Số sĩ tử tham gia rất đông, nhưng cuối cùng chỉ có 6 người đỗ Tiến sĩ, đó là Nguyễn Văn Giai, Phùng Khắc Khoan, Phạm Văn Lan, Đặng Đôn Phục, Lê Quang Hoa và Nguyễn Trạch.
Tân khoa Tiến sĩ (Tranh minh họa) |
Câu chuyện nhường vợ có liên quan đến nhân vật chính là Nguyễn Văn Giai, người đỗ đầu khoa thi này. Ông quê ở thôn Phù Lưu Trường, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh), xuất thân trong một gia đình nho học, từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, có tài văn thơ và ứng đối.
Nguyễn Văn Giai đỗ thi Hương, rồi đỗ đầu thi Hội, vào thi Đình đỗ Đình nguyên và trở thành vị Tam nguyên đầu tiên của triều Lê Trung Hưng.
Ông làm quan đến chức Tham tụng, nắm việc cả 6 Bộ kiêm Đô ngự sử, Thiếu bảo, tước Lễ quận công. Khi làm quan, nổi tiếng cương nghị, công bằng, sách Tang thương ngẫu lục viết: “Hồi ông làm Chưởng quản lục bộ, các bậc thân quý của vua chúa đều phải nín hơi, không dám xúc phạm.
Một vị Quận mã trong phủ Chúa đi đánh trận thua chạy, ông bắt bỏ ngục rồi khép vào tội tử hình. Chúa muốn tha nhưng rất khó nói, nhân cầu đến dụ chỉ nhà vua, cũng không lay được ý định của ông”.
Anh học trò thoát cảnh ở truồng dưới ao nước
Hồi còn đi học, một hôm trời nóng quá, Nguyễn Văn Giai cởi quần áo vắt trên cành cây rồi xuống ao nước bên đường để tắm, trong lúc mải ngụp lặn thì quần áo bị kẻ trộm lấy mất lúc nào không biết.
Ở trần đóng khố (Tranh khắc gỗ dân gian) |
Nhà còn xa, đường thì người đi lại ngày một đông nên chàng đành ngâm mình dưới nước, chưa biết làm sao. Giữa lúc ấy trên cầu ao bên kia có cô gái mang vải ra giặt, thấy chàng trai cứ đứng ở dưới ao không lên bờ, đi vào đi ra mấy lần đều thấy thế, cô lạ lắm. Nhìn quanh không thấy quần áo, chỉ thấy sách vở, cô gái hiểu ra tất cả, thế rồi cô giặt xong thì vờ bỏ quên lại một thước vải bên bờ ao.
Biết cô gái ngầm giúp mình thoát khỏi tình cảnh trái khoáy khi ấy, Nguyễn Văn Giai thầm cảm ơn, lấy vải quấn vào người đóng thành khố rồi ung dung đi về.
Chuyện hai tân khoa tiến sĩ nhường hôn
Sau khi đỗ, nhớ đến cô gái đã giúp mình nên ông tìm đến nhà hỏi cưới, không ngờ gia đình đã hứa gả cô cho một vị tiến sĩ đỗ cùng khoa với Nguyễn Văn Giai và vị tiến sĩ cũng đang có mặt ở đó.
Mọi người tưởng rằng sẽ có cuộc “chạm trán nảy lửa”, Nguyễn Văn Giai liền kể lại chuyện xưa, cuối cùng người bạn đồng khoa xin rút lui. Truyền tụng tại địa phương cho biết cô gái ấy tên là Nguyễn Thị Viện, tuy không được xếp vào hàng Chính thất và Á thất phu nhân nhưng lại được phong là Quận phu nhân và được Nguyễn Văn Giai yêu quý hơn hẳn các bà vợ khác.
Sách Tang thương ngẫu lục viết về chuyện này như sau: “… Trong lúc đang bơi lội, quần áo trên bờ bị đứa vô lại nào lấy mất, ông phải ngâm mình dưới nước mãi không dám lên. Bên kia ao là nhà một ông Giám sinh, có cô con gái ra ao định giặt, nhưng thấy ông đang tắm đành phải quay vào. Một lúc nữa trở ra lại thấy như vậy. Rồi một lúc nữa, cô ra loanh quanh ở bờ ao, bỏ lại trên bờ mấy chục thước vải. Ông biết ý, rất cảm kích, trở lên lấy vải ấy đóng khố rồi đi về nhà. Về sau khi đã thi đỗ, ông đến nhà ông Giám sinh, xin hỏi cô gái làm vợ.
Duyên phận lứa đôi (Tranh minh họa) |
Ông Giám sinh nói: “Con bé vô duyên, hôm qua tôi đã trót nhận lời gả cho một cậu học trò của tôi, cũng là bạn đồng khoa của anh đấy. Xin anh đừng lấy làm lạ sao tôi lại từ chối”.
Đang lúc trò chuyện thì ông đồng khoa kia đến, hai bên tranh biện mãi không giải quyết xong. Ông nói: “Tôi vốn đã có vợ nhưng không phải tham sắc đẹp để giành với bạn. Chỉ vì thuở hàn vi từng được người khuê các để mắt xanh đến, nên tôi đã dốc lòng yêu thương từ đấy. Trời đất quỷ thần hẳn đều soi xét, lòng này có dám mạo muội đâu”.
Nhân đấy kể rõ câu chuyện ngày xưa. Ông Giám sinh bèn vào nhà trong hỏi con gái thì con cũng nói như vậy, rốt cuộc đổi ý, vui lòng đem cô gái gả cho ông Giai. Đó là bà phu nhân thứ ba, ông yêu quý như bà cả vậy”.
beforeAfter('.before-after');