Những người tới đòi nợ nhà ông bà Thăng đều ái ngại cho hoàn cảnh của nhà ông bà, cũng đành chẳng dám đòi gắt gao. Ông bà Thăng cả ngày ủ rũ, buồn rười rượi, lo lắng đến mất ăn mất ngủ khoản nợ đè nặng lên vai. Con trai ông bà phải đi làm thuê vất vả cực nhọc để kiếm tiền nuôi con, hỏi tới vợ là u sầu, ủ dột mặt mày. Chỉ thương cháu ông bà, mới 3 tuổi đầu đã chẳng còn tình thương của mẹ. Không khí gia đình lúc nào cũng u ám, tăm tối. Nguồn cơn tạo nên cảnh tượng đáng thương của nhà ông bà bây giờ đều do cô con dâu gây ra - người ông bà đã từng coi như con gái ruột, hết lòng lo lắng, không tiếc đặt niềm tin và giao phó tiền bạc.
Bốn năm trước, con trai ông bà Thăng cưới vợ, một cô gái ở tỉnh bên, ngoại hình cũng ưa nhìn, tính cách dịu dàng, ngoan ngoãn. Ông bà vui lắm, hi vọng từ đây vợ chồng các con bảo ban nhau làm ăn, sớm sinh cháu nội cho ông bà bế. Một năm sau, con dâu đã sinh cho ông bà cháu trai đích tôn khiến ông bà mừng vui khôn xiết. Được một năm nữa, con dâu quyết định cai sữa sớm cho con rồi bàn với chồng cả nhà hùn tiền để cô ta đi xuất khẩu lao động nước ngoài kiếm chút vốn, vài năm về mở cửa hàng kinh doanh, vợ chồng cùng làm. Ông bà nghe cũng thấy hợp lí, lại thấy vợ chồng con trai hợp sức đồng lòng nên cũng cố gắng chạy đi chạy lại vay mượn gom góp đủ số tiền cho con dâu đi làm ăn nơi xứ người.
Mọi người đều biết ông bà Thăng trước nay là người tử tế, đáng tin cậy, lại biết con dâu đi làm ăn chứ không phải đua đòi phá phách gì nên đều cho ông bà mượn mà không nghi kị gì. Ngày tiễn con dâu ở sân bay, ông bà và con trai đều mong có ngày tương lai tươi sáng, chứ ai ngờ đâu sự thể lại ngoài sức tưởng tượng của ông bà như thế này!
Ảnh minh họa
Ba tháng đầu, con dâu ông bà đều gửi tiền về đều đặn. Ông bà vội mang đi trả nợ bớt, chứ nào có dám giữ đồng nào tiêu riêng cho bản thân mình. Nhưng sang tháng thứ tư trở đi, con dâu ông bà không gửi tiền về nữa, những cuộc điện thoại cũng thưa thớt dần. Cô ta nói công việc khó khăn, nhà máy ít việc nên lương ít, thậm chí còn đang bị nợ lương, khi nào lấy được lương sẽ lập tức gửi tiền về. Tin tưởng con dâu, lại không muốn giục giã nhiều chuyện tiền nong, ông bà đành im lặng chờ đợi. Nhưng chờ 4,5 tháng nữa mà cô ta vẫn chỉ thi thoảng gọi về hỏi thăm con, và kêu chưa lấy được lương.
Tròn 1 năm từ ngày con dâu đi, cô ta gọi điện về thẳng thừng nói ông và Thăng đừng mong ngóng nữa, cô ta sẽ không gửi tiền về nữa đâu, còn bảo chồng ở nhà hãy lấy vợ mới đi, đừng đợi cô ta làm gì, khi nào cô ta về sẽ làm thủ tục li hôn, còn con không thích nuôi thì mang về cho bố mẹ đẻ cô ta, ông bà sẽ nhận nuôi. Chắc có lẽ cô ta đã chẳng còn lí do gì để lần khứa nữa, hoặc giả cũng chẳng thèm viện cớ nữa, mới xổ toẹt ra luôn. Bởi vì, có 2 người đi cùng đợt với cô ta ở làng, họ vẫn gửi tiền về cho người nhà đều đặn cơ mà.
Chuyện vỡ lở ra, mọi người trong làng đều biết. Lại có thông tin truyền đến tai ông bà Thăng từ những người cũng làm bên kia với con dâu ông bà, rằng cô ta đã có người đàn ông khác. Hai kẻ ấy hẹn hò ít nữa về nước sẽ cùng nhau hùn vốn làm ăn, nọ kia đủ cả. Thực ra chẳng nói thì ông bà cũng có thể đoán ra được. Nếu không vì có tình mới thì sao đang yên đang lành một người phụ nữ lại chẳng màng đến chồng con. Uất ức nhất là cô ta đã phủ nhận hoàn toàn số tiền ông bà xoay xở cho cô ta đi lao động nước ngoài, khiến bao tội nợ giờ đổ hết lên đầu ông bà. Thì ai bảo chính ông bà là người đi vay tiền!
Mọi người vừa thương vừa giận ông bà, thương vì ông bà giờ như lâm vào bước đường cùng, vài mảnh ruộng, với con trai đi làm thuê, vừa mây đủ ăn với nuôi một đứa trẻ, lấy đâu hàng trăm triệu để trả nợ. Giận là vì ông bà đã tin tưởng con dâu quá mức, tạo mọi điều kiện cho con dâu trong khi mình phải vay nợ. Nhưng chẳng lẽ cô ta đã có hôn thú với con trai ông bà, lại sinh cháu cho ông bà mà ông bà còn không tin tưởng, thì liệu còn tin được ai? Chỉ biết trách sao cô con dâu ấy quá tráo trở mà thôi…
Có thể bạn quan tâm: