhưng rồi, trong bản hoạch định thẳng tắp, liền mạch của cuộc đời, chúng ta chẳng thể ngờ có những lối rẽ khiến mình lầm đường lạc lối, thậm chí không tìm được lối ra. Băng Dương gặp Phan Hoàng - một người đàn ông cá tính, có tài, có tiền, và có cả… vợ. Người con gái không cho phép mình trở thành kẻ thứ ba, cuối cùng cũng phải đầu hàng trước số phận.
Yêu một người đã có vợ, dù bàn tới bàn lui, thì vẫn là người có lỗi. Không phải chỉ là là lỗi với vợ người ta, mà là có lỗi với bản thân mình. Tự mình làm khổ mình vì “những thứ vốn dĩ không thuộc về”. Ta có thể trải qua những sung sướng mật ngọt khi thụ hưởng thứ ái tình lén lút, có thể nếm trải cả những đắng cay khi phải giả vờ như người dưng qua đường không quen không biết. Để rồi cuối cùng, khi màn đêm buông xuống, khi người đàn ông ở bên mái ấm thực sự của họ, thì kẻ thứ ba chỉ biết giấu nước mắt trong nỗi tâm tư “một mình mình biết, một mình mình hay”.
Tôi cảm thông với Băng Dương, nhiều hơn là chán ghét. Dĩ nhiên đó không phải là cách thể hiện sự cổ xúy với những ai chen ngang vào hạnh phúc của người khác. Ở Băng Dương là sự giằng xé nội tâm ghê gớm. Sự giằng xé của một cô gái từng đánh mất bạn trai trong một tai nạn xe cách đó 3 năm, sự khổ sở, nguyền rủa bản thân tại sao không thể rời xa Phan Hoàng. Đã lâu lắm rồi, trái tim lạnh giá như băng mới có thể ấm áp trở lại. Nhưng khi nó bắt đầu rung động thì lại lỡ làng một nhịp. Đáng thương cho một kiếp người! Tìm cảm của cô gái ấy khiến tôi nhớ đến bài thơ “Huyền thoại” của Đàm Thị Lam Luyến, với những câu thơ day dứt một thời:
“Em ở hiền
Em có ác chi đâu
Mà trời xui anh bắt đầu tình yêu với người con gái khác?
Có phải rượu đâu, mà chờ cho rượu nhạt
Có phải miếng trầu
Đợi trầu dập, mới cay?”
Thế mới biết, gặp đúng người, đúng thời điểm, là hạnh phúc. Gặp đúng người, sai thời điểm, là bi thương. Nỗi bi thương thừa lãng mạn mà cũng đầy đau khổ! “Đường tới hạnh phúc có nhiều lối, có thể đi đường tắt, đi đường vòng, đi đường thẳng, nhưng tuyệt đối không thể tới với hạnh phúc bằng con đường ngược chiều, cô đã đi vào đường ngược chiều, và cô đã phải trả giá cho hành động của mình”. Hạnh phúc, được tác giả nhắc lại, rõ ràng và cụ thể, “không dành cho tình nhân”.
Cuốn sách là tác phẩm thứ hai của Mèo Xù, sau khi cho ra mắt “Đừng chết vì yêu”. Sở dĩ lúc này tôi mới nhắc đến tên tác giả, bởi không muốn người đọc bị lôi cuốn vào cái tên Mèo Xù, tên thật là Nguyễn Thị Thắm, với những phát ngôn phát ngôn đã từng gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng mạng về tình yêu và trinh tiết. Đối với tôi, thông điệp mà tác giả muốn truyền tải trong tác phẩm, quan trọng hơn rất nhiều so với những câu chuyện xung quanh đời tư của họ. Với “Hạnh phúc không dành cho tình nhân”, cô gái trẻ đất Hà Thành chỉ muốn nhắn nhủ một điều: “Nếu có thể, thì đừng bao giờ dấn thân vào con đường ấy”. Và với tôi, chỉ cần thế là đủ!