Hỏi:
Em không biết mình có phải là người ích kỷ không nhưng em rất khó chịu với mẹ chồng em. Tính bà khá độc đoán, mọi quyền hành trong nhà hầu như mẹ chồng em nắm hết, bố chồng em thì chỉ ngày ngày đi đánh cờ tướng rồi uống trà với mấy bạn già hoặc đi chơi cầu lông rồi về, còn mọi việc trong nhà mẹ chồng em lo liệu. Bố mẹ chồng em đều có lương hưu nhưng mẹ chồng em cầm hết sổ lương, muốn đi đâu bố chồng phải xin tiền. Bọn em cũng đều đặn hàng tháng đưa tiền để bà đi chợ và sắm sửa vật dụng trong gia đình.
Từ ngày em có con đến giờ, mẹ chồng em cũng hỗ trợ em rất nhiều, nhất là bà thuộc kiểu “cuồng” cháu, còn hơn cả vợ chồng em yêu con. Bà thích tự làm mọi việc cho con em, thật ra điều đó cũng tốt, nhưng em không được can thiệp vào việc chăm sóc con mình mà chuyện ăn uống rồi ốm đau thuốc men ra sao bà đều chỉ đạo khiến em rất khó chịu.
Em muốn con mình ngủ riêng cho tự lập vì bé cũng được 3 tuổi nhưng bà không chấp nhận, bắt phải cho ngủ với bà. Dường như mẹ chồng muốn "chiếm giữ" con em cả ngày lẫn đêm nên em cảm thấy mình giống như không phải mẹ của con mình vậy. Em thấy rất mệt mỏi, hôm nào có việc bà đi vắng em thấy vô cùng thoải mái và tự do. Em muốn ra riêng nhưng sợ bà sẽ không bao giờ đồng ý. Em phải làm sao đây?
(Nguyễn Lan)
Em muốn con mình ngủ riêng cho tự lập vì bé cũng được 3 tuổi nhưng bà không chấp nhận, bắt phải cho ngủ với bà (Ảnh minh họa).
Chị Tâm An trả lời:
Em thân mến!
Có lẽ ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, khi người ta không nhìn được những điều tích cực thì lúc nào cũng thấy mệt mỏi. Vì vậy nên mọi người thường hay nói: “Chẳng có ai là hoàn hảo, như ngọc còn có vết”. Mẹ chồng em thuộc tuýp người “hơi quá”, có lẽ do thói quen của bà từ trước đến nay luôn phải tự mình giải quyết mọi việc, hơn nữa bà cũng là người quá yêu cháu nên mới có những hành động khiến em cảm thấy không thoải mái.
Nhưng thử suy nghĩ lại, liệu có mấy bà mẹ chồng yêu cháu và sẵn sàng dành mọi thời gian để bên cạnh cháu như vậy không? Em có thấy rằng, khi có mẹ chồng em ở bên cạnh là em đã rất thảnh thơi trong việc chăm con và có nhiều thời gian cho mình không? Tất nhiên điều gì cũng có mặt tốt xấu của nó, có thể bà nghĩ rằng mình đã có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc trẻ và bà nghĩ rằng những điều đó là tốt với cháu nên bà muốn áp dụng. Chúng ta không nên phủ nhận những điều tích cực ấy, và việc dạy con có tốt cũng phải nhờ nền tảng được xây dựng từ quá khứ.
Nếu em không muốn bà can thiệp quá nhiều đến việc chăm sóc hay dạy dỗ con, em phải mềm dẻo thủ thỉ tìm cách nói chuyện với bà, đưa ra những ví dụ cụ thể để bà hiểu được hiện nay chuyện dạy con đã thay đổi như thế nào. Thậm chí có thể nhờ thêm chồng tác động nếu cần thiết. Đừng suy nghĩ và hành động cực đoan sẽ dễ làm cho mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu bị tổn thương. Mọi thứ cần từ từ và có thời gian để bà thích nghi và thay đổi em ạ, tránh những tuyên bố đột ngột gây sốc. Sống với bà có thể em không thấy thoải mái, nhưng khi đã sống trong cùng một nhà với nhau, cần thay đổi bằng những suy nghĩ tích cực.
Suy cho cùng, bà cũng là người hết lòng cho gia đình và thương con cháu mà thôi. “Nhân vô thập toàn”, không ai là người hoàn hảo cả, được điều này thì mất điều khác. Quan trọng là chúng ta sẽ chấp nhận nhau ở mức độ như thế nào mà thôi.
Em có “đồng minh” là người chồng em ở bên cạnh, nên hãy cùng bàn bạc với anh để tìm ra những giải pháp tốt nhất giúp gia đình vẫn yên ấm vui vẻ thuận hòa mà em cũng thoải mái hơn nhé. Đừng khó chịu rồi suy nghĩ một mình, sẽ khiến em bị ức chế và không tìm ra cách giải quyết. Thân mến!
Chị Tâm An của chuyên mục Chuyện khó nói sẽ tư vấn giúp bạn các vấn đề xoay quanh những thắc mắc về tình yêu, hôn nhân, gia đình. Hãy gửi những băn khoăn của bạn về địa chỉ email tinhyeuhonnhan@afamily.vn. Chuyện khó nói sẽ giữ bí mật thông tin cá nhân của bạn (Yêu cầu thư gửi về phải viết có dấu). Chuyên mục Chuyện khó nói mời bạn đón đọc những bài tư vấn trên aFamily vào 11 giờ các ngày thứ 3 và Chủ Nhật trong tuần. |
Có thể bạn quan tâm: