Băng tan chảy là hình ảnh đầu tiên xuất hiện trong tâm trí của con người khi nhắc đến hiện tượng ấm lên toàn cầu. Ảnh: Business Insider |
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science (Khoa học) hôm 15/1. Các giới hạn mà trái đất vượt ngưỡng an toàn bao gồm biến đổi khí hậu , đa dạng sinh học, sự thay đổi trong hoạt động sử dụng đất và chu trình sinh địa hóa bị thay đổi một phần do việc sử dụng phân bón.
Theo Reuters, đây là những thay đổi gây mất ổn định tính tương tác phức tạp giữa con người, đại dương, đất và không khí. Khi vượt qua ranh giới, những nỗ lực cải thiện tình trạng nghèo đói hay chất lượng cuộc sống sẽ khó có thể thực hiện. Điều đó không gây ra hỗn loạn ngay lập tức, nhưng đẩy hành tinh của chúng ta đến một thời kỳ bất ổn.
"Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, chúng ta cần liên hệ và đánh giá những nguy cơ gây bất ổn toàn bộ hành tinh. Chúng ta đang ở giai đoạn có thể nhìn thấy sự thay đổi đột ngột và không thể đảo ngược do biến đổi khí hậu", Johan Rockstrom, một tác giả trong nghiên cứu, nói. Ông nhấn mạnh ấm lên toàn cầu khiến băng tan chảy sẽ giải phóng lượng khí nhà kính nhiều hơn, và tạo ra một vòng hồi tiếp luẩn quẩn.
ô nhiễm môi trường là vấn đề vượt giới hạn ở mức độ nghiêm trọng nhất. Mật độ khí thải CO2 trong không khí hiện ở mức 395 ppm, trong khi mức độ có thể chấp nhận được là 350 ppm.
Năm 2009, giới nghiên cứu đánh giá và xác định 9 giới hạn an toàn cho hành tinh, mà theo đó nhân loại có thể an toàn và đẩy mạnh phát triển. 5 giới hạn còn lại chưa bị vượt gồm suy giảm tầng ozone, axit hóa đại dương, nhu cầu sử dụng nước ngọt, các hạt bụi nhỏ trong không khí và hoá chất ô nhiễm.
Anh Hoàng