H. (quê Yên Bái) là một cô gái rất trẻ, mới 24 tuổi. Thế nhưng, rất ít người biết thực ra cô đã có chồng và một con gái gần 2 tuổi. “Mình lấy chồng khi đang học năm thứ 4 Đại học, chồng mình bằng tuổi, cũng học năm thứ 4. Cũng là bất đắc dĩ thôi, khi mình đã mang trong người một sinh linh…” – H. nhỏ giọng nói về chuyện của mình.
H. cho biết, để đi đến quyết định kết hôn là cả một sự khó khăn với chồng cô và chính bản thân cô. Lấy chồng sinh con đồng nghĩa với cô sẽ phải đối mặt với vô vàn điều khủng khiếp: vừa đi học vừa mang bầu, sinh con, chăm chồng trong khi chúng bạn thì thỏa sức theo đuổi những đam mê, hoài bão của tuổi trẻ. Còn chồng cô, ở cái tuổi ấy, việc lấy vợ và làm bố dường như còn quá lạ lẫm. Nhưng cuối cùng, 2 gia đình vẫn quyết định cho 2 người kết hôn, chỉ đăng kí rồi ở chung chứ chưa tổ chức đám cưới, mục đích là tiết kiệm tiền dành cho 2 người ăn học nốt, khi nào ổn định hơn thì sẽ tổ chức đám cưới sau, vì cả 2 nhà cũng không phải khá giả thì cho cam.
“Đã chính thức là vợ chồng nhưng chồng mình ra ngoài luôn xấu hổ không dám thừa nhận rằng đã có vợ, bạn bè hỏi đều giấu tiệt. Đi đâu không bao giờ muốn đi cùng mình, còn mình, vác cái bụng đi học cũng xấu hổ, tủi thân vô cùng. Nhưng chung quy cũng tại mình, biết trách ai bây giờ…” – H. bùi ngùi nhớ lại.
Đến khi cô tìm được một công việc tạm ổn thì cuộc sống của gia đình cô mới bớt nhọc nhằn (Ảnh minh họa).
H. còn nói thêm, những ngày tháng cô mang bầu, chồng cô vẫn vô tư đến vô tâm, chẳng biết quan tâm, chăm sóc vợ chút nào, ngoài giờ học ra là đi chơi game với đám bạn, sau đó thì về nhà ngủ, không cần biết cô ăn uống, nghỉ ngơi ra sao. H. chán nản, buồn khóc suốt ngày, trách chồng, trách mình, nhưng suy cho cùng cả 2 cũng đều còn quá trẻ người non dạ. May sao lấy được tấm bằng xong H. mới sinh con, vậy là cũng đã hoàn thành được việc học. Đôi vợ chồng trẻ con làm sao có thể lo nổi cho nhau, vì thế cô về quê sinh con, còn chồng ở trên thành phố kiếm việc làm.
“Thời gian đó, chồng mình xin việc đi làm. Lương lậu chẳng được bao nhiêu, anh ấy lại vẫn tưởng mình còn độc thân, chi tiêu không tiếc tay, bạn bè tụ tập bù khú suốt ngày, vì thế chẳng bao giờ có được đồng nào gửi cho con cả. Đau lòng hơn, anh ấy còn dường như quên hết rằng mình đã có vợ, đã làm bố, tưởng như mình chỉ là 1 sinh viên mới ra trường với bao lí tưởng hoài bão về sự nghiệp và cả tình yêu. Vì thế nghiễm nhiên tán tỉnh và yêu đương say đắm, lãng mạn với cô đồng nghiệp cùng công ty. Đến khi biết sự tồn tại của mình, cô nàng ấy còn cứ trố mắt vì kinh ngạc, không nghĩ trẻ như anh, vô tư lãng mạn như anh mà đã 1 nách vợ 1 nách con nhỏ!” – H. kể về chồng.
Rồi chuyện người thứ 3 ấy cũng qua, H. quay trở lại thành phố tìm việc đi làm, đón mẹ đẻ lên chăm con giúp đến khi con đủ cứng cáp đi nhà trẻ. Đến khi cô tìm được một công việc tạm ổn thì cuộc sống của gia đình cô mới bớt nhọc nhằn. “Cho đến giờ, con gái mình đã 2 tuổi nhưng bọn mình vẫn chưa nghĩ đến một đám cưới công khai để bố cáo thiên hạ. Phần vì cũng chưa dư dả gì, phần vì đã ở với nhau thế này mấy năm trời rồi, giờ có đám cưới hay không có lẽ cũng chẳng khác gì… Nếu thời gian quay trở lại, mình nhất định sẽ tỉnh táo, lí trí hơn. Vợ chồng sinh viên thật bi ai lắm thay…” – H. cám cảnh.
