Ông NVT là hội thẩm trong nhiều vụ án ly hôn ở TAND quận 6. Nguyên đơn trong vụ án ly hôn lần này vì quá ghen mặc cho vợ hết lòng yêu thương.
Anh buông, chị kéo
Anh học hết lớp 12 rồi đi làm công nhân. Chị học đại học rồi làm việc cho một công ty. Trong đơn ly hôn, anh viết rằng họ thành vợ chồng được hơn năm năm, có một con chung. Để được gia đình chị xem mình là con rể, anh phải phấn đấu rất nhiều nhưng chị không yêu thương anh mà còn “ngoại tình”.
Tại tòa, anh tố chị nhiều lần “ngoại tình” và bị anh bắt gặp. Hôm thì chị có ánh nhìn lả lướt với một người ngoài công viên. Lúc thì hớn hở nhìn một thanh niên chạy xe máy đi qua nhà. Có hôm đang rửa bát, nhặt rau thấy mấy nam thanh niên đi ngang qua là ngoái ra để nhìn bằng được. Vào quán ăn với anh, thấy mấy nam phục vụ là tíu tít nói chuyện, mặc chồng ngồi bên cạnh. Đi ăn với những người đồng nghiệp trong công ty cũng thế, chị cứ vô tư, thoải mái cười nói, không giữ ý tứ.
“Có đời nào, ngồi sau xe đi chơi với chồng, thấy người đàn ông nào đẹp trai, chạy xe một mình là mắt sáng lên, cười nói rất vui. Nhiều lần tôi phải mất mặt với bạn bè, người thân. Càng nghĩ tôi càng buồn nhưng cô ấy cứ dửng dưng. Bực mình, tôi cố tình chọc ghẹo người khác để cô ấy biết rằng làm cho người khác phải buồn, phải suy nghĩ, phải khổ sở sẽ như thế nào…” - anh trải lòng.
Theo chị, anh ảo tưởng và quá đặt nặng vấn đề. “Anh suy nghĩ như vậy là tự mình làm khổ mình mà thôi. Ngoài gia đình, chồng con chúng ta còn có những mối quan hệ bạn bè để giao lưu, học hỏi nữa. Em vẫn luôn yêu anh, luôn dành tình thương với con và xem gia đình mình là nơi hạnh phúc nhất. Chẳng lẽ đi ngoài đường mà cứ phải nhắm mắt lại, không được nhìn ai” - chị giải thích.
Anh vùng vằng: “Tôi phải ngày đêm suy nghĩ, đau hết cả tim. Cô có biết rằng hễ cô đi ra ngoài là tôi lo biết bao nhiêu không?”. Anh cho biết rất nhiều lần chỉ có hai vợ chồng, anh thủ thỉ vào tai chị đừng làm anh phải đau tim nữa. Chị gật đầu nhưng chỉ được vài hôm thì đâu lại vào đấy.
Hội thẩm ra đòn tâm lý
Tòa cố gợi để hòa giải rằng anh hiểu sai về chị, nếu vì những chuyện không có cơ sở mà ly hôn thì không đáng vì cả hai còn yêu nhau, đều có trách nhiệm với gia đình.
Nước mắt lưng tròng, chị kể hơn sáu năm yêu anh, chị bị gia đình phản đối vì không tương xứng về học thức. Cha mẹ, anh chị tuyên bố từ mặt nhưng chị vẫn bỏ mặc để yêu và được ở bên anh. Cưới nhau về, có con, nhìn thấy anh chăm sóc vợ con chu đáo, cha mẹ chị mới vun vén cho hai người. “Nếu em làm gì sai để anh buồn và đau khổ thì em sẽ chịu trách nhiệm. Đằng này tình yêu của em dành cho anh vẫn vậy. Xin anh hãy nghĩ đến thời gian chúng ta hạnh phúc mà nghĩ lại”… Anh vẫn lạnh lùng, vẫn một hai đòi ly hôn.
Hội đồng xét xử hỏi: “Phải khó khăn lắm anh mới được gia đình vợ chấp nhận là con rể, chẳng lẽ giờ anh lại ly hôn dễ thế sao?”. Anh nói: “Vì cô ấy tôi đã phấn đấu rất nhiều nhưng tôi không thể sống trong gia đình mà mình cứ bị áp lực về tâm lý”.
Thấy người chồng căng thẳng, ông T. gọi anh lên phân tích cho anh hiểu. Sau đó ông nhìn chị rồi ghé vào tai anh nói nhỏ: “Nếu anh ly hôn thì để cô ấy lại cho tôi”. Đi xuống khán phòng, anh ngồi im, hết nhìn vợ rồi nhìn về phía vị hội thẩm. Một lúc sau, anh đứng dậy xin tòa cho rút đơn. Tòa đồng ý để anh chị hòa hợp.
Hội thẩm NVT: “Cách làm của tôi là không nên” Nguyên đơn vì quá ghen vợ nên mới làm đơn ly hôn chứ hai vợ chồng họ chẳng có mâu thuẫn. Trái lại, họ còn rất yêu thương nhau. Trong thời gian thụ lý vụ án, nhiều lần tòa đưa ra hòa giải nhưng anh chồng nhất định không chịu. Đọc đơn ly hôn, tôi cứ thắc mắc sao mâu thuẫn quá nhỏ nhặt mà họ có thể ly hôn được. Ngay lúc đó, tôi nghĩ đến câu chuyện mình đã đọc qua, về khéo léo xử lý tình huống xử án ly hôn của một vị thẩm phán nọ. Đó là, khi thấy hai vợ chồng còn yêu nhau, chỉ vì cái tôi quá cao mà chị vợ viết đơn ly hôn. Trong phòng xử, vị thẩm phán chỉ để một cái ghế cho hai đương sự. Xét hỏi các đương sự xong, ông đi ra ngoài. Hai tiếng sau, ông quay lại thì thấy cả hai đương sự cùng ngồi chung một cái ghế. Vậy là hôm đó, vị thẩm phán đã hòa giải thành. Nghĩ đến cách giải quyết tình huống của vị thẩm phán ấy, tôi đã dùng chiêu đánh vào tâm lý người chồng. Nói xong câu đấy, thấy cả khán phòng ai cũng nhìn về phía mình, tôi thấy sao mình lại vô duyên như vậy. Liệu anh chồng có vì ghen mà làm loạn lên không? Liệu chị vợ có đổ lỗi do mình mà hạnh phúc của họ tan vỡ?... Nhưng điều ngược lại đã xảy ra. Sau khi ngồi suy nghĩ, như hiểu được cái sai của mình, anh chồng đã rút đơn để hàn gắn với vợ. Tôi và vị chủ tọa phải hỏi đi hỏi lại rất nhiều lần: “Có thật sự anh muốn rút đơn không?”. Phải nghe anh chồng khẳng định đến lần thứ ba, cả hội đồng mới tin đó là sự thật. Dùng đòn tâm lý khi xét xử vụ án là cách để giúp các vụ án khi xét xử bớt căng thẳng, có thể hiệu quả. Tuy nhiên, cách của tôi làm là không nên và không đúng quy định trong phòng xử án. Có những vụ ly hôn, khi xét xử tòa cần phải chấp nhận để giải thoát cho người vợ hoặc chồng. Nhưng cũng có những vụ, tòa phải tìm mọi cách để hòa giải hoặc không thể chấp nhận vì họ còn yêu thương nhau và có thể hàn gắn được những rạn nứt không đáng có. Tuy nhiên, người trong cuộc phải biết lắng nghe, nhận ra cái sai của mình và sửa đổi. Ông NVT, hội thẩm TAND quận 6 |