Được biết đến là một cường quốc kinh tế đứng thứ 4 trên bản đồ tài chính thế giới, không thể phủ nhận nhật bản đang có sức phát triển vô cùng lớn. Nhưng song song với sự giàu có ấy, quốc gia này hiện đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề, từ việc dân số đang ngày một già đi cho đến hiện tượng các thanh niên tự giam mình trong phòng riêng, tách mình với cộng đồng, được gọi với cái tên "Hikikomori".
Phóng sự về Hikikomori, "căn bệnh" mà hàng triệu thanh niên Nhật Bản mắc phải.
Hikikomori là hiện tượng những người trẻ tự cách li mình với xã hội, từ chối mọi sự giao tiếp, chỉ luôn luôn ở lì trong phòng riêng. Các hoạt động trong ngày của các "Hikikomori" chỉ là thức dậy, ăn uống, lướt net rồi đi ngủ, tất cả sinh hoạt thường nhật của họ chỉ gói gọn trong không gian cá nhân của họ. Hàng triệu nam giới Nhật Bản đã và đang là nạn nhân của hội chứng này, phần lớn trong số họ là những chàng công tử hoặc rất thông minh. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít Hikikomori là những người đàn ông trong độ tuổi trung niên.
Phần lớn các Hikikomori là những thanh niên thông minh. ưu tú.
Chuỗi sinh hoạt của một Hikikomori chỉ là Ăn -lướt net- ngủ, gói gọn trong 4 bức tường.
Tiến sĩ Takahiro Kato, một trong những chuyên gia về Hikikomori, và bản thân ông cũng từng là một Hikikomori trong khoảng thời gian còn là sinh viên đã đưa ra dự đoán xu hướng tự kìm hãm bản thân này sẽ còn lan rộng trong thế hệ tiếp theo nếu như không có biện pháp khắc phục chính xác. Theo các nghiên cứu của ông, việc 1% dân số Nhật là Hikikomori có thể coi là một "vết thương" cho nền kinh tế nước này, khi chất xám của các thanh niên ưu tú này chỉ quanh quẩn trong 4 bức tường và màn hình máy tính.
Tiến sĩ Takahiro Kato.
"Phần lớn đều là những sinh viên đã ra trường, vì thế rất ảnh hưởng đến kinh tế Nhật. Thậm chí có các Hikikomori còn tốt nghiệp từ những trường Đại học danh giá, đó là một bi kịch đối với cuộc đời họ.", Tiến sĩ Kato trả lời phỏng vấn tờ ABC 7.30.
Chưa từng bước ra khỏi phòng riêng trong 3 năm trước khi tìm đến các liệu pháp tâm lý, Yuto Onishi, một chàng trai Tokyo 18 tuổi tiết lộ rằng, trong hơn 1000 ngày liên tiếp, cậu chỉ ngủ, lên mạng và đọc truyện tranh mà không hề tương tác với bất kỳ ai. Theo Onishi, có lẽ tình trạng đó của cậu là kết quả của việc thất bại trong cuộc bỏ phiếu làm lớp trưởng trong thời gian anh chàng học cấp 3. Chính bản thân chàng trai 18 tuổi cũng biết rằng đó là một hành vi tiêu cực, nhưng giam mình trong phòng riêng khiến Onishi cảm thấy "an toàn và không muốn thay đổi".
Chân dung Yuto Onishi, một Hikikomori đã từng khóa mình trong phòng riêng 3 năm.
Cũng theo Tiến sĩ Kato, rất khó để có thể tìm thấy một Hikikomori xuất thân từ những gia đình nghèo. Hầu hết các trường hợp tự cách li cộng đồng này đều rơi vào các gia đình thuộc tầng lớp trung lưu, và sự mạnh mẽ trong mối quan hệ mẫu-tử tại Nhật Bản cũng được cho là một trong các nguyên do hình thành nên tình trạng này. Mặt khác, người Nhật Bản rất bao bọc con cái của mình. Đối với một số người, việc quá bao bọc này sẽ làm họ cảm thấy rất khó khăn để có thể tự lập. Mặt khác, nam giới Nhật chịu rất nhiều sức ép trong việc phải vào được một trường Đại học tốt, một công ty danh giá, đây cũng là một gánh nặng mà họ phải chịu.
Để giảm thiểu tình trạng nhức nhối ấy, tiến sĩ Kato và các chuyên gia khác tại Đại học Kyushu đã và đang hàng ngày nghiên cứu về các nhân tố xã hội cũng như sinh học góp phần tạo ra các Hikikomori nhằm tìm ra liệu pháp thích hợp nhất điều trị hiện tượng tâm lý tiêu cực này. Theo đó, quan trọng nhất là việc tái tạo khả năng giao tiếp cho bệnh nhân, và yếu tố đóng vai trò quyết định chính là gia đình họ. Tuy nhiên, cũng có các Hikikomori kiên quyết không chịu tương tác với những người thân yêu, chỉ muốn được điều trị một mình, các "ca" này lại khó xơi hơn cả.
Gia đình là nhân tố quyết định tới sự thành bại của quá trình tái hòa nhập cho các Hikikomori.
Lương Hồng Phúc (Trí Thức Trẻ)