Một mảnh vỡ được cho là của con tàu Columbia được tìm thấy ở Nacogdoches, Texas. |
Cách duy nhất là hủy bỏ chuyến bay ngay từ khi phát hiện ra hỏng hóc. Nhưng vấn đề là chỉ đến khi xem lại cuốn băng quay chậm vào ngày hôm sau, người ta mới phát hiện ra một mảnh cách nhiệt đã rơi ra khỏi bình chứa nhiên liệu ngoài và va phải cánh trái. Lúc đó thì tàu Columbia đã bay vào quỹ đạo và việc đưa nó trở lại trái đất cũng gây ra những nguy hiểm giống những gì xảy ra 16 ngày sau đó.
Ngay sau khi tàu Columbia nổ tung, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) liên tục bị chất vấn về việc con tàu có thể được sửa chữa hoặc phi hành đoàn có thể được đưa về trái đất an toàn. Nhưng các quan chức NASA cho rằng mọi giải pháp đưa ra đều không thể thực hiện được. Có 4 khả năng chính được đề cập đến trong những buổi tranh cãi và lần lượt bị NASA bác bỏ.
Thứ nhất, sửa chữa các miếng cách nhiệt bị hỏng. Phi hành đoàn không hề có dụng cụ để thực hiện việc đó. Chuyên gia Ron D. Dittermore cho biết ban đầu NASA dự định xây dựng bộ dụng cụ sửa chữa các miếng cách nhiệt, nhưng họ vẫn cho rằng việc tiến hành bên ngoài con tàu là bất khả thi. Ông cũng bổ sung việc một phi hành gia trèo lên bề mặt của con tàu có thể còn gây ra nhiều hư hỏng hơn cho các miếng cách nhiệt.
Một ý kiến khác là con tàu có thể trú tại Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) khi phát hiện ra sự cố. Nhưng nếu không có bình nhiên liệu ngoài (luôn được thả xuống sau mỗi lần phóng), Columbia không có nhiên liệu cho động cơ chính của nó và vì vậy không có cách nào để tiến vào trạm vũ trụ - xoay quanh trái đất theo một quỹ đạo khác.
Một con tàu khác, Atlantis, dự định sẽ được phóng vào ngày 1/3 để cung cấp nhiên liệu và thay thế người trên Trạm vũ trụ quốc tế. Một tình huống mang đậm chất Hollywood đã được tính tới khi NASA cho phóng con tàu Atlantis gồm 2 người, cặp với Columbia trong không trung và đưa tất cả mọi người trở về an toàn. Nhưng Altantis thì vẫn đang trong xưởng và việc phóng sớm hơn dự định sẽ buộc NASA phải bỏ qua những biện pháp an toàn. "Thông thường với nỗ lực cao nhất thì chúng tôi cũng phải mất tới 3 tuần để đưa con tàu vào bệ phóng, nhưng hiện con tàu vẫn còn trong xưởng", Bruce Buckingham, phát ngôn viên của Trung tâm vũ trụ Kennedy, nói. "Hơn nữa, Columbia chỉ có đủ nhiên liệu, ôxi và đồ cung cấp để ở lại quỹ đạo thêm 5 ngày".
Ý kiến cuối cùng là có thể thay đổi quy trình trở về trái đất của Columbia sao cho bảo vệ được khu vực bị hỏng. Nhưng ông Dittermore cho biết quy trình hạ cánh của Columbia đã được thiết kế sao cho nhiệt độ hạ xuống mức thấp nhất có thể. Hơn nữa, ông cho biết không có cách nào để dồn tất cả sức nóng sang bên cánh phải (nơi không có hư hại nào) và đưa con tàu trở lại trái đất an toàn.
Chuyên gia Gene Kranz, người đã bố trí việc giải cứu các phi hành gia trên con tàu Apollo 13 năm 1970, cũng khẳng định, từ những gì ông biết về hư hỏng đối với các miếng cách nhiệt kia, thì không có cách gì có thể cứu nổi chuyến bay. "Tất cả các giải pháp đều không tồn tại", ông nói.
Minh Thi (theo NYTimes)