Hiện có hàng triệu mảnh vụn vũ trụ bay quanh trái đất. |
Theo giả thuyết này, con tàu có thể đã đụng độ với một trong hàng triệu mảnh vỡ nhân tạo (rơi ra từ các vệ tinh hoặc các con tàu cũ bỏ đi trước đây) đang bay lơ lửng trong quỹ đạo. Hầu hết trong số này có kích cỡ nhỏ hơn một quả bóng tennis.
Tuy nhiên, ông Milt Heflin, giám đốc các chuyến bay của tàu con thoi, cho biết hiện các kỹ sư không có bằng chứng chắc chắn về khả năng này, vì thế, họ chưa thể bỏ qua giả thuyết mảnh xốp cách nhiệt (mà theo đó, một mảnh xốp bị rơi ra bên ngoài bồn chứa nhiên liệu đã va vào cánh trái Columbia và phá hủy các mảnh gốm cách nhiệt ở đây).
- Tàu thâm nhập trở lại bầu khí quyển với tốc độ 20.000 km/h.
- Nổ tung ở độ cao 65 km.
- Các mảnh vụn văng ra trên khắp bang Texas và Louisiana.Mặt khác, giả thuyết mảnh vụn vũ trụ cũng đang làm nảy sinh những vấn đề khó lý giải. Đó là trước mỗi chuyến bay, không quân Mỹ và NASA đều thực hiện việc phân tích quỹ đạo của tàu con thoi, nhằm đảm bảo rằng nó sẽ không va phải bất cứ mảnh vụn nào. Các đài quan sát quang học và radar của không quân Mỹ có khả năng phát hiện vị trí của những vật thể vũ trụ có kích cỡ chỉ vài centimét.
Thêm nữa, vẫn có những vùng trên quỹ đạo hoàn toàn vắng bóng các mảnh vụn, mà một trong số đó được sử dụng làm đường bay cho Columbia. Ngoài ra, nếu có vật lạ văng vào tàu con thoi, thì phi hành đoàn và các chuyên gia máy tính đã phải nhận ra điều đó. Sau cùng, những mảnh vụn nhỏ bé đó nếu có va phải con tàu đi nữa, thì ảnh hưởng mà chúng gây ra cũng không đáng kể. Nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng, một con tàu bay trong vũ trụ lâu hơn 5 năm sẽ có ít nhất 30.000 lần va phải các mảnh vụn như vậy, mà không hề hấn gì.
Năm 1997, Cơ quan Nghiên cứu Quốc gia Mỹ đã có lời cảnh báo rằng, NASA nên thực hiện một cuộc điều tra toàn diện về nguy cơ tàu con thoi có thể bị các mảnh thiên thạch và các mảnh vụn nhân tạo làm hư hại nghiêm trọng. Mảnh vụn vũ trụ có thể gây ra nguy hiểm “trong quá trình tàu phóng lên hoặc tái thâm nhập vào bầu khí quyển trái đất”. Báo cáo này cũng nhận định rằng, các tàu con thoi của NASA, ra đời từ thập kỷ 70, không được thiết kế để chịu đựng sự bắn phá của các vật thể nhân tạo đang bay trên quỹ đạo.
Một vấn đề khác cũng đang làm NASA đau đầu, đó là có nên quyết định cho tàu con thoi Atlantis cất cánh trong thời gian sắp tới hay không. Việc này rất quan trọng, bởi Trạm Quốc tế cần các chuyến viếng thăm thường xuyên của tàu con thoi để duy trì hoạt động. “Chúng tôi sẽ tiếp tục bay vào vũ trụ. Ngay lúc này đây, chúng tôi còn một phi đoàn và một trạm vũ trụ trên quỹ đạo. Họ xứng đáng nhận được sự quan tâm đầy đủ của chúng ta, được đảm bảo an toàn và thành công trong sứ mệnh của mình”, Bob Cabana, một chuyên gia của NASA, nói.
Tai nạn thảm khốc của Columbia cũng khiến người ta phải xem xét lại hiệu quả của thế hệ tàu khổng lồ này. “Chúng ta đang tốn quá nhiều tiền để vận hành những tàu con thoi nặng 68 tấn, và đảm bảo an toàn cho các nhà du hành trên đó. Để chở các nhà du hành từ quỹ đạo về trái đất, chúng ta chỉ cần một loại phương tiện đơn giản, chứ không cần một chiếc tàu khổng lồ với vô số những mảnh gốm cách nhiệt”, nhà nghiên cứu Theodore Postol của Viện Công nghệ Massachusetts, nhận định.
Ông đề nghị rằng, tốt hơn cả là người ta nên phóng một con tàu lớn, gắn kèm với các mô đun nhỏ hơn có thể trở về trái đất. Postol cũng phản đối việc đưa người lên vũ trụ. Theo ông, với các thế hệ robot tiên tiến hiện nay, chúng ta có thể thực hiện được rất nhiều thí nghiệm khoa học, vừa rẻ tiền, vừa an toàn hơn so với việc sử dụng các nhà du hành.
B.H. (theo BBC, CNN)