Nhiệt độ trung bình trên toàn cầu từ năm 1891. Đường màu xám biểu thị sự bất thường của nhiệt độ theo từng năm. Màu xanh hiển thị đường trung bình chuyển động 5 năm một lần. Xu hướng tăng nhiệt độ được mô tả bằng đường màu đỏ. Ảnh: JMA |
Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) công bố dữ liệu hôm 5/1. Theo đó, các nhà khoa học tuyên bố 2014 là năm đứng ở vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng 10 năm nóng nhất trên hành tinh. Số liệu sơ bộ của JMA chỉ ra rằng nhiệt độ bề mặt trung bình trên toàn cầu của năm 2014 ở mức nóng nhất kể từ năm 1891. Đặc biệt, đây là năm có mức nhiệt hơn 0.27 độ C so với giai đoạn 1981-2010.
Trong năm 2014, nhiều khu vực trên thế giới đã phá kỷ lục về nhiệt độ cao trước đó. Mức nhiệt cao kỷ lục từng kéo theo một đợt hạn hán tồi tệ trong lịch sử ở California, Mỹ. Australia cũng trải qua tình trạng tương tự hồi tháng 1.
Theo Time, các năm 1998, 2013 và 2010 lần lượt được xếp ở vị trí năm có nhiệt độ nóng thứ hai, thứ ba và thứ 4.
JMA là một trong 4 tổ chức trên thế giới chịu trách nhiệm đánh giá và lưu giữ thông tin về nhiệt độ toàn cầu. Cơ quan Hàng không Vũ trụ (NASA) và Cơ quan Đại dương và Khí quyển Quốc gia (NOAA) của Mỹ, Trung tâm Hadley của Anh dự kiến sẽ công bố dữ liệu trong thời gian tới và công nhận kỷ lục nhiệt độ của năm 2014.
Anh Hoàng