Tôi ghé thăm Toa Tàu vào một ngày mùa hè vừa đến. Nằm nép dưới chân cầu Sài Gòn, Toa Tàu bé nhỏ hơn những gì tôi tưởng tượng, nhưng nhiều màu sắc và yên bình như thoát ly ra khỏi cái xô bồ, ồn ã của thành phố này. Đằng sau cánh cửa bước vào Toa Tàu là cả một thế giới trong vắt mà ở đó, “trẻ con được là trẻ con, còn người lớn được quay về những ngày thơ ấu”.
Toa Tàu được ba người sáng lập nó lấy cảm hứng từ ngôi trường Tomoe trong cuốn sách Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ. Đã có biết bao nhiêu thế hệ người trẻ Việt Nam đã đọc cuốn sách này và ao ước mình cũng được học trong lớp học toa tàu của này Kobayashi Sosaku? Ngôi trường bé xíu chỉ có lớp học là những toa tàu cũ, lại chỉ vỏn vẹn có năm mươi học sinh, mà phần nhiều là những “thành phần cá biệt” như Totto-chan, quá hiếu động và kỳ quặc ở những ngôi trường “chuẩn”. Toa Tàu ra đời với những đồng cảm của người sáng lập về một ngôi trường như vậy. Về một nơi mà người ta không chỉ học để biết vẽ, học để biết đàn hay biết hát, mà còn học để yêu chính mình, học để cảm nhận vẻ đẹp của nghệ thuật và thế giới xung quanh.
1. Toa tàu là...Nếu không phải là một người hay tìm hiểu linh tinh trên mạng, bạn có thể sẽ chẳng biết đến Toa Tàu. Toa Tàu không xuất hiện trên báo đài theo kiểu: “Hãy đến đây học với chúng tôi và bạn sẽ biết vẽ thật đẹp! Chúng tôi có nhà sáng lập được học bổng Fulbright!” Toa Tàu được người ta biết đến qua những lời truyền miệng thì thầm về một lớp học thật tuyệt, và qua những bài báo dài nói về một ốc đảo xanh tốt của những tâm hồn yêu cái đẹp.
Nói qua qua thì, Toa Tàu là một tổ hợp các lớp học nghệ thuật dành cho mọi lứa tuổi. Ở Toa Tàu, các bạn có thể học Vẽ Kể Chuyện, rồi học gấp giấy Origami, học đàn Ukelele, học nặn đất sét, học nhiếp ảnh hay học thuyết trình thế nào. Hay như lớp Khám Phá Hình Ảnh dành riêng cho trẻ em từ 5-12 tuổi. Tất cả những lớp học đều sinh ra với mong mỏi đưa vẻ đẹp cuộc sống tới gần hơn với những người cần nó, hoặc đơn giản hơn là để lan toả niềm hạnh phúc giản đơn khi chúng ta chạm tay vào nghệ thuật.
Toa Tàu không đi theo hướng dạy và học như những kiểu trường học thông thường. Ở Toa Tàu, người ta gọi đó là sự chia sẻ và trải nghiệm. Giống như kiểu những người bạn, ngồi lại với nhau và cùng chỉ cho nhau cách học một nhạc cụ hay gấp một con cá, chứ hoàn toàn không phải kiểu :”Này cậu kia cậu làm thế sai rồi xấu quá đi mất làm lại đi!”. Để học lớp Vẽ Kể Chuyện ở Toa Tàu, bạn hoàn toàn chẳng cần biết vẽ, và ngay cả khi đã học xong rồi, bạn cũng chẳng cần phải vẽ đẹp hơn. Đơn giản là, bạn biết cách vẽ thế nào để nói ra được câu chuyện trong lòng mình và cảm thấy vui khi cầm bút vẽ. “Quan điểm của chúng tôi là không dạy trẻ con mà tạo ra một môi trường để lớn lên. Chúng tôi muốn là một vùng đất mà trẻ em sẽ lớn lên theo cách của riêng mình, nơi đánh thức sức sáng tạo bên trong, sự tò mò, khám phá của các em, muốn giúp các em tiếp nhận vẻ đẹp xung quanh mình. Toa Tàu tập trung đến chuyện chúng ta phải quay lại những giá trị đẹp và nguyên bản nhất, bởi chúng ta đã bỏ quên nó quá lâu rồi”. Anh Bút Chì Đỗ Hữu Chí, một trong ba người sáng lập của Toa Tàu chia sẻ.
