Các nhà khảo cổ bên dấu vết ngôi đền cổ. Ảnh: IRA Block/NG |
BBC đưa tin, phần kiến trúc bằng gỗ được các nhà khảo cổ tìm thấy ở bên dưới ngôi đền thờ Maya Devi tại Lumbini, Nepal.
Nhóm nghiên cứu cùng các nhà tu hành và phật tử bắt đầu khai quật khu vực trung tâm của ngôi đền và phát hiện một cấu trúc bằng gỗ không có phần mái. Ngôi đền thờ bằng gạch sau đó đã được xây lên trên phần kiến trúc gỗ này.
Để xác định thời điểm xây dựng của ngôi đền gỗ, nhóm nghiên cứu sử dụng kỹ thuật carbon phóng xạ phân tích tuổi các mảnh vỡ của than và hạt cát tại khu vực khai quật. Từ đó, họ xác định phần kiến trúc này được xây dựng từ thế kỷ 6 trước Công nguyên.
Tại khu vực khai quật, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện dấu vết của các thân cây lớn, nằm ở trung tâm của ngôi đền. Phát hiện này có mối liên hệ đến câu chuyện truyền miệng kể rằng mẹ của đức phật đã bám vào một cành cây khi sinh ngài tại vườn Lumbini.
Trước đây, các nhà khảo cổ đã tìm thấy bằng chứng của đền thờ phật giáo tại Lumbini, được xác định có niên đại khoảng thế kỷ 3 trước Công nguyên, vào thời đại hoàng đế Ashoka. Phát hiện dấu vết một ngôi đền có niên đại khoảng 2.600 năm này được coi là phát hiện cổ nhất tính đến nay.
"Đây là lần đầu tiên chúng tôi phát hiện dấu vết khảo cổ học tại Lumbini cho thấy dấu hiệu của một ngôi đền có niên đại từ thế kỷ 6 trước Công nguyên. Đây cũng là bằng chứng cổ nhất của một ngôi đền Phật giáo được tìm thấy trên thế giới", giáo sư Robin Coningham, một nhà khảo cổ học của Đại học Durham, Anh, thành viên của đoàn khảo cổ, cho biết.
Theo Ram Kumar Shrestha, Bộ trưởng Văn hóa, Du lịch và Hàng không Dân dụng Nepal, phát hiện này rất quan trọng đối với việc nghiên cứu thời điểm và nơi sinh Đức Phật, đồng thời cho biết chính phủ nepal sẽ cố gắng bảo tồn khu di tích này.
Thùy Linh