Cô nhận được "lệnh" của người yêu bằng giọng hốt hoảng trong điện thoại: "Em em, mẹ anh bảo đưa em về ra mắt gia đình. Ngay và luôn, em chuẩn bị quần áo đi nhé, anh qua đón!". Chưa kịp thắc mắc vì sao lại quyết định ra mắt đột ngột thế thì anh đã cúp máy. Trong lòng cô ngổn ngang trăm nỗi, nửa thì hồi hộp lo lắng, nửa lại muốn đến thăm nhà anh và gặp mặt bố mẹ anh. 25 tuổi, hai người cũng đã ra trường đi làm, rong chơi mãi sao được.
Trên đường đi, cô tò mò hỏi anh lý do vì sao mẹ lại bắt ra mắt vội vàng như thế. Thì ra, mẹ anh vừa mới phát hiện chuyện anh có người yêu qua một người em họ của anh. Trước nay, bà cứ ngỡ anh vẫn "độc hành", giờ biết anh đã có nơi có chốn, bà muốn "duyệt" cô con dâu tương lai trước khi "gạo đã nấu thành cơm".
Cuộc ra mắt nhẹ nhàng hơn cô tưởng. Mẹ anh không vồn vã, xởi lởi nhưng bà cũng không dò xét, soi mói gì cô cả. Chuẩn bị bao phương án, câu trả lời để đối phó với mẹ chồng tương lai nhưng cô gần như không phải "trở tay" lần nào. Trước khi ra về, cô còn được bà tươi cười dặn dò: "Trưa chủ nhật này đến đây ăn cơm con nhé. Con bận gì thì muộn hãy đến cũng được, không phải đến sớm đâu". Cô vâng dạ về nhà, trong lòng khấp khởi mừng thầm vì bước khởi đầu đã thành công ngoài mong đợi.
Lần gặp mặt thứ hai ở nhà anh, cô không hề chuẩn bị gì mà đến với tâm lý hết sức thoải mái. Nhưng mọi chuyện lại diễn ra ngoài sức tưởng tượng của cô. Vừa bấm chuông, cô đã nhìn thấy rất nhiều xe máy và đông người ở trong nhà. Cô không nghĩ rằng hôm nay lại là buổi ra mắt toàn bộ họ hàng nội ngoại nhà anh. Vì bà không nói trước, anh cũng chẳng hay biết gì nên cô lộ rõ sự ngạc nhiên, xen lẫn lo lắng trên khuôn mặt. Tâm trạng đó không qua được mắt mẹ anh, bà nhanh nhảu: "Bác sắp mấy mâm cơm mời các cô, các bác đến chơi, cũng là để con nhận họ hàng luôn". Cô điếng người vì anh và cô đã tính chuyện cưới xin gì đâu mà nhận họ hàng.
Cơm nước xong xuôi, bà gọi cô và anh ra giao "tối hậu thư": "Mẹ nghe nói hai đứa yêu nhau cũng lâu rồi mà không thấy báo cáo kế hoạch gì cả. Tiện đây, mẹ giao việc luôn: Một là, hôm nay đã ra mắt nhà bên này rồi, tuần sau con thu xếp để bố mẹ sang thăm bên nhà con bàn chuyện cưới xin. Không phải thủ tục gì rườm rà, làm gọn nhẹ trong tháng này luôn. Hai là, cưới xong phải sinh con ngay. Ba là, kiểu gì cũng phải ở riêng, thuê nhà hay mua nhà thì tự hai đứa bàn tính. Bốn là, hai đứa sẽ phải tự lập hết, kể cả chuyện con cái sau này, đừng trông chờ bố mẹ chăm cháu hộ. Cơ bản là thế...".
Ở bà có điều gì đó lạ lùng, khác hẳn với những người mẹ khác mà cô biết (Ảnh minh họa).
Mẹ anh nói rành mạch nhưng liền một lèo, không ai dám xen vào. Khi cả anh và cô vẫn còn "toát mồ hôi" vì hàng loạt việc hệ trọng bà giao cho thì đã thấy bà quay sang, nhưng cả hai không kịp định thần lại, chỉ lí nhí đáp: "Dạ, để bọn con bàn bạc với nhau một tí đã ạ". Bà xua đi: "Yêu thì đã yêu lâu rồi, hiểu nhau rồi. Cưới xin đã có người lớn lo, nên cứ thế mà thực hiện".