K.A (quê Thái Bình) quen chồng trong lớp học Cao học. Lúc ấy, cả 2 người đều là những sinh viên vừa mới tốt nghiệp, vừa đi làm vừa đi học nâng cao bằng cấp, mong có cơ hội tìm kiếm công việc tốt hơn. 2 người quen và yêu nhau một cách sét đánh, đến khi K.A phát hiện mình đã mang bầu thì mới tá hỏa, lo lắng vô cùng.
“Lúc đó bọn mình mặc dù đã tốt nghiệp Đại học nhưng cả 2 đứa đều vừa mới đi làm không lâu, công việc chưa ổn định, lương bổng thì bèo bọt, lại còn đều đang theo học Cao học nữa, vì thế mình bấn loạn vô cùng, bỏ con thì thương mà giữ lại thì xác định khó khăn chồng chất. Nhưng sau khi mình thông báo cho bạn trai, rồi cả gia đình 2 bên biết chuyện, bàn bạc một hồi, kết luận được đưa ra là: bọn mình nuôi được thì để, bố mẹ sẽ cưới cho. Nhưng 2 nhà đều là nông dân nghèo, nuôi bọn mình ăn học vẫn còn nợ tiền, lấy đâu ra mà chu cấp thêm cho bọn mình nuôi con nữa. Lúc đó mình và bạn trai buộc phải tự đưa ra quyết định cho chính cuộc đời mình” – K.A nhớ lại chuyện cũ. Cô nói, cuối cùng 2 người đã quyết định đi đến hôn nhân, vì suy cho cùng 2 người đã là người trưởng thành rồi, nên chịu trách nhiệm với chính việc mình làm. Sự không chối bỏ trách nhiệm của bạn trai đã khiến cô càng thêm vững tin vào quyết định của mình.
K.A kể rằng, sau khi kết hôn không lâu, cô đã nghỉ học ở lớp học Cao học, vì sức của một bà bầu không thể vừa đi làm, vừa đi học được, nghỉ làm thì không được vì không làm thì lấy đâu ra tiền, trong khi con chưa ra đời nhưng chi phí đã đội lên trông thấy. “Thôi thì không học lúc này cũng có thể học lúc khác…” – K.A tự an ủi mình. Nhưng vì nghén nhiều, đi làm một tuần thì cô nghỉ mất 2,3 ngày, trong khi đó cô là một nhân viên mới toanh, vì thế cô đã bị giám đốc nói khéo cho nghỉ ở nhà. Thế là từ đó, gánh nặng kinh tế đổ lên vai chồng cô.
Không khí gia đình K.A lúc nào cũng căng như dây đàn vì chồng cô với áp lực quá lớn đè lên vai nên sinh ra cáu bẳn, gắt gỏng thường xuyên (Ảnh minh họa).
“Cuộc sống hôn nhân của đôi vợ chồng vẫn còn đi học như bọn mình thật sự là trăm nỗi cực nhọc mà trước đó có nằm mơ mình cũng không tưởng tượng ra được! Trong mắt mình lúc ấy chỉ nhìn thấy sự tăm tối, mịt mùng” – K.A ngậm ngùi nói. Đó là những lúc cả nhà còn chưa nổi 10 nghìn bạc, là những lúc cô nghén thèm ăn món gì đó nhưng cũng chẳng dám mua, vì còn nhiều khoản khác quan trọng hơn cần chi tiêu đến, ví dụ nộp tiền nhà, không thì cả nhà sẽ bị ra đường. Khó khăn về kinh tế kéo theo sự ngột ngạt về tinh thần. Không khí gia đình K.A lúc nào cũng căng như dây đàn vì chồng cô với áp lực quá lớn đè lên vai nên sinh ra cáu bẳn, gắt gỏng thường xuyên, còn cô mang bầu không được chồng quan tâm, hỏi an thì tủi thân, lúc nào cũng có thể khóc được. Dần dà, chồng cô chán nản, chẳng muốn về nhà nữa, ngày đi làm, tối đi học, nhiều khi đêm anh đi miết.
K.A tâm sự tiếp: “Cứ thế rồi cũng đến lúc mình sinh con. Mình về quê sinh, không còn lựa chọn nào khác, ở trên này trơ trọi 2 vợ chồng thì làm sao mà xoay sở được. Khi con được 5 tháng, có thể ăn dặm, mình cắn răng để con lại cho mẹ trông giúp, còn mình trở lại thành phố làm việc, gửi tiền về cho mẹ nuôi con. Biết là con thiệt thòi, nhưng mang con lên, mình không đủ kinh phí để thuê người trông. Cứ thế, khi con được hơn 1 tuổi, mình mới đón con lên gửi trẻ, 2 vợ chồng chỉ còn tập trung làm việc kiếm tiền nuôi con mà thôi. Mọi thứ lúc này mới bắt đầu dễ thở hơn một chút!” .
Bây giờ con trai K.A đã được 5 tuổi, sắp bước vào lớp 1, cuộc sống gia đình cô đã ổn định hơn nhiều, nhưng mỗi khi nhớ lại những những ngày tháng đó, cô vẫn không tự chủ được mà rùng mình.
Có thể bạn quan tâm: