Ren Xiaoping (trái) và người đồng nghiệp Canavaro. Ảnh: Xinhua |
Trả lời phỏng vấn Xinhua trong một hội thảo khoa học ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc cuối tháng 7, bác sĩ người Italy Sergio Canavero cho biết sẽ hợp tác với Ren Xiaoping, bác sĩ phẫu thuật ở bệnh viện Đại học Y Cáp Nhĩ Tân.
"Cấy ghép đầu sẽ thay đổi lịch sử nhân loại, nó sẽ chữa trị những căn bệnh hiện thời không thể cứu chữa," Canavero cho biết. "Ren Xiaoping là người duy nhất trên thế giới đủ khả năng dẫn dắt dự án."
Tiến sĩ Ren, 53 tuổi, quê ở Cáp Nhĩ Tân, học và làm việc ở Mỹ hơn 15 năm trước khi bỏ vị trí giảng viên Đại học Y Cincinnati, về quê ba năm trước. Ông được đồng nghiệp gọi là "Tiến sĩ Frankenstein", nhân vật trong tiểu thuyết giả tưởng nổi tiếng của nhà văn Marry Shell, thường được công chúng hóa trang trong lễ Halloween. Ông đã cấy ghép thành công đầu của một con chuột này sang cơ thể con khác năm 2013. Năm nay, Ren dự định thử nghiệm trên động vật linh trưởng.
Ren và đồng nghiệp đã thực hiện gần 1.000 ca cấy ghép đầu chuột. Họ thử nhiều phương pháp khác nhau, giúp chuột sống lâu hơn sau hậu phẫu. Con sống lâu nhất là một ngày.
Canavero cho biết, những kinh nghiệm cấy ghép và hậu phẫu của Ren đã thu hút ông mời người đồng nghiệp Trung Quốc tham gia dự án ghép đầu người. Hai người lên kế hoạch lập một đội ngũ y khoa quốc tế. Valery Spiridonov, kỹ sư máy tính người Nga mắc bệnh teo cơ tủy sống, tình nguyện làm bệnh nhân đầu tiên.
Tuy nhiên, cả hai nhà giải phẫu thừa nhận, để ngăn ngừa cơ thể đào thải đầu cấy ghép, đòi hỏi rất nhiều thử thách về mặt kỹ thuật, khi nối ghép hệ thống dây thần kinh, mạch máu và tủy sống.
Tiến sĩ Ren đánh giá, Canavero có kinh nghiệm sâu trong lĩnh vực tái sinh hệ thần kinh trung ương. Để chuẩn bị cho ca phẫu thuật, họ phải tính toán những máy móc, dụng cụ giải phẫu, thuốc men và phương pháp đặc biệt. Dự án cần ít nhất hai năm để hoàn thiện, nếu được cung cấp đủ chi phí và nhân lực.
Ngoài ra, dự án còn phụ thuộc vào quốc gia cấp phép phẫu thuật, cũng như nguồn tài trợ, Ren cho biết.
"Trung Quốc chưa quyết định. Đội cấy ghép có thể mời thêm chuyên gia nước ngoài," Ren nói, lưu ý không có luật cụ thể cấm cấy ghép đầu ở Trung Quốc.
Ca cấy ghép đầu đầu tiên trên thế giới diễn ra năm 1970, khi nhà giải phẫu thần kinh người Mỹ Robert J.White ghép đầu con khỉ này sang con khác. Con khỉ chỉ sống được vài ngày vì đào thải cấy ghép.
Valery Spiridonov, kỹ sư người Nga, tình nguyện là bệnh nhân đầu tiên được cấy ghép đầu. Ảnh: Telegraph |
Tranh cãi
Wang Yifang, một chuyên gia về đạo đức y tế, đại học Bắc Kinh cho rằng, có nhiều khía cạnh đạo đức cần được đánh giá khắt khe trước ca cấy ghép đầu người.
"Nó rất phức tạp. Cái đầu cấy ghép là của anh, nhưng thân thể lại của người khác. Vì thế, đâu mới là anh?" ông đặt câu hỏi. "Cứ cho là ca cấy ghép khả thi, nhưng việc sử dụng một cơ thể người hiến - có nhiều nội tạng khỏe mạnh, trong lúc có thể cấy ghép cho nhiều người khác nhau, thì nay lại chỉ được dùng cho một người có vẻ không công bằng. Ngoài ra, ai sẽ là người hiến?"
Bác sĩ Hunt Batjer, thành viên Hiệp hội Bác sĩ phẫu thuật Thần kinh của Mỹ, từng bình luận trên CNN rằng: "Tôi ước điều này sẽ không xảy ra với bất kỳ ai. Tôi sẽ không cho phép ai thực hiện ca phẫu thuật này với tôi vì có nhiều thứ còn tồi tệ hơn cả cái chết". Theo Batjer, việc ghép nối phần đầu với một cơ thể khác biệt (bao gồm cả tủy sống, tĩnh mạch...) có thể dẫn đến hệ quả là bệnh điên hay tình trạng mất trí chưa từng có trước đây.
Tuy nhiên, Ren bảo vệ ca cấy ghép, tuyên bố dự án đã được suy nghĩ một cách thấu đáo. Ông hy vọng, nó sẽ giúp những người bị tổn thương tủy sống, ung thư hoặc mắc bệnh teo cơ khỏe mạnh trở lại trong tương lai.
Cấy ghép đầu - cuộc chinh phục của các nhà giải phẫu tiên phong.
Người ta từng chỉ trích, phản đối ca cấy ghép tay người đầu tiên. Tuy nhiên, họ lại chấp nhận nó, sau khi ca cấy ghép thành công.
"Cấy ghép đầu là vấn đề nhạy cảm và gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, là một nhà khoa học, chúng tôi chắc chắn không từ bỏ chỉ vì nó gây tranh cãi," Ren khẳng định.
Hồng Hạnh