Sau buổi nói chuyện ấy nhiều ngày, cô vẫn như người mất hồn vậy. Cô khá bất ngờ về mẹ chồng tương lai của mình, làm trái ý bà thì không dám, mà nghe theo thì "tối hậu thư" đó vượt quá suy nghĩ của cô. Cưới cô còn chưa nghĩ đến, nói gì chuyện sinh con, nhà cửa...
Một tháng sau, cô chính thức trở thành con dâu nhà anh trong tâm trạng vẫn chưa hoàn hồn. Vừa vội vã lo chuẩn bị đám cưới, rồi lo thuê nhà ở riêng... và hơn cả là cô sợ mẹ chồng. Ở bà có điều gì đó lạ lùng, khác hẳn với những người mẹ khác mà cô biết. Thường thì chẳng người mẹ nào bắt con ở riêng ngay sau ngày cưới, nhất là những gia đình có một người con duy nhất như nhà chồng cô. Rồi chuyện không chăm cháu nữa, cô nghĩ hẳn là bà không phải người thương con quý cháu rồi... Nhưng chính mẹ chồng đã từ từ gỡ rối giúp cô tất cả rối bời đó...
Theo bà, yêu nhau càng lâu càng dễ chán, nên đã thấy hợp nhau, hiểu nhau thì phải cưới luôn, để lâu sẽ không muốn cưới nữa. Rồi bà kể chuyện nhiều cặp vợ chồng không muốn vướng bận chuyện con cái nên hay kế hoạch, đến lúc muốn có con thì mãi không có, đó là lý do bà bắt vợ chồng cô sinh con ngay. Còn chuyện ở riêng, bà tâm sự bà không có điều kiện để mua nhà riêng cho vợ chồng cô nhưng bà sẽ cho một ít. Bà bảo: "Hai thế hệ ở với nhau kiểu gì cũng va chạm vì khác biệt về lối sống, thói quen. Mất lòng trước được lòng sau, ở riêng bố mẹ cũng dễ sống mà hai đứa thoải mái hơn. Ở riêng mà có con sẽ hơn vất vả, nhưng bố mẹ cũng không sang chăm cháu được đâu. Lúc bé thì con thuê người, lớn thì cho đi học cho tự lập sớm. Mẹ về hưu nhưng cũng bận lắm, mẹ đã nói trước rồi nên sau này đừng trách ông bà không giúp đỡ".
Quả thật, bố mẹ chồng cô đã về hưu nhưng ông bà tham gia hết hội nhóm này đến tổ chức khác. Khi thì đi tập thể dục, khi đi du lịch, hoạt động ở phường, rồi hội nhóm ở cơ quan cũ... Bà quan niệm hơn nửa đời sống vì con cái rồi, giờ đến lúc phải sống cho chính mình: "Sau này các con cũng vậy. Để con cái đi lấy vợ, lấy chồng rồi cũng phải hưởng thụ sở thích của mình, vui thú tuổi già. Cả đời chỉ chăm chăm đến con thì không lúc nào hết lo lắng, mệt mỏi...".
Nghe bà nói, cô thấy cũng phải nhưng vẫn cảm giác mẹ chồng không phải người dễ gần. Đến giờ, sau 3 năm làm dâu mẹ chồng, cô mới thấm thía quan niệm sống khá hiện đại của bà. Mẹ chồng vốn thẳng tính nên có gì nói nấy, "tối hậu thư" của bà năm xưa vẫn được quán triệt tới giờ. Ngoài thời gian tham gia các hội nhóm, ngày nào bà cũng ghé qua chơi với cháu và hai vợ chồng cô, hôm thì nửa tiếng, hôm vài giờ. Bà luôn nhắc đi nhắc lại với cô rằng: "Con cứ sống cho thoải mái, không phải nặng nề trách nhiệm làm dâu hay ngại ngùng gì mẹ cả. Sau này bố mẹ già cả sẽ vào viện dưỡng lão cho các con đỡ vất vả...".
beforeAfter('.before-after'); Có thể bạn quan tâm: