bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học cập nhật với chu kỳ 7 đã được lấp đầy. Ảnh: Corbis. |
Bốn nguyên tố hóa học mới nằm ở chu kỳ 7 của bảng tuần hoàn chính thức được xác nhận và công bố bởi Hiệp hội quốc tế về hóa học cơ bản và ứng dụng (IUPAC), tổ chức toàn cầu điều chỉnh danh pháp hóa học, thuật ngữ, đo lường, vào ngày 30/12/2015. Đây là lần bổ sung tiếp theo của bảng tuần hoàn tính từ năm 2011, sau khi hai nguyên tố mang số hiệu nguyên tử 114 và 116 được đưa vào.
Theo IUPAC, nhóm các nhà khoa học Nga - Mỹ thuộc Viện Hợp tác Nghiên cứu hạt nhân Dubna, Nga và Phòng Thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore, California, Mỹ, đưa ra đầy đủ bằng chứng phát hiện các nguyên tố 115, 117, 118. Tổ chức này cũng công nhận việc khám phá ra nguyên tố 113 của các nhà khoa học tại Viện Riken, Nhật Bản.
Kosuke Morita, người đứng đầu nhóm nghiên cứu tại Viện Riken, cho biết nhóm của ông đang lên kế hoạch tìm kiếm nguyên tố 119 và những nguyên tố khác xa hơn nữa.
"Việc phát hiện ra nguyên tố mới có giá trị hơn nhiều so với chiếc huy chương vàng tại Thế vận hội Olympic", Guardian dẫn lời Ryoji Noyori, cựu giám đốc Viện Riken, người từng đạt giải Nobel trong lĩnh vực hóa học.
Hiện nay, những nguyên tố mới đang mang tên gọi tạm thời. Tên chính thức sẽ do nhóm các nhà khoa học phát hiện ra chúng đặt trong thời gian tới. Nguyên tố 113 là nguyên tố hóa học đầu tiên được đặt tên ở châu Á.
"Cuối cùng bảng tuần hoàn cũng được hoàn thiện đến hàng thứ 7. IUPAC đang bắt đầu quá trình chính thức hóa tên gọi và ký hiệu cho các nguyên tố mới. Tên gọi tạm thời của chúng lần lượt là Ununtrium (Uut, nguyên tố 113), Ununpentium (Uup, nguyên tố 115), Ununseptium (Uus, nguyên tố 117) và Ununoctium (Uuo, nguyên tố 118)", Jan Reedijk, Giám đốc Phòng Hóa học Vô cơ tại IUPAC, cho biết.
Nguyên tố mới có thể được đặt theo tên một loại khoáng chất, nhân vật thần thoại, địa danh, tên quốc gia hoặc nhà khoa học.
Bốn nguyên tố hoá học mới đều do con người tổng hợp nên. Các nhà nghiên cứu tìm ra chúng bằng cách cho những hạt nhân nhẹ va chạm vào nhau với tốc độ cực lớn, và theo dõi quá trình phân rã sau đó của các nguyên tố phóng xạ siêu nặng.
Giống như những nguyên tố siêu nặng khác nằm ở chu kỳ cuối cùng trong bảng tuần hoàn, chúng chỉ tồn tại chưa đến một giây trước khi phân rã thành nguyên tố khác.
Lê Hùng