Một ý tưởng rất quan trọng khác mà Toa Tàu muốn truyền đạt tới các học viên của mình, đó là ở đây, ai cũng có thể được là chính mình. Trẻ con lớn lên với những sức nặng trở thành người này người nọ, người lớn sống trong những áp lực của một guồng quay điên cuồng từ cuộc sống. Ai cũng đeo trên người một món nợ vô hình với xã hội, với tương lai. Ở Toa Tàu, bạn đơn giản là tháo tất cả đi và để cho cái tôi thực sự của mình được sống và được lắng nghe. Bỏ quên đi những cuộc đua vô hình của cuộc sống ngoài kia, ở đây bạn có quyền bước đi thật chậm, hoặc thậm chí là đứng lại, ngồi xuống và thở thật sâu.
2. Một triết lý khác biệt về giáo dụcQuan điểm của những người tạo ra Toa Tàu rất rõ ràng, đó là giáo dục phải thuật theo tự nhiên. Anh Hữu Chí chia sẻ thẳng thắn rằng, giáo dục hiện tại không khiến đứa trẻ được phát triển tự nhiên, cũng như không quan tâm đến cảm xúc bên trong của chúng. “Chúng ta lấy kinh nghiệm của người lớn và cho rằng như thế là tốt nhất. Thật ra chúng ta đã sai lầm. Những gì xảy ra hiện nay, chiến tranh, xung đột hay cách con người đối xử với nhau, chính là kết quả của những sai lầm ấy. Chúng ta coi thường nghệ thuật và nhân văn, coi trọng giá trị vật chất, phá huỷ các kết nối của con người với nhau. Chúng ta tạo ra một môi trường cạnh tranh, và bản thân việc ta nghĩ rằng phải học thế này, thế kia để chống chọi với chính cái thế giới mà ta tạo ra đã là sai rồi”.
Toa Tàu sinh ra để đưa tất cả những ai đặt chân lên nó được về với gốc rễ, về với những gì nguyên bản nhất. Ở đó, trẻ em hay người lớn đều được nuôi dưỡng những giá trị cốt lõi và di dưỡng những xúc cảm trong lành. “Chúng tôi muốn nói rằng hầu hết những gì chúng ta đang học hiện này đều không gắn liền với gốc rễ, nó không gắn với những gì bên trong, nó không lành mạnh và cân bằng. Nó đè nén xúc cảm, gây áp lực tinh thần với trẻ em và khiến chúng lớn lên với tâm thế phải thắng tất cả để thành công.”
Vậy liệu những hình ảnh xấu xí về bạo lực học đường hay cách ứng xử của một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay có phải là hệ quả của sự thiếu vắng trong việc giáo dục tinh thần? “Bạo lực hay cái ác ở bên trong con người, nó luôn nằm ở đấy”. Anh Hữu Chí chia sẻ về câu hỏi này của tôi. “Vấn đề là chúng ta có để nó xuất hiện hay không và để nó xuất hiện như thế nào”. Anh Hữu Chí tin rằng, trong một môi trường cạnh tranh và khuyến khích cạnh tranh, cái ác sẽ có môi trường để phát triển. “Nhiều người tranh luận rằng, cái ác là bản chất của con người. Tôi không đi sâu vào cuộc cãi nhau đấy, tôi chỉ nói rằng, chúng ta nuôi dưỡng cái gì thì cái đấy sẽ lớn lên. Trước tiên chúng ta phải học cách yêu cái đẹp, nó khiến chúng ta không muốn làm tổn thương bất cứ điều gì xung quanh mình và giữ cho chúng ta cảnh giác với cái xấu. Dù đây là một khái niệm rất trừu tượng, nhưng đó là lý do mà chúng tôi dạy nghệ thuật ở đây. Chúng tôi muốn để người ta trải nghiệm nghệ thuật. Nghệ thuật không giải quyết vấn đề, mà nó giúp ta nhận ra vấn đề. Và trong quá trình nhận ra đấy, rất nhiều vấn đề sẽ được giải quyết và ý thức của mỗi người sẽ bình tâm lại”.
3. Những quả ngọt đầu tiênMang một triết lý giáo dục khác biệt và một cách triển khai độc đáo, những gì Toa Tàu đã mang lại cho các học viên của mình cũng vô cùng hứa hẹn và khả quan. Các học viên trẻ con thì cực kỳ hạnh phúc khi được là chính mình, không bị ai ép buộc hay không bị bắt phải giỏi cái này, phải tài cái kia.Thậm chí, nhiều em nhỏ đã và đang học ở Toa Tàu đã nảy sinh phản ứng... chẳng muốn đi học ở trường cũ nữa. “Chúng tôi tạo ra một môi trường để chúng vừa chơi, vừa học và vừa khám phá, thuận theo năng lượng tự nhiên của mỗi đứa trẻ”. Anh Hữu Chí chia sẻ.
