Với việc đoàn phim "Kong: Skull Island chọn việt nam làm bối cảnh quay phim, cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước là có, nhưng còn phải trông chờ vào độ thành công của phim.
Ngày xửa ngày xưaNăm 1990, đạo diễn Oliver Stone lặn lội sang Việt Nam để xin được quay Heaven & Earth, bộ phim thứ 3 của ông về chiến tranh Việt Nam sau hai tuyệt phẩm Platoon và Born on the Fourth of July. Với hai phim trước, Oliver đã phải sang Phillipines, nên trong lần này, ông rất muốn được trở lại quốc gia mà mình từng trực tiếp chiến đấu. Ở thời điểm đó, tiếng tăm của Oliver Stone đang ở đỉnh cao với hai giải Oscar, bản thân ông cũng là một người phản chiến và yêu mến đất nước hình chữ S.
Heaven & Earth không có duyên với Việt Nam
Khi Oliver đặt chân đến Việt Nam, ông đã được tiếp đón trọng hậu. Thế nhưng, Cục điện ảnh Việt Nam đã yêu cầu Oliver phải cắt bớt chi tiết nữ chính bị một chiến sĩ quân giải phóng hãm hiếp. Vị đạo diễn này nói đùa rằng ngay cả Tổng thống Mỹ cũng không được phép sửa kịch bản của ông. Thế nên cuối cùng đoàn phim phải khăn gói sang Thái Lan. Nhiều phim nước ngoài từng có ý định quay tại Việt Nam cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, họ đều bị kiểm duyệt gắt gao ở những nội dung nhạy cảm.
Thời gian cấp giấy phép kéo dài, thủ tục nhiêu khê và cơ sở hậu cần kém cũng khiến các đoàn phim chùn chân, như với Under Heavy Fire hay R-Point xin giấy phép đạo cụ mãi không xong. Đó là chưa kể vấn đề "tiền hậu bất nhất" trong công tác quản lý. Tập phim 007 Tomorrow Never Dies thậm chí đã xin được giấy phép và sẵn sàng mọi thứ, nhưng rồi vẫn bị "tuýt còi" phút 90 bởi một công văn khẩn (mà lý do đến giờ vẫn ít người hiểu tường tận). Pierce Brosnan và Dương Tử Quỳnh đành xách xe phân khối lớn sang Thái Lan để quay cảnh… đường phố Sài Gòn.
Sài Gòn mà cũng… không phải Sài Gòn
Bên cạnh đó, Tomorrow Never Dies cũng có vài cảnh quay ở vịnh Phang Nga thuộc Phuket. Người Thái nhân cơ hội này hâm nóng lại việc quảng bá cho Phuket (vốn đã nổi tiếng nhờ "đảo James Bond" Koh Tapu, nơi quay The Man with the Golden Gun năm 1974). Suốt 20 năm sau đó, họ đều đặn kiếm tiền từ thương hiệu 007 thông qua du lịch và những show diễn về James Bond (mà thật ra cũng chẳng mấy đặc sắc). Với tư duy đóng cửa, trong một thời gian dài, nước ta đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội quảng bá du lịch. Nói một cách ví von, Việt Nam như cô gái đỏng đảnh hết lần này đến lần khác từ chối tình yêu của những chàng trai vừa giàu lại vừa hào hiệp.
Thời mở cửa
Trong những năm gần đây, các lãnh đạo của Cục điện ảnh và Tổng cục Du Lịch đã có tư duy cởi mở hơn. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch từng nhiều lần phát biểu sẽ trải thảm đỏ đón các đoàn phim nước ngoài. Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục điện ảnh cũng tuyên bố Cục luôn quan tâm đến việc quảng bá hình ảnh đất nước và hợp tác quốc tế. Bà Lan cũng thừa nhận, muốn vậy chúng ta phải chủ động, đẩy mạnh truyền thông về việc Hollywood đến Việt Nam quay phim. Nhìn chung, đó là những tín hiệu tích cực rất đáng ghi nhận.
Dù có sự tham gia của Hugh Jackman nhưng "Pan" không thành công
Vào năm ngoái, đoàn phim Pan gây chú ý với khán giả Việt vì những cảnh quay tại Hang Én, Ninh Bình và vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, việc họ quay tại Việt Nam diễn ra chớp nhoáng khiến những nhà chức trách cũng phải bất ngờ. Các chuyên gia đến Việt Nam để quay với định dạng 3D, còn các diễn viên không ai đến Việt Nam mà chỉ diễn lại trên phông xanh và ghép vào cảnh quay. Bên cạnh đó, Pan còn là bom xịt nên không có giá trị quảng bá cao.
Sự kiện đoàn phim Kong: Skull Island sang Việt Nam lại hoàn toàn khác. Ý định quay phim tại Việt Nam của nhà sản xuất đã được công bố từ mấy tháng trước, cộng thêm chuyến sang Việt Nam tiền trạm và gặp gỡ Ngô Thanh Vân của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts khiến người hâm mộ phải quan tâm. Ngày 18/2, diễn viên kỳ cựu Samuel L. Jackson đặt chân đến Việt Nam, sau đó là cả đoàn làm phim với dàn thiết bị lên đến 45 tấn. Đặc biệt trong số đó là hai ngôi sao Brie Larson (ứng cử viên số 1 tại Oscar năm nay) và Tom Hiddleston, nam tài tử lừng danh với vai Loki.
