Vào những ngày này, một lượng rất lớn khách du lịch đổ xô lên đà lạt để tham quan và thưởng ngoạn những vườn hoa bát ngát đang khoe sắc. Trong đó, cánh đồng hoa cải tại huyện Đơn Dương (nằm ở phía Đông Nam Đà Lạt) cũng là nơi đang thu hút rất nhiều khách du lịch đến chụp ảnh. Mỗi ngày tại đây có không dưới vài trăm người, đa phần là các bạn trẻ và những ai đam mê hoặc có nhu cầu chụp ảnh. Nhưng cũng chính vì thế mà cách đây vài ngày, thông tin về cánh đồng hoa cải tại Đơn Dương đang bị tàn phá bởi những hành động vô ý thức của khách du lịch khiến nhiều người bức xúc. Mọi người liên tục chia sẻ những hình ảnh hoa cải vốn đang được chờ để thu hoạch lại bị giẫm đạp và gây phiền hà cho người nông dân trồng cải tại đây.
Sáng 29/11, chúng tôi có mặt tại cánh đồng hoa nằm tại xã Tutra thuộc huyện Đơn Dương, đây là một trong những cánh đồng hoa bị thiệt hại nặng nề do quá nhiều du khách thiếu ý thức đến tham quan.
Ruộng hoa cải dài bất tận này đang là điểm thu hút nhiều khách tham quan tại Đà Lạt.
Theo chủ vườn cho biết, ông bắt đầu trồng hoa cải từ hồi năm ngoái (2014), nhưng thời điểm đó chưa có nhiều du khách tới thăm, thỉnh thoảng chỉ có vài đôi bạn trẻ xin vào để chụp ảnh. Đến năm nay thì lượng khách tìm đến ruộng cải bắt đầu tăng chóng mặt. Tuy nhiên vào những ngày đầu thì ông vẫn vui vẻ tiếp đón, vì thấy đa phần là khách ở vùng xa tìm tới, cho đến lúc ông chứng kiến những luống hoa cải của mình bị giẫm đạt, đè bẹp và gãy nát thì ông bắt đầu rào chắn lại phía cổng trước và không tiếp đón khách vào xem.
Từ một ruộng hoa tươi tốt, giờ đây vườn cải bỗng chốc bị xơ xác đi vì những vị khách thiếu ý thức.
Những đôi chân này đã giẫm những luống hoa cải dù nhiều lần chủ vườn nhắc nhở, thậm chí là đuổi đi.
Chưa kể nhiều bạn đến còn vô ý quăng quần áo, túi xách đè lên những luống cải vốn dĩ đã rất yếu và mềm.
Nhiều luống cải đã bị đè nát.
Các bạn trẻ cũng không ngầm ngại len lỏi vào bên trong và ngồi trên những bông hoa cải.
Tuy nhiên vẫn có nhiều vị khách ý thức hơn và họ chỉ đứng phía ngoài để chụp ảnh.
"Nói là cấm, nhưng nhiều người cũng tìm cách men theo ruộng ngô và ruộng cà chua ở hai bên để lẻn vào. Nhiều lúc thấy người ta giẫm đạp mình cũng la mắng nhưng nhiều người đến quá, chúng tôi quản lý không xuể nên có lần tôi bực và đuổi họ đi. Làm vậy tôi thấy cũng kỳ nhưng đâu biết sao được" - chủ vườn cải cho hay.
Tiếp không được, đuổi cũng không xong trong khi lượng khách tìm đến ngày càng đông nên khoảng 3 ngày gần đây, chủ vườn cải này đã bắt đầu thu phí dành cho khách muốn vào chụp ảnh.
Ông chủ vườn cải dù bị thiệt hại nhưng ông vẫn chào đón khách vì không nỡ nhìn thấy khách ở xa lặn lội đến rồi phải thất vọng ra về.
Cách duy nhất của ông là thu phí chụp ảnh, nhưng chỉ với 15 nghìn một người và không quy định thời gian. Ông chỉ đưa ra một quy định duy nhất là không giẫm vào luống cải mới, còn những luống đã bị đạp gãy trước đó ông có thể châm chước cho qua.
Cứ cá nhân hay đoàn, nhóm nào vào đông, ông chủ vườn cải cũng sẽ hỏi trước mục đích vào là gì? Nếu là chụp ảnh thì ông sẽ thu mỗi người là 15 nghìn đồng, còn chỉ đứng xem thì không thu tiền. "Tôi thu tiền vì để mọi người tự cảm thấy ý thức hơn và một phần giúp tôi bù lại những luống cải đã bị tổn thất trước đó".
Cũng theo chủ vườn cho biết, cánh đồng cải hiện giờ nếu thu hoạch đầy đủ, ông sẽ có thể thu được 30 triệu đồng, nhưng với tình hình hiện tại thì sẽ thấp hơn rất nhiều do cải đã bị hư hại nặng.
Một mảng lớn của ruộng cải bị đè bẹp.
Được biết tại xã Tutra, huyện Đơn Dương này vẫn còn một số vườn cải khác gặp phải tình trạng tương tự, mà tất cả đều xuất phát từ hành động vô ý thức của những người chỉ đến để mong có một bức ảnh đẹp. Trong khi đây đều là những vườn cải tư nhân, của những người dân trong vùng trồng trọt và không hề có ý định sẽ kinh doanh dịch vụ hay thu hút khách du lịch đến.Vì lòng hiếu khách, những người nông dân trồng cải không nỡ nhìn thấy khách phương xa lặn lội tìm đến phải thất vọng ra về, nên ngày ngày vẫn cố gắng chào đón từng dòng người đến, họ bỏ công việc cá nhân, việc nhà để ra vườn cải trông chừng, cuối cùng người bị thiệt hại nhiều nhất vẫn là những người nông dân ở Đà Lạt thiên đường hoa này.