“Có những bác U70, họ chia sẻ rằng bình thường ở nhà họ rất rảnh, chỉ lo việc nội trợ giúp con cháu thôi và chán vì chẳng có gì để làm. Khi đến lớp học, năng lượng họ toả ra rất tích cực. Và điều này khiến chúng tôi nhận ra rằng, xã hội chúng ta còn một lớp người hoàn toàn bị bỏ quên. Họ như bị đẩy ra ngoài rìa và ở đây, họ có người để nói chuyện, có việc để làm, để vui, và có thể lan toả sự tích cực với những người xung quanh mình”. Anh Hữu Chí nói về nhóm các học viên “già” ở Toa Tàu.
Tôi quan tâm hơn cả tới nhóm các học viên tuổi thanh thiếu niên, bởi theo anh Hữu Chí, nhóm học viên này chiếm rất nhiều trong các lớp học của Toa Tàu, và đây cũng là nhóm có chuyển biến mạnh mẽ nhất về tâm lý trước và sau khi tới học. “Khi đến với chúng tôi, nhóm này đang rất hoang mang, bối rối và lẫn lộn trước những giá trị về cuộc sống. Họ rụt rè và cảm thấy mình khác biệt. Nhưng đây là chỗ để họ nhận ra rằng mình không lạc lõng, không cô đơn và không khác biệt đến thế. Bởi tất cả có thể cùng kết nối với nhau, cùng hướng về cái đẹp và nhận thấy rằng, hoá ra là tất cả chúng ta đều có một góc cùng trân trọng cái đẹp”.
“Có một cô bé mới 15-16 tuổi thôi, sau khi học xong ở đây, cô bé ấy đã tự tin hơn rất nhiều và có thể làm được nhiều thứ mà cô ấy nghĩ rằng mình không làm được. Điều đó càng củng cố cho tôi niềm tin, rằng chúng ta học một điều đơn giản là học vẽ, nhưng rồi nó sẽ tạo ra một cái đà để ta có thể làm được nhiều điều khác nữa. Cô bé ấy đã chuyển sang viết và đặt mục tiêu sẽ làm CTV cho một tờ báo. Cô ấy đã làm được. Trong một buổi gặp gỡ các cựu học viên, cô bé ấy kể lại câu chuyện của mình và nó khiến chúng tôi cảm thấy vui vì những gì mình đã làm. Có rất nhiều học viên ở đây, sau khi hoàn thành khoá học này đã bỏ học, bỏ việc, đổi công việc hay quyết tâm ôn thi để ra nước ngoài. Bản thân trong lúc tương tác, chúng tôi không định hướng hay nói rằng bạn phải làm cái này, cái kia, đó hoàn toàn là những quyết định tự thân của mỗi người. Chúng tôi chỉ khuyến khích rằng nếu bạn thấy điều gì tốt, điều gì hay thì hãy làm điều đó. Và họ đã làm, họ đã dũng cảm hơn.”
4. KếtTrong lễ trao giải Oscar vừa rồi, nhà biên kịch Graham Moore đã lên bục nhận giải với một bài diễn văn làm lay động cả thế giới, anh nói: “Khi tôi 16 tuổi, tôi đã cố tự tử bởi tôi thấy mình kì quặc, tôi thấy mình không thuộc về nơi nào. Và giờ, tôi đứng đây và tôi muốn dành khoảnh khắc này cho những đứa trẻ ngoài kia, những đứa trẻ cảm thấy mình kì quặc hay khác biệt hay không vừa vặn với nơi nào. Có, em có đấy. Tôi hứa là em có. Em có. Hãy cứ kì quặc, hãy cứ khác biệt. Và rồi, khi đến lượt em đứng trên sân khấu này, hãy chuyển một thông điệp tương tự tới những người tiếp theo”.
Tôi không biết người khác ra sao, nhưng tôi thật sự đồng cảm với những gì anh Hữu Chí chia sẻ và những điều tuyệt vời đang diễn ra mỗi ngày ở Toa Tàu. Tôi tin rằng, ở nơi này - những đứa trẻ hay ngay cả những người trẻ, những ai đang cảm thấy mình kì quặc, thấy mình khác biệt và không giống với những người xung quanh - tất cả bọn họ sẽ cảm thấy an toàn và vui vẻ. Bởi điều Toa Tàu đã làm được, không phải là tạo ra những đứa trẻ tài giỏi, mà là giúp tạo ra những đứa trẻ hạnh phúc. Và chắc chắn rằng, đó mới là điều quan trọng hơn tất thảy những thành tích hay sự bảo đảm về tương lai nào chúng ta có thể nghĩ ra.
"Thành quả" từ các lớp Vẽ Kể Chuyện, lớp Khám Phá Hình Ảnh, gấp giấy Origami và đất nặn.
Diệp Nguyễn