Tom Hiddleston thổ lộ ước mơ đến Việt Nam năm 19 tuổi nhưng bất thành
Sự xuất hiện của đoàn phim Kong: Skull Island nói chung và Tom Hiddleston nói riêng đã thật sự gây cơn sốt tại Việt Nam. Có cả một cuộc họp báo riêng với sự góp mặt của hàng chục nhà báo và quan chức. Hàng trăm người hâm mộ cố xin chữ ký của nam diễn viên điển trai, trong khi những bức ảnh về bộ ba diễn viên thu hút hàng ngàn lượt like trên các mạng xã hội. Nhất cử nhất động của đoàn phim ở Quảng Bình được báo giới theo sát, từ trường quay, tổ đạo cụ đến cả… bếp ăn. Có thể nói, trong lịch sử điện ảnh Việt, chưa có đoàn làm phim nào được chú ý đến như vậy.
Cơ hội quảng bá du lịch?
Hiệu ứng của đoàn phim Kong: Skull Island hiện nay ở Việt Nam là quá lớn, điều đó không phải bàn cãi. Song, vấn đề đặt ra là, liệu sự kiện này có thể thúc đẩy du lịch Việt Nam? Đáp án chính xác phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cả chủ quan và khách quan.
"Tomb Raider" của Angelina Jolie từng quảng bá rất tốt cho đền Angkor Wat
Lịch sử từng có những ví dụ phi thường về việc phim ảnh trở thành công cụ quảng bá hiệu quả cho du lịch. Sau khi tác phẩm Roman Holiday ra mắt vào năm 1953, thành Rome đã trở thành điểm đến của hàng ngàn người ngưỡng mộ cặp đôi Audrey Hepburn và Gregory Peck. Hay như bộ ba Lord of the Rings với bối cảnh đẹp mê hồn đã thật sự biến New Zealand thành địa điểm du lịch "phải đến một lần trong đời" đối với không ít khán giả.
Song, hiệu ứng đó chỉ xảy ra với ba điều kiện: thứ nhất, mọi người phải biết phim quay ở Việt Nam, thứ hai, cảnh Việt Nam trong phim phải xuất hiện với thời lượng lớn, và thứ ba, phim phải thành công trên toàn cầu. Điều thứ nhất chắc chắn đạt được, nhưng hai điều sau là yếu tố khách quan, phụ thuộc vào nhà sản xuất và sự thành bại của phim. Một bộ phim dù có cảnh đẹp nhưng nếu không hay (như Pan) thì cũng khó tiếp thị được hình ảnh.
Phút tự sướng của bộ ba diễn viên
Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng chúng ta nên học theo Trung Quốc, đặt ra điều kiện với các đoàn phim đến quay về việc quảng bá hình ảnh đất nước. Thế nhưng điều này gần như là không thể bởi vị thế hai nước khác nhau. Trung Quốc là thị trường điện ảnh lớn thứ hai thế giới và họ có quyền buộc các bom tấn Hollywood chiều theo ý mình, thậm chí sửa cả kịch bản. Trong khi đó, thị trường của Việt Nam còn quá nhỏ và thua cả một số nước ít dân hơn như Thái Lan, Hàn Quốc.
Đúng như bà Ngô Phương Lan chia sẻ, việc Hollywood đến quay ở Việt Nam là cơ hội lớn nhưng không phải là tất cả. Không phải chỉ một vài cảnh quay là hình ảnh Việt Nam ngay lập tức gây ấn tượng. Vì vậy, nếu thật sự muốn quảng bá du lịch Việt Nam, chúng ta cần có chiến lược dài hơi. Trước mắt, phải có tư duy thông thoáng và thủ tục nhanh gọn để thu hút các nhà làm phim. Kế đến, phải tạo điều kiện tối đa cho đoàn làm phim trong quá trình ghi hình. Và cuối cùng, hãy chờ ngày công chiếu và… cầu cho phim ăn khách.
Một khoảnh khắc rất đông vui ở trường quay do Samuel L. Jackson chộp được
Nhưng ngay cả khi đó, vẫn cần một chiến lược quảng bá du lịch dài hơi để thu hút khán giả. Người Thái và người Campuchia không "ăn may" với The Man with the Golden Gun hay Tomb Raider, mà họ có kế hoạch đầu tư bài bản vào Phuket hay Angkor Wat trong nhiều năm ròng. Hiện tại Quảng Bình đã lên kế hoạch dựng tượng King Kong và giữ lại phim trường nhằm làm điểm nhấn du lịch, đó là một bước đi hoàn toàn đúng đắn. Dù cơ hội quảng bá từ Kong: Skull Island vẫn chỉ là mơ hồ, nhưng hãy cứ nỗ lực, chuẩn bị tốt, và hy vọng vào những điều tốt đẹp nhất.
Đoàn làm phim Kong: Skull Island dự kiến quay ở Quảng Bình đến ngày 27 tháng 2.