Từ hôm một trang báo nổi tiếng đăng bài nói về chuyện một nhà xuất bản: "Nói không với ngôn tình", mình thấy có vài bài bắt đầu xem ngôn tình như một sự xuống cấp của văn học. Mình thì không đọc ngôn tình, nhưng mình cũng đọc rất nhiều thứ bị cho là nhảm nhí - như tiên hiệp Trung Quốc chẳng hạn. Ừ mà người Việt xài hàng Trung Quốc là chính nhỉ? Hàng Tây cũng có nhiều cái dỏm lắm, mình cũng đọc qua không ít thứ như thế. Chả có chút giá trị nhân văn hay văn học nào - ít ra trong mắt mình là thế.
Một tình trạng chung của các tác phẩm như vậy (ngôn tình, tiên hiệp,..) là tình trạng đạo văn, cắt ghép lẫn nhau, lấy ý từ các tác phẩm nổi tiếng rồi tự nhận của mình... Đọc nhiều là thấy sự lặp lại liên tục và liên tục. Đôi khi cũng có sáng tạo, nhưng nhanh chóng bị sao chép. Điều chán nản nhất khi đọc các tác phẩm này là mỗi khi thấy một ý nào đó hay ho là cứ google là ra một đống thứ tương tự. Chưa kể là nhiều tác phẩm đưa ra vấn đề rất dữ dội, thắm thiết nhưng cuối cùng chẳng có lối ra nào cho chúng ta.
Nhưng tác phẩm và tác giả như vậy không có tội. Mọi thứ trên đời tồn tại đều có nguyên nhân và chỗ đắc dụng của nó, dù có thể là rất ít. Như một số loài hoa dại, không đẹp, không thơm mà thậm chí là... thúi vẫn có chỗ đứng riêng nó ở đâu đó trên cõi đời này.
Trước đây mình rất kỳ thị ngôn tình và mấy tác giả trẻ nổi danh ào ạt, viết sách cứ như nấm sau mưa, rào rào rào... Một nhà văn đã nói với mình một câu làm mình tỉnh ra: "Thật ra tất cả những người đang viết những câu chuyện ba xu như vậy, tất cả bọn họ đều muốn có một cuốn truyện thật hay, thật ý nghĩa của riêng mình". Hãy nghĩ về điều đó.
Nếu chúng ta biết mình đang làm gì - vâng, quanh quẩn cuộc đời này chỉ có vậy - tự biết mình. Nếu ta biết mình đang đọc thứ gì, vì sao mình chọn đọc thứ này mà không đọc các tác phẩm đoạt giải Nobel, và mình được hay mất gì khi đọc. Nếu ta biết hay thậm chí chỉ cần nghĩ về những điều đó trước, trong và sau khi đọc một tác phẩm nào đó, thì bất cứ tác phẩm nào ta đọc cũng đều mang lại ích lợi - ít hay nhiều cho ta.
Dần dần như vậy ta tự nhiên sẽ biết lựa chọn điều nào mang lại hiệu quả cao hơn (nhiều niềm vui hơn, nhiều điều hay hơn, gợi lên nhiều suy nghĩ hơn, ít tốn thời gian hơn). Ta sẽ nhận ra có những thứ chỉ cần đọc rất ít nhưng khiến ta suy nghĩ và học thêm được rất nhiều, có những hình ảnh rất nhỏ nhẹ mà mang lại niềm vui rất lớn lao, cũng có những thứ bỏ vài ngày ra đọc xong chả đọng lại một chút gì. Tự biết mình, ta sẽ hiểu điều đó.
Vấn đề là nếu ta chưa hoặc không tự biết mình thì sao? Trong "Rich dad, poor dad", Robert Kiyosaki có một minh họa cho vấn đề này. Ông hỏi: "Nếu một đứa trẻ chưa thể tự cầm que kem, bạn có tiếp tục đưa kem cho nó không?". Câu trả lời là không. Đứa trẻ sẽ không được cầm kem nếu nó chưa thể giữ que kem. Có thể nó sẽ học được cách cầm kem nhanh hơn nếu bạn cứ liên tục đưa kem cho nó, nhưng hãy nhìn số que kem bị bỏ phí kia, liệu có đáng không?
Cũng vậy, nếu tâm lý và kiến thức của ta chưa đủ vững vàng ở một mức nào đó, thì nên cẩn thận trong việc lựa chọn thể loại sách yêu thích của bản thân mình. Tốt nhất là nên đọc nhiều thể loại khác nhau để có khái niệm và hình dung về sách, để biết qua sự đa dạng của cuộc đời và không quá sa đà vào một thể loại nào đó, tránh tiền mất tật mang.